Chỉ số APCI 2018 có thể được sử dụng như một trong những thước đo về hiệu quả của những nỗ lực cải cách TTHC ở cấp trung ương (cấp ban hành chính sách) và làm cơ sở để thực hiện cải cách TTHC ở cấp địa phương (cấp thực thi) nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) là chỉ số đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành. Chỉ số APCI gồm 2 chỉ số thành phần, phản ánh hai loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp phải chi trả khi thực hiện thủ tục hành chính, đó là:
1. Chi phí thời gian thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC (tìm hiểu thông tin về TTHC) cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành (nhận kết quả TTHC);
2. Chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả của TTHC.
Theo giả định của APCI, một TTHC hoặc một nhóm TTHC có chi phí tuân thủ thấp được coi là TTHC có chất lượng tốt.
Chỉ số APCI 2018 lựa chọn đánh giá các TTHC thuộc 8 nhóm lĩnh vực hiện đang được các bộ ngành và địa phương ưu tiên cải cách phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, Chính phủ điện tử, phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân, hệ sinh thái khởi nghiệp…gồm: Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Thuế; Đầu tư; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Hải quan; Đất đai; Môi trường; Xây dựng.
Chỉ số APCI năm 2018 được xây dựng theo quy trình 3 bước:
- Bước 1: Lựa chọn và phân tích TTHC dựa trên các quy định hiện hành bao gồm cả việc xác minh thông tin về TTHC với các cơ quan ban hành và cơ quan thực thi TTHC.
- Bước 2: Lựa chọn ngẫu nhiên doanh nghiệp từ danh sách doanh nghiệp được các cơ quan thực thi TTHC cung cấp để thực hiện khảo sát trưcj tiếp (để đảm bảo mức độ chuẩn xác của thông tin do doanh nghiệp cung cấp, chỉ doanh nghiệp đã thực hiện TTHC trong 6 tháng cuối năm 2017 được lựa chọn và phỏng vấn).
- Bước 3: Tính toán hai chỉ số thành phần (thời gian và chi phí trực tiếp) và quy đổi ra tổng chi phí tuân thủ (chi phí thời gian sẽ được quy đổi theo chi phí ngày công theo quy định hiện hành tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 24/02/2014 hướng dẫn đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC).
Theo báo cáo kết quả khảo sát về chi phí tuân thủ và xếp hạng về chi phí tuân thủ của 8 nhóm TTHC của chỉ số APCI 2018 có thể khái quát như sau:
- Nhóm chi phí tuân thủ thấp nhất (CPTT trung bình: 0,396 triệu đồng): Thuế; Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh.
- Nhóm chi phí tuân thủ trung bình (CPTT trung bình: 5,47 triệu đồng): Hải quan; Đất đai; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; Đầu tư.
- Nhóm chi phí tuân thủ cao nhất (CPTT trung bình: 55,45 triệu đồng): Môi trường; Xây dựng.
Kết quả trên cho thấy các TTHC thuộc nhóm Thuế và nhóm Hải quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài Chính là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Doanh nghiệp, đã và đang rất tích cực trong việc cải cách TTHC thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước; nhóm thủ tục Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch & Đầu tư quản lý, kết quả ghi nhận sự thay đổi tích cực tuy nhiên vẫn còn cách nhóm đứng đầu một khoảng cách khá dài tính theo chi phí tuân thủ. Bên cạnh đó, các TTHC của 3 nhóm này đang được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các TTHC của các nhóm thủ tục còn lại. Tiếp theo là 04 nhóm TTHC Đất đai; Đầu tư; Môi trường và Xây dựng đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng, bởi lẽ 04 nhóm thủ tục này có mối quan hệ mật thiết với nhau trong việc đầu tư xây dựng dự án có sử dụng đất của một doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp đã thành lập và sẵn sàng hoạt động, doanh nghiệp đó có thể thực hiện mộ dự án đầu tư có sử dụng đất và xây dựng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải trải qua những thủ tục liên quan đến 4 nhóm thủ tục trên. Mặc dù đã có nhiều khuyến nghị cân nhắc kết nối những TTHC cần thiết của 4 nhóm thủ tục này thành một chu trình thủ tục xuyên suốt giữa các cơ quan nhà nước thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất và xây dựng. Tuy nhiên, đến nay khuyến nghị này vẫn chưa được cân nhắc để thể chế hóa. Khi các TTHC đứng ra riêng lẻ, doanh nghiệp có thể sẽ phải chuẩn bị những loại hồ sơ giấy tờ giống nhau cho từng cơ quan, cũng như phải mất thêm nhiều thời gian về thứ tự thực hiện các TTHC và kết quả là làm tăng thêm đáng kể chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách không cần thiết.
Trong số 8 nhóm thủ tục, chỉ có 02 nhóm thủ tục là Đầu tư và Thuế có tỷ trọng chỉ số chi phí thời gian lớn hơn chỉ số chi phí trực tiếp. Xu hướng chung cho thấy, trong 2 chỉ số thành phần của APCI thì chỉ số chi phí trực tiếp chiếm phần lớn hơn trong chi phí tuân thủ. Ví dụ như: 02 nhóm thủ tục là Xây dựng và Hải quan ghi nhận chỉ số chi phí trực tiếp chiếm tới hơn 90% chi phí tuân thủ, chi phí trực tiếp phát sinh cho nhóm thủ tục Hải quan chủ yếu là nhiều loại chi phí không chính thức phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục. Phần lớn thời gian đang được các doanh nghiệp dành ra để thực hiện việc Chuẩn bị hồ sơ và Chỉnh sửa bổ sung hồ sơ. Trung bình, doanh nghiệp dành hơn 55% thời gian cần thiết thực hiện TTHC để chuẩn bị hồ sơ mà chỉ khi hồ sơ được chuẩn bị một cách hợp lệ và đầy đủ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới chấp nhận hồ sơ để giải quyết TTHC.
- Kết quả đánh giá chi phí tuân thủ của từng địa phương được khảo sát được đinh vị thành 4 nhóm theo tương quan 2 chỉ số thành phần (chi phí thời gian, chi phí trực tiếp). Xu hướng nhiều tỉnh vào nhóm
hiệu quả với chi phí thấp và thời gian ngắn hoặc nhóm
cần cải thiện với cả 2 chỉ số thành phần đều cao; một số tỉnh thuộc nhóm
việt dã có mức chi phí trực tiếp thấp nhưng chi phí thời gian cần cải thiện; một số tỉnh thuộc nhóm
tốn kém vì cần tiết kiệm chi phí hơn nữa mới có thể vào nhóm hiệu quả. Với 4 vùng kinh tế trọng điểm được khảo sát (Bắc bộ, miền trung, phía nam, Đồng bằng sông Cửu Long), kết quả cho thấy không có mối tương quan giữa địa phương có chi phí tốt nhất và vùng kinh tế trọng điểm có chi phí tốt nhất.
Kết quả ACPI có ý nghĩa nhất định đối với kinh tế Việt Nam và đối với việc thiết kế, xây dựng và thực thi TTHC, cụ thể là:
- Việc cải cách hệ thống pháp luật, cải cách thể chế, cắt giảm TTHC có ý nghĩa đóng góp trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc cắt giảm TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC sẽ có tác động trực tiếp tới đầu tư, tới thành lập doanh nghiệp và gián tiếp tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các thể chế thị trường. Cải cách hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ sẽ góp phần tháo gỡ được các nút thắt của quá trình tăng trưởng kinh tế.
- Chi phí tuân thủ TTHC của một ngành, lĩnh vực có mối tương quan tỷ lệ thuận với quyết tâm cải cách chính sách và quy định của Chính phủ, mỗi bộ, ngành trung ương về kiểm soát TTHC. Chỉ số APCI 2018 phản ánh khách quan việc thực thi chính sách pháp luật tại mỗi ngành, lĩnh vực. Khi so sánh chi phí thủ tục của 8 nhóm TTHC, những nhóm TTHC có chi phí thủ tục thấp có xu hướng bao gồm những TTHC có quy định rõ ràng, có những chỉ đạo, biện pháp quyết liệt về mục tiêu và chỉ tiêu thực hiện cải cách từ Chính phủ và bộ, ngành liên quan. VD: Nhóm TTHC về Thuế.
- Sự khác biệt về chi phí tuân thủ TTHC giữa các vùng miền, địa phương và tỉnh thành chủ yếu là do cách thức tổ chức thực hiện và hành vi của các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Do đặc điểm về yêu cầu áp dụng thống nhất các quy định pháp luật tại Việt Nam, những cải tiến trong quy trình, cách thức thực hiện thủ tục ở các cơ quan thực hiện TTHC sẽ có tác động ngay tới việc cắt giảm chi phí TTHC tại các địa phương.
- Chi phí tuân thủ TTHC thấp có liên quan mật thiết với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước. Sự thay đổi về tư duy và cách thức cung cấp dịch vụ công nhằm giải quyết các TTHC, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các cơ quan nhà nước hiệu quả hơn trong công tác quản lý nhà nước và các đối tượng thực hiện TTHC tiết kiệm được nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật hiện hành.
- Cơ quan quy định về TTHC cần tăng cường kiểm soát gánh nặng về chi phí thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để có giải pháp đơn giản hóa. Với nỗ lực thực hiện Chính phủ “không giấy tờ” việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ là cần thiết taaoj điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước tận dụng “tài nguyên” của nhau và góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
- Sự minh bạch về thông tin có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện TTHC. ACPI 2018 cho thấy có tỷ lệ nghịch giữa thời gian tìm hiểu hồ sơ với tổng thời gian thực hiện TTHC. Vì vậy sự minh bạch về thông tin thông qua các kênh thông tin truyền thống và hiện đại là cần thiết để không chỉ giúp cho doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí tuân thủ mà còn giảm nguy cơ tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.
- Các bộ ngành và địa phương có thể nhận diện những nhóm TTHC có thể ưu tiên cải cách theo kết quả ACPI và phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng vùng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Thực chất, mỗi địa phương đều có những ngành ưu tiên phát triển trong mỗi thời kỳ và để thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn những giải pháp phù hợp với địa phương nhất để thực hiện mục tiêu phát triển. Bên cạnh sự chú trọng vào phát triển KT-XH ở mỗi tỉnh, chính quyền tỉnh cần ưu tiên cải cách những nhóm TTHC phù hợp với trọng tâm phát triển của từng vùng kinh tế trọng điểm.
- Việc cắt giảm chi phí tuân thủ và cải cách TTHC ở một lĩnh vực có mối tương quan với động cơ cải cách, như việc đánh giá hoạt động điều hành của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan thực hiện TTHC. Công tác cải cách TTHC cần được gắn với một kết quả được lượng hóa cụ thể, với trách nhiệm của người đứng đầu và gắn với việc đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ lãnh đạo địa phương và của từng cá nhân trong bộ máy thực thi TTHC tại các tỉnh.
Như vậy, ACPI là một thước đo độc lập giúp Chính phủ có cái nhìn khách quan từ phía doanh nghiệp về những thủ tục hành chính mà họ phải trải qua để từ đó nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát TTHC (bao gồm cả việc thiết kế, xây dựng, thực thi TTHC) và có hướng cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp với thực tiễn, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế của Việt Nam đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.
Th.S Hứa Thị Minh Hồng
Khoa Nhà nước và Pháp luật