Nghị định gồm 7 chương với 41 điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, của công chức trong giải quyết và phối hợp giải quyết TTHC cũng như đánh giá TTHC.
So với Quyết định
số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Nghị định 61/2018/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý:
1.Về đối tượng áp dụng: Nghị định mở rộng đối tượng áp dụng gồm các cơ quan giải quyết TTHC từ Trung ương đến địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan giải quyết TTHC, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an; tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện TTHC, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Nghị định cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác áp dụng Nghị định trong giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân.
2. Về giải thích từ ngữ: Ngoài việc giải thích cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Nghị định còn giải thích rõ về “Bộ phận Một cửa”, theo đó “Bộ phận Một cửa là tên gọi chung của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
3. Về nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Ngoài các nguyên tắc công khai, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật như trong quyết định
số 09/2015/QĐ-TTg, Nghị định còn bổ sung các nguyên tắc: Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ; quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá; cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình về thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật và Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
4. Về tổ chức Bộ phận Một cửa:
- Tại cấp Bộ Căn cứ số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ.
- Tại các địa phương:
Đối với cấp tỉnh: Nếu đủ điều kiện thì thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nếu tỉnh nào chưa đủ điều kiện thành lập Trung tâm thì giao cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan chuyên môn đó. Nghị định cho phép UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trình HĐND thành phố quyết định số lượng Trung tâm Phục vụ hành chính công của Thành phố căn cứ tần suất tiếp nhận hồ sơ TTHC, tình hình bố trí trụ sở của các cơ quan chuyên môn và điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với cấp huyện: UBND cấp huyện quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc văn phòng HĐND, UBND cấp huyện.
Đối với cấp xã: UBND cấp xã quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã.
5. Về tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận Một cửa: Ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Nghị định cụ thể hóa
tiêu chuẩn, thời hạn làm việc của công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa như sau: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp bộ (bao gồm tổng cục và tương đương, cục), cấp tỉnh, cấp huyện đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên; có thâm niên công tác tối thiểu 03 năm trong ngành, lĩnh vực được phân công và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời hạn công tác tại Bộ phận Một cửa không ít hơn 06 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
6. Về Quy trình giải quyết TTHC: Nghị quy định cụ thể phạm vi tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa và quy trình giải quyết TTHC từ
Hướng dẫn kê khai, chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết TTHC
, Trả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời Nghị định quy định rõ trách nhiệm Bộ phận Một cửa trong hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC và là đầu mối tiếp nhận hồ sơ TTHC theo cả 3 phương thức: trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích và trực tuyến
cũng như trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, kết quả bị sai, bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng và trong chậm trả kết quả. Tất cả các bước trong quy trình giải quyết TTHC đều phải được cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử để bảo đảm theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình.
7. Về đánh giá việc giải quyết TTHC: Nghị định quy định về đánh giá như: nguyên tắc, thẩm quyền, phương thức thu nhận thông tin đánh giá; đánh giá nội bộ về việc giải quyết TTHC. Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền được công khai tại cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả đánh giá là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; ưu tiên xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Như vậy, Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cùng với các giải pháp khác về cải cách TTHC góp phần đẩy mạnh chất lượng thực hiện TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật