Bác Hồ với Thái Nguyên

Thứ sáu - 26/06/2020 07:39
Chủ Tịch Hồ Chí Minh gắn bó, quan tâm đặc biệt với tỉnh Thái Nguyên. Người đã ở và làm việc tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên lãnh đạo đất nước trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946- 1954). Khi Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển về Hà Nội, Bác nhiều lần trở lại thăm hỏi đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Trong quá trình đó những dấu ấn Người để lại là một giá trị lịch sử, một tài sản vô giá không chỉ với nhân dân các dân tộc ở Thái Nguyên, mà còn là với nhân dân cả nước. Sự quan tâm, gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thái Nguyên thể hiện ở những vấn đề sau:
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Định Hóa - Thái Nguyên xây dựng ATK
Việt Bắc là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi về địa lý, lịch sử, kinh tế, và nhân dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Về địa thế, căn cứ địa Việt Bắc được xây dựng trên một vùng rộng lớn, chủ yếu là núi rừng hiểm trở đã giúp giữ bí mật công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Phía bắc, giáp Trung Quốc, có thể liên lạc với phong trào cộng sản quốc tế. Việt Bắc lại là cửa ngõ của miền xuôi nên vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ của miền xuôi. Từ Thái Nguyên về Hà Nội khoảng 80-90 km. Khi có thời cơ thuận lợi, lực lượng vũ trang có thể tiến nhanh phát huy thắng lợi, nếu gặp khó khăn có thể kịp thời lui về bảo toàn lực lượng. Theo Bác Hồ, Việt Bắc có vị trí cơ động là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Vì nhận thức rõ vị trí, của vùng núi Việt Bắc, gắn bó tin tưởng vào vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xây dựng Việt Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng. Chính tại vùng Việt Bắc Người đã thành lập Mặt trận Việt Minh, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trực tiếp lãnh đạo cách mạng làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau cách mạng tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn Thái Nguyên gắn bó, tin tưởng vào vai trò của nhân dân các dân tộc thiểu số đối với cách mạng Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng ATK Định Hóa - Thái Nguyên là Thủ đô kháng chiến nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Chính phủ ở và lãnh đạo cả nước kháng chiến chống Thực dân Pháp sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946 đến năm 1954.
bh
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân huyện Đại Từ, Thái Nguyên
Hai là, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương tại ATK Định Hóa  
An toàn khu (ATK) Định Hóa tỉnh Thái Nguyên là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những địa danh tại ATK Định Hóa gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những quyết sách quan trọng trong chín năm kháng chiến. Trong đó, địa danh đồi Khau Tý xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, năm 1947. Ở đây Bác đã đưa ra các quyết sách quan trọng để chỉ đạo quân dân ta đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của quân Pháp trong chiến dịch Thu - Đông năm 1947. Cũng tại địa điểm này, Bác đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng.
Trong thời gian ở ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại các địa điểm như: Tại đồi Nà Đình xóm Khuôn Tát xã Phú Đình, huyện Định Hóa, từ ngày 20 tháng 11 năm 1947 đến tháng 01 năm 1954. Trong thời gian tại đây, Bác đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng để chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc. Tại đồi Tỉn Keo xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bác ở và làm việc (1948 - 1954). Nơi đây, Bác đã soạn thảo, ký nhiều văn kiện quan trọng và cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định đem lại thắng lợi cho chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954). Ngày 6 tháng 12 năm 1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Ngày 01 tháng 01 năm 1954, cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy, Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong thời gian này toàn bộ bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng đều ở ATK, các đơn vị vũ trang lớn ra đời, các nhà máy, các công binh xưởng đều đặt ở vùng núi rừng hiểm trở. Đồng bào các dân tộc đã bảo vệ bí mật với khẩu hiệu “3 không”: “không nghe, không thấy, không biết” được mọi người thuộc nằm lòng và triệt để thực hiện. Suốt thời gian kháng chiến, không một điều bí mật nào tiết lộ.
Như vậy, tại ATK Thái Nguyên, hàng loạt quyết định lịch sử quan trọng cũng đã ra đời: Những quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa. Thái Nguyên là thủ đô của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Cùng với nhân dân các dân tộc căn cứ địa Việt Bắc, ATK Thái Nguyên đã không chỉ che chở, đùm bọc Người và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, mà còn có quyền tự hào đã trực tiếp đóng góp sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương tại ATK Định Hóa là những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt vì vây, ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg).
Ba là, quan tâm chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng chiến khu Việt Bắc
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, Thái nguyên vùng chiến khu xưa, trung tâm của vùng Việt Bắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội (năm 1954) cho đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống; chỉ đạo Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.  
Trong lần về thăm Thái Nguyên lần cuối cùng, ngày 1-1-1964,  Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy… Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. Cũng tại buổi mít tinh, Người nói: Để xứng đáng với truyền thống của căn cứ địa cách mạng vẻ vang, Khu tự trị Việt Bắc phải cố gắng thực hiện những điều sau đây:
Trước hết, Người nói về đoàn kết thực hiện đại đoàn kết các dân tộc “Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”
Thứ hai, Về phát triển kinh tế, chăm lo đến đồng bào Bác căn dặn “ Phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm hơn nữa”
Thứ ba, Về xây dựng nến văn mới, xóa nạn mù chữ người yêu cầu “ Phải thanh toán xong nạn mù chữ. Phải xây dựng nếp sống mới từ bản làng đến thành phố”
Thứ tư, về an ninh trật tư trị an Bác yêu cầu “Phải nâng cao cảnh giác, giữ gìn tốt trật tự trị an”
Thứ năm, Bác căn dặn cán bộ, đảng viên “ Cán bộ phải gần gũi nhân dân, nắm vững chính sách, cùng với nhân dân hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho”
Thứ sáu, về xây đào tạo cán bộ Bác xác định vai trò của phụ nữ đồng thời căn dặn lãnh đạo quan tâm chú trọng vào các công việc như đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên, đoàn viên phụ nữ “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”. (10)
Những điều Bác Hồ quan tâm, căn dặn, thực hiện để làm cho tỉnh Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu có, phồn vinh được Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên ghi nhớ thực hiện
Bốn là, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục làm theo lời Bác căn dặn
Thực hiện lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Đảng bộ nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã ra sức phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo đời sống vùng đồng dân tộc thiểu số. Đặc biệt vùng ATK Định Hóa.
Đến nay, Thái Nguyên trở thành trung tâm tâm kinh tế vùng miền núi phía Bắc: Kết quả đạt được năm 2019: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn ước đạt 9%; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 83,5 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn ước đạt 743,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 27,63 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2018; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 15 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4% so với năm 2018; giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp trồng trọt năm 2019 ước đạt 100 triệu đồng; 13 xã được công nhận về đích nông thôn mới; số lao động được tạo việc làm mới tăng thêm ước đạt 21,5 nghìn người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,01%...
Trung tâm vùng về đào tạo và y tế
Thái Nguyên là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 trong cả nước, với 9 trường đại học trong đó Đại học Thái Nguyên có 7 trường (Công nghiệp, Nông lâm, Sư phạm, Y dược, Khoa học, Kinh tế, Công nghệ thông tin); Đại học Việt Bắc; Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật; Hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề đáp ứng được yêu cầu lao động kĩ thuật... đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nguồn lao động
Thái Nguyên là trung tâm vùng về y tế với trên 520 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 01 Bệnh viện Đa khoa trung ương (quy mô 1.000 giường bệnh), 05 Bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh,  07 Bệnh viên Đa khoa cấp huyện đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dung vùng núi Bắc Bộ….
Mục tiêu đến 2030 Thái Nguyên phấn đấu là tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với nền kinh tế hiện đại, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững; là trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn trong nước, có các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc vùng Việt Bắc; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Xây dựng thành phố Thái Nguyên là thành phố sinh thái, có chức năng tổng hợp (quản lý nhà nước, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng và thương mại).
Để thực hiện mục tiêu trên đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái nguyên tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Thái nguyên;  phát huy vai trò vị trí của ATK. Để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài, phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh; phát huy yếu tố con người. Quan tâm hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc phát triển toàn diện; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trong Tỉnh.
Đặng Triệu Hùng
Khoa Xây dựng Đảng
---------------
Tham khảo:
  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.14, tr.225-231.
  2. Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên, www.thainguyen.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập258
  • Hôm nay29,561
  • Tháng hiện tại325,466
  • Tổng lượt truy cập20,807,859
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây