Một số lưu ý khi khai thác và sử dụng tác phầm kinh điển Mác-Lênin trong giảng dạy phần chủ nghĩa xã hội khoa học tại trường chính trị hiện nay

Thứ sáu - 18/08/2023 23:15
Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH) với tư cách là một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu sự vận động xã hội nhằm thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến tới xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Thông qua việc nghiên cứu môn chủ nghĩa xã hội trang bị cho học viên lý luận về CNXHKH, hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học và nhân sinh quan cộng sản, đồng thời biến những tri thức mà học viên tiếp nhận được thành những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường, ý thức hệ và hình thành tính độc lập trong tư duy nghiên cứu cũng như vận dụng những tri thức lý luận đó vào giải quyết các vấn đề chính trị xã hội đặt ra trong thực tiễn.
               
Để đạt được mục đích đó, đòi hỏi giảng viên phải không ngừng nỗ lực, tìm tòi, nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức, vận dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp dạy học trong quá trình giảng dạy… trong đó việc tăng cường sử dụng tác phẩm kinh điển trong giảng dạy CNXHKH là một phương pháp quan trọng, có ý nghĩa quan trọng giúp học viên tiếp cận những nguyên lý gốc.
Tuy nhiên, các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin là một kho tàng trì thức khổng lồ, chuẩn mực, mang tính thời đại, bao quát và giải đáp nhiều vấn đề lớn của nhân loại. Chọn tác phẩm như thế nào? Khai thác và sử dựng tác phẩm sao cho  có hiệu quả? Mối quan hệ giữa nội dung lựa chọn trong tác phẩm kinh điển với vấn đề trong giáo trình dự kiến sử dụng ra sao? Đó là những yêu cầu đặt ra khi xây dựng kế hoạch giảng dạy phần học CNXHKH. Để khai thác và sử dụng hiệu quả tác phẩm kinh điển trong giảng dạy CNXHKH, theo tôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, giảng viên phải nắm vững những quy luật, phạm trù có bản của CNXHKH từ đó xác định hệ thống các tác phẩm kinh điển tiêu biểu có liên quan.
CNXHKH nghiên cứu những vấn đề chính trị - xã hội trong quá trình chuyển biến cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó là những vấn đề mang tính quy luật thông qua các mối quan hệ giai cấp, đảng phái chính trị, các dân tộc, tôn giáo… Trong đó phạm trù sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm trù cơ bản, trung tâm của toàn bộ lý luận của CNXHKH. Trên cơ sở nguyên lý đó, giảng viên xác định hệ thống các tác phẩm kinh điển tiêu biểu có liên quan.
Tác phẩm kinh điển tiêu biểu có liên quan đến giảng dạy CNXHKH đó, cụ thể: tác phẩm Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - Lời nói đầu (1844), Tình cảnh của công nhân Anh (1844 - 1845), Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (1847), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), Phê phán Cương lĩnh Gota (1875), Vấn đề nông dân ở Pháp và ở Đức (1894), Nhà nước và cách mạng (1917), Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết (1918)…
Hai là, chọn tác phẩm, nội dung tiêu biểu phù hợp với nội dung bài giảng
Trong giảng dạy CNXH, khi nghiên cứu về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với nội dung trọng tâm là truyền đạt đến học viên những điều kiện khách quan, điều kiện chủ quan quy định sứ mệnh của giai cấp công nhân và nội dung sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Để học viên hiểu được những vấn đề đó, giảng viên có thể khai thác và sử dụng tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với một số luận điểm: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”; sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp “tự giải phóng”; đồng thời nhấn mạnh, trong cuộc đấu tranh cách mạng đó, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Các ông đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.
Ba là, giảng viên phải chọn khéo léo và chính xác lượng kiến thức kinh điển Mác - Lênin phù hợp với từng nội dung của bài giảng.
Tác phẩm kinh điển Mác - Lênin với đặc điểm cơ bản là chứa đựng những thuật ngữ chính trị trừu tượng và không phải dễ dàng hiểu được ngay khi mới tiếp cận, nhất là đối với những học viên lần đầu nghiên cứu và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, giảng viên phải biết lựa chọn khéo léo và chính xác nhất lượng kiến thức kinh điển cho phù hợp với từng nội dung của bài giảng. Không phải học phần nào, nội dung nào cũng trích dẫn kinh điển. Yêu cầu đặt ra cho giảng viên là phải có nghệ thuật tìm tòi, khai thác, sử dụng và lồng ghép có hiệu quả những kiến thức kinh điển phù hợp với nội dung trọng tâm của bài giảng, từ đó cho học viên thấy được vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay.
Để đảm bảo được yêu cầu này, giảng viên phải căn cứ vào thời gian, số tiết của bài giảng để từ đó lựa chọn luận điểm nào cho phù hợp. Các đoạn trích phải phù hợp với nội dung bài giảng, tránh việc lạm dụng khiến cho bài giảng trở nên nặng nề và phức tạp.
Bốn là, giảng viên phải chú ý nội dung và hình thức khi trích dẫn kinh điển.
Khi sử dụng một trích dẫn kinh điển được coi là hợp lý thì yêu cầu đầu tiên, cơ bản giảng viên phải bám sát nội dung và vấn đề nghiên cứu để dẫn chứng những trích dẫn kinh điển phù hợp và chính xác.
Về nội dung của trích dẫn kinh điển: Phải chính xác về mặt tư tưởng, đồng thời những trích dẫn phải phù hợp với nội dung và ý tưởng của vấn đề đặt ra nghiên cứu. Chính xác đến từng câu, chữ, dấu chấm, dấu phẩy.
Hình thức câu trích dẫn: Phải chỉ rõ nguồn gốc trích dẫn, tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang. Hình thức này đảm bảo tính lôgic - lịch sử của nội dung trích dẫn.
Như vậy, khai thác và sử dụng tác phẩm kinh điển Mác-Lênin trong giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng dạy học. Xuất phát từ chính đặc thù tri thức của bộ môn và mục đích trang bị cho học viên những tri thức nền tảng về những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì việc sử dụng và khai thác tác phẩm kinh điển một cách hợp lý sẽ góp phần làm tăng tính phong phú, sâu sắc và khắc sâu được nội dung trọng tâm của bài học đồng thời làm tăng thêm gía trị lý luận cũng như giá trị thực tiễn của môn học.
Nguyễn Thành Chung  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay21,264
  • Tháng hiện tại146,169
  • Tổng lượt truy cập17,110,502
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây