Một số nội dung cơ bản về đào tạo, bồi dưỡng trong nghị định Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Thứ tư - 06/09/2017 22:35
Một số nội dung cơ bản về đào tạo, bồi dưỡng trong nghị định Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 01/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định có hiệu lực từ 21/10/2017 và thay thế cho Nghị định 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức.
So với Nghị định 18/2010/NĐ-CP, Nghị định 101/2017/NĐ-CP có một số nội dung mới cơ bản sau:
1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng: Nghị định mở rộng đối tượng đến viên chức trong đơn vị sự nghiệp công tập đồng thời phân rõ đối tượng thành 3 loại: 
- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;
- Công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; công chức xã, phường, thị trấn; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;
- Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đáng chú ý là Nghị định thu hẹp đối tượng được cử đi đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học. Theo đó chỉ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
    Về đào tạo sau đại học: Điều kiện về  thời gian công tác chỉ áp dụng với cán bộ, công chức và chỉ cần 3 năm công tác (theo nghị định 18 là 5 năm) còn đối với viên chức chỉ cần hết thời gian tập sự (nếu có). Việc cam kết thực hiện nhiệm vụ sau khi đào tạo được thay đổi từ “ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo” xuống còn “ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo”. 
    Nghị định bổ sung thêm trường hợp đền bù chi phí đào tạo khi cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo mà không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp. Theo đó, CBCCV phải trả 100% chi phí đền bủ nếu thuộc trường hợp: Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp;
Trường hợp CBCCVC đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết thì chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S =    F    x (T1 - T2)
    T1    
Trong đó:
- S là chi phí đền bù;
- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
2. Nội dung bồi dưỡng: Nghị định chỉ đề cập đến nội dung bồi dưỡng thay vì đề cập chung là nội dung đào tạo, bồi dưỡng như nghị định 18/2010/NĐ-CP (phù hợp với thực tế vì chương trình đào tạo được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện lâu dài). Theo đó nội dung bồi dưỡng được khái quát ngắn gọn gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
3. Về chương trình, tài liệu bồi dưỡng: thay vì quy định 3 loại chương trình (bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành) như Nghị định 18/2010/NĐ-CP, Nghị định 101/2017/NĐ-CP cụ thể hóa thành 7 loại chương trình, tài liệu bồi dưỡng gồm:
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.
-  Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, gồm các chương trình theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức (cán sự và tương đương, chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên cao cấp và tương đương), thời gian thực hiện tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần, 
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức (gồm các chương trình bồi dưỡng theo hạng chức danh nghề), thời gian thực hiện tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần.
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (cấp phòng và tương đương, cấp huyện và tương đương, cấp sở và tương đương, quản lý cấp vụ và tương đương, Thứ trưởng và tương đương). Thời gian thực hiện tối thiểu là 02 tuần, tối đa là 04 tuần.
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã, thời gian thực hiện tối thiểu là 02 tuần, tối đa là 04 tuần.
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, thời gian thực hiện tối đa là 01 tuần.
Cùng với việc cụ thể hóa các chương trình bồi dưỡng gắn sát với đối tượng, Nghị định đã bổ sung quy định về áp dụng chương trình bồi dưỡng, theo đó chương trình bồi dưỡng công chức sẽ được áp dụng cho viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người giữ chức danh, chức vụ của công ty TNHH một thành viên nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Cụ thể là:
-  Áp dụng chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức cho viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng tương đương làm việc ở bộ phận hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, kế hoạch, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
-  Áp dụng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương cho viên chức lãnh đạo, quản lý phòng, khoa, ban hoặc các đơn vị tương đương của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Áp dụng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
-  Áp dụng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
4. Tổ chức bồi dưỡng: Nghị định 18/2010/NĐ-CP xác định 3 chủ thể có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Các Học viện, Trường, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ). Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định rõ hơn 4 chủ thể có trách nhiệm bồi dưỡng gồm: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, 
5. Thẩm quyền biên soạn tài liệu: Ngoài thẩm quyền của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như quy định của Nghi định 18/2010/NĐ-CP; Nghị định 101/2017/NĐ-CP bổ sung thẩm quyền biên soạn của các chủ thể: cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp; các cơ quan, đơn vị biên soạn tài liệu các chương trình được cấp có thẩm quyền giao tổ chức bồi dưỡng.
6.  Chứng chỉ bồi dưỡng: Nghị định quy định chứng chỉ bổi dưỡng là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề và là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cán bộ, công chức, viên chức;
    Như vậy, Nghị định 101/2017/NĐ-CP được ban hành đã góp phần làm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đúng tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm và gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định cũng là căn cứ để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng khoa NNPL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay10,503
  • Tháng hiện tại402,684
  • Tổng lượt truy cập16,351,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây