Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên hiện nay

Thứ năm - 13/06/2024 05:15
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện đồng bộ công cuộc đổi mới và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mang lại hiệu quả và tạo sự lan tỏa, thẩm thấu trong mỗi người dân Việt Nam. Với cán bộ, đảng viên nói chung và giảng viên, học viên trường chính trị nói riêng cần tập trung quán triệt những giá trị cốt lõi, những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào quá trình dạy và học lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường.  

Giảng viên, học viên Trường Chính trị Thái Nguyên là những cán bộ, công chức, viên chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao nên càng phải có thái độ tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm với công việc, với Nhân dân, không gây phiền hà cho Nhân dân, không tham ô, tham nhũng, người cán bộ, đảng viên “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, phải đặt lợi ích của Nhân dân, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân. Đó là những đức tính tốt đẹp trong phẩm chất đạo đức đòi hỏi người cán bộ, đảng viên là giảng viên, học viên trường chính trị phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng trong hoạt động thực tiễn.
Thấm nhuần phong cách Hồ Chí Minh, giảng viên, học viên Nhà trường cần nhận thức đúng và vận dụng vào đổi mới phương pháp dạy - học lý luận chính trị. Bởi vậy, người giảng viên đòi hỏi phải có kiến thức khoa học, có trình độ lý luận, có năng lực công tác và luôn tâm huyết với nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, cập nhật những biến đổi của tình hình thực tiễn địa phương, có phong cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, kết nối giữa kiến thức lý luận và thực tiễn sẽ làm cho bài giảng sinh động, có sức thuyết phục cao đối với người học, nội dung giảng dạy sẽ không rơi vào “lý luận suông”, tránh rơi vào chủ quan duy ý chí. Với học viên nếu thiếu rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh sẽ dẫn đến không gắn kết được giữa lý luận đã được tiếp cận với thực tiễn đang diễn ra dẫn đến khó khắc sâu kiến thức và không vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tiễn địa phương, đơn vị đặt ra.
Để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay của Nhà trường về dạy và học lý luận chính trị, giảng viên, học viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, giảng viên phải thật sự nêu gương trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính” và “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vận dụng tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu gương trong quá trình giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên có tác dụng rất lớn trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Để nâng cao chất lượng hiệu quả, mỗi thầy cô giáo thật sự trở thành một tấm gương mẫu mực cho học viên noi theo. Ngoài ra cần thực hiện tốt nói đi đôi với làm, thực hiện tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức tự giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng tạo ra hành động đúng, với ý chí, quyết tâm cao độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Người cho rằng: “…Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Mỗi cán bộ, giảng viên, Nhà trường cần phải sâu về chuyên môn, rộng về thực tiễn, vững vàng về bản lĩnh, chuẩn mực về phong cách, trong sáng về đạo đức, tâm huyết trách nhiệm với nghề. Đối với học viên, chấp hành tốt các quy định, quy chế của Nhà trường, có thái độ đúng mực trong giao tiếp ứng xử với giảng viên, nhân viên phục vụ, có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong học tập và rèn luyện, cả cán bộ, giảng viên và học viên cần lấy đó làm tiêu chí để tu dưỡng, rèn luyện cho bản thân.
Nêu gương là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc, văn minh của nhân loại, là truyền thống đạo lý của dân tộc. Nêu gương chính là hành động của người giảng viên Trường Chính trị tỉnh tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội có tính thuyết phục cao, thuận lòng người; đồng thời nêu gương và có vai trò dẫn dắt học viên làm theo, đây là một phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ đầy giá trị nhân văn của Đảng; có thể nói, nêu gương là sự biểu hiện rõ nét nhất giá trị của tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước và của chế độ xã hội chủ nghĩa, thông qua những cán bộ, đảng viên. Giảng viên là người tiên phong trong bảo vệ và phát huy những giá trị cao đẹp, trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, của Nhà nước. Hơn nữa, thể hiện ở bản lĩnh chính trị vững vàng; giữ vững kỷ luật phát ngôn; có đạo đức trong sáng, mẫu mực, có trình độ chuyên môn sâu và rộng; có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, phong cách sư phạm mẫu mực; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật; thống nhất giữa tư tưởng và hành động; giữa học và hành; giữa lý luận gắn với thực tiễn. Việc nêu gương của giảng viên còn được thể hiện ở mọi lúc mọi nơi, trong cuộc sống và với nhân dân địa phương nơi cư trú…
Hai là, Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Nhà trường hiện nay là thiết thực, hiệu quả. Mỗi giảng viên là một tấm gương về đạo đức; mỗi học viên là một tấm gương tự học, tự sáng tạo, từ đó tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa giảng viên và học viên, giữa giảng viên với đồng nghiệp nhằm xây dựng môi trường văn hóa trường Đảng. Đó là môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu tính nhân văn hướng tới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Ba là, giảng viên phải quán triệt quan điểm dạy học lý luận trên cơ sở thực hiện nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn. Giảng viên cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp dạy học kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học tích cực và các phương tiện hỗ trợ hiện đại phù hợp với đối tượng người học, tạo sự hứng thú với người học. Bên cạnh đó giảng viên cần cập nhật và giới thiệu những gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tượng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa, tăng tính thuyết phục trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW,  ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bốn là, đối với học viên phải xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Trong quá trình học tập, học viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác trong việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng mà người đảng viên phải hoàn thành. Từ đó tích cực, chủ động, thực hiện nhiệm vụ học tập, xác định động cơ học tập đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Đây là nhân tố quyết định để đạt hiệu quả cao trong học tập lý luận chính trị. Bởi khi xác định mục đích học tập đúng đắn thì học viên mới có sự đầu tư, nghiên cứu lý luận và gắn kết kiến thức lý luận đó trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từ đó khắc sâu kiến thức để đạt kết quả học tập cao nhất, đồng thời giải quyết công việc hiệu quả cao.
Năm là, giảng viên, học viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu và vận dụng những giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học tập lý luận chính trị và thực tiễn công tác một cách thường xuyên, liên tục.
Giảng viên có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Thái Nguyên. Hơn nữa đối tượng người học về trình độ ngày càng được nâng lên. Vì vậy, giảng viên cần có thái độ nghiêm túc trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, cập nhật kiến thức lý luận, thực tiễn, kết hợp các phương tiện hiện đại, để hấp dẫn người học và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng. Ngoài việc tiếp thu kiến thức lý luận về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do giảng viên truyền đạt, học viên cần phải có quá trình tự nghiên cứu, tự học qua việc cập nhật các mẩu chuyện kể về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nắm bắt thông tin qua sách, báo… để hiểu rõ hơn về nhân cách, con người Hồ Chí Minh. Đồng thời, gắn việc tự học,  tự nghiên cứu về Hồ Chí Minh với trách nhiệm của người đảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các trang mạng xã hội theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22 /10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Giảng viên, học viên Nhà trường cần thiết phải xây dựng thói quen, ý thức tự giác trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành nền nếp trong hoạt động.
Sáu là, các cơ quan, đơn vị, địa phương (nơi có học viên của Nhà trường) cần chú trọng phát hiện các gương điển hình tiên tiến mẫu mực trong học tập, trong từng việc làm cụ thể, có sức ảnh hưởng lớn làm cơ sở để giảng viên cập nhật, vận dụng trong giảng dạy lý luận chính trị.
Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những thử thách đối với người cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc vận dụng nhuần nhuyễn những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên, học viên Trường Chính trị nói riêng trở thành người cán bộ gương mẫu, mẫn cán, tận tụy, hết lòng phụng sự  Nhân dân, đất nước, xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Nguyễn Mạnh Chiến
------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến pháp năm 2013.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5; tập 6; tập 15. Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011.
- Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay19,682
  • Tháng hiện tại415,280
  • Tổng lượt truy cập21,585,397
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây