Mục tiêu, lý tưởng chọn nghề nghiệp của Mác trong tác phẩm "Suy tưởng của một chàng trai trong việc chọn nghề nghiệp"

Thứ năm - 25/03/2021 23:26
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Min (26/3/1931- 26/3/2021) và 203 năm ngày sinh Mác (5/5/1818- 5/5/2021). Với những nghiên cứu bước đầu, tôi xin giới thiệu khái lược về tiểu sử, sự nghiệp và nội dung cơ bản Luận văn tốt nghiệp trung học của Mác. Cụ thể, ở bài viết này tôi chủ yếu tập trung khai thác quan điểm của Mác trong việc xác định mục tiêu, lý tưởng chọn nghề nghiệp của Mác khi còn là thanh niên, đồng thời xin gửi thông điệp về mục tiêu, lý tưởng chọn nghề nghiệp của Mác đến các bạn Đoàn viên thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
  1. Khái lược về tiểu sử và sự nghiệp của Mác
- Về tiểu sử: Mác sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Tơriơ nước Đức trong gia đình luật sư Heinrich Marx. Năm mười hai tuổi Mác vào học trường trung học ở Tơriơ. Sức học của Mác thuộc loại giỏi. Mùa thu 1835, Mác tốt nghiệp trường trung học. Tháng 10/1835, Mác vào trường đại học tổng hợp Bonn để học luật. Hai tháng sau, theo lời khuyên của bố, Mác tiếp tục học ở trường Đại học Tổng hợp Berlin. Ở trường Đại học năm 1836, ngoài luật học, sử học và ngoại ngữ Mác bắt đầu đi sâu nghiên cứu triết học. Mùa xuân 1837, Mác bắt đầu nghiên cứu kỹ những tác phẩm của Hê-ghen. Ngày 15/2/1841, khi mới 23 tuổi, Mác nhận được bằng Tiến sĩ Triết học với luận án Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Démocrite và triết học tự nhiên của épicure tại trường Iêna. Tháng 5/1843, Mác đến Kroisnak, một thành phố nhỏ vùng Rhein và ông đã chính thức làm lễ thành hôn với Jenny vôn Vestphalen. Năm 1842, khi Ph. Ăng-ghen trên đường sang Anh, Pháp, Mác cùng với Ph. Ăng-ghen đến Kioln, tại đây Mác trở thành Tổng biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh, cơ quan ngôn luận của phái dân chủ. Tháng 9/1849, từ Pari Mác đi Luân đôn và sống đến cuối đời (1883). Mác qua đời ngày 14/3/ 1883 ở Luân đôn.
- Về sự nghiệp và những cống hiến của Mác: Mác có nhiều đóng góp khoa học quan trọng vào lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, trong đó Mác có những đóng góp tập trung vào ba lĩnh vực: Triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong lĩnh vục triết học, Mác đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử, xã hội loài người, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng hoàn chỉnh, từ chỗ nhận thức thế giới tự nhiên sang nhận thức xã hội loài người, tìm ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Về kinh tế chính trị,  Mác vận dụng chủ nghĩa quy vật biện chứng, duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu và chỉ ra quy luật kinh tế, quá trình phát sinh phát triển và tiêu vong của chủ nghĩa tư bản, phát hiện ra quy luật giá trị, chỉ ra mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Về Chủ nghĩa xã hội, Mác chỉ ra quy luật phát triển của xã hội, chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là làm cách mạng lật đổ chế độ tư bản, sáng tạo ra xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Karl Marx khi còn là sinh viên
  1. Quan điểm về mục tiêu, lý tưởng chọn nghề nghiệp của Mác
Ngày 12/8/1835, Trường trung học phổ thông Phridich Vinhem ở thành phố Tơria nước Đức tổ chức thi tốt nghiêp. Đề thi tốt nghiệp với chủ đề: “Suy nghĩ của thanh niên khi chọn nghề”. Kết quả thi, một trong những bài Khóa luận hay nhất là của một trong những học sinh trẻ nhất, khi ấy mới 17 tuổi, đó chính là  Mác.
Mở đầu bài khóa luận tốt nghiệp, Mác đã chỉ ra sự khác biệt giữa con người và các động vật khác trong các hoạt động của mình, trong khi con vật chỉ hoạt động sinh tồn trong khuôn khổ tạo hóa có tính chất bản năng thì con người hoạt động có ý thức với mục tiêu, lý tưởng sống trong việc chọn nghề, khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Theo Mác, con người hoạt động theo nghề nghiệp với khả năng, sở trường  để phát triển bản thân nhưng cũng có thể làm mất đi cuộc sống, làm hỏng mọi kế hoạch, tương lai của con người và biến con người trở thành nô lê, bất hạnh nếu không xác định đúng mục tiêu và lý tưởng hoạt động chọn nghề nghiệp của mình. Mác viết: Bản thân tạo hóa đã xác định cho loài vật một phạm vi hoạt động mà nó phải vận động trong khuôn khổ phạm vi đó, bình thản vận động mà không biểu hiện ý nguyện vượt ra ngoài phạm vi này, thậm chí không ngờ về sự tồn tại của một phạm vi nào khác.
Cũng như vậy, con người đã được thượng đế chỉ ra mục tiêu chung- hoàn thiện loài người và chính bản thân mình, tự mình tìm kiếm những phương tiện mà con người có thể dùng để đạt được mục tiêu ấy. Thượng đế dành cho con người cơ hội có được trong xã hội một địa vị phù hợp nhất với người đó và đem lại cho người đó khả năng tốt nhất để đề cao bản thân và xã hội. “Khả năng có được sự lựa chọn ấy là ưu việt của con người so với những sinh vật khác của tạo hóa, nhưng đồng thời sự lựa chọn ấy là hành động có thể thủ tiêu toàn bộ cuộc sống của con người, làm hỏng mọi kế hoạch của con người và biến con người trở thành bất hạnh”(1).
Chính vì vậy, Mác cho rằng đối với một thanh niên, việc nghiêm túc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp là bổn phận trước nhất khi bước vào đời nếu không muốn phó mặc cuộc đời mình cho số phận và sự may rủi. Mỗi thanh niên khi lựa chọn nghề cần xác định cho mình một mục tiêu đáng để theo đuổi, một mục tiêu mà mình cho là vĩ đại. Phải nghiêm túc cân nhắc xem nghề nghiệp được lựa chọn ấy có thật sự cổ vũ chúng ta không, tiếng nói nội tâm của ta có tán đồng nghề đó hay không. Mác viết: “Trước mắt mỗi người đều có mục tiêu mà ít ra thì bản thân người đó cho là vĩ đại và mục tiêu ấy là thật sự như thế, nếu mục tiêu ấy được thừa nhận là vĩ đại bởi chính niềm tin sâu sắc nhất, bởi tiếng nói sâu lắng nhất của trái tim”. “ Vì thế chúng ta phải nghiêm túc cân nhắc xem làm nghề nghiệp được lựa chọn có thật sự cổ vũ chúng ta không, tiếng nói nội tâm của ta có tâm đồng nghề đó hay không” (2).
Theo Mác, mỗi người muốn làm việc tốt phải tìm ra động lực, sự khích lệ mục tiêu hành động của bản thân. Động lực, sự khích lệ mục tiêu ấy luôn thôi thúc chúng ta vươn lên tìm tòi, cống hiến không ngừng để hoàn thiện bản thân. Động lực và sự khích lệ mục tiêu ấy không phải là địa vị, uy quyền vật chất trong xã hội mà nó xuất phát từ năng lực, khả năng, sự đam mê công hiến cho phẩm giá của con người và mục tiêu, lý tưởng xã hội cao đẹp. Mác viết: “ Sức mạnh của chúng ta tuyệt nhiên không phải là kiếm lấy cái địa vị xã hội, trong đó chúng ta có được khả năng lớn nhất để nổi bật, một địa vị như thế không có nghĩa là khi có được nó thì có thể là trong một loạt năm dài chúng ta không thấy mệt mỏi, sự hăng say của chúng ta không bao giờ cạn kiệt, sự khích lệ chúng ta sẽ không bao giờ nguội lạnh. Ngược lại, chúng ta sẽ mau chóng cảm nhận ra rằng những ước nguyện của chúng ta đã không được thỏa mãn, rằng ý tưởng của chúng ta đã không được thực hiện, chúng ta sẽ than phiền thượng đế, nguyền rửa loài người”(3).
Trong thực tế, nhiều bạn trẻ khi chọn nghề thường có định hướng bởi sự hấp hẫn lợi ích vật chất, sự ham danh lợi về địa vị xã hội mà quên đi sự đam mê trong công việc. Thực tế vật chất ấy, theo Mác có định hướng để có thể trở thành hiện thực, nhưng nó cũng chỉ khích lệ bất chợt, là diện mạo vật chất tô vẽ cuộc sống bề ngoài, không đáp ứng được nhu cầu nội tâm, sự đam mê công hiến, dẫn đến không khích lệ thường xuyên hoạt động bền vững của con người. Mác viết: “… niềm hư danh mới có thể gây nên sự khích lệ bất chợt của nghề này hay nghề kia. Có thể chúng ta đã tô vẽ nghề đó trong trí tưởng tượng của mình, đã tô vẽ nghề đó đến mức là nghề đó biến thành phúc lợi cao cả nhất mà cuộc sống có thể đem lại. Chúng ta đã không phân tích nghề đó trong tư duy, đã không đem cân đo tất cả sức nặng của nó, trách nhiệm vĩ đại mà nghề đó trút lên chúng ta; chúng ta xem xét nó chỉ từ xa, mà khoảng cách xa thì lại đánh lừa con mắt”(4). “ Những ai bị lôi cuốn bởi con quỷ háo danh thì lý trí không còn có thể kiềm chế được nữa, và thế là con người lao vào nơi mà sức mạnh không gì khắc phục được lôi kéo anh ta vào đó, con người không còn tự mình lựa chọn vị trí cho mình trong xã hội nữa, mà việc đó đã được quyết định bởi vận may rủi và ảo tưởng”(5).
Do đó, theo Mác cần phải có định hướng bằng lý trí, lý tưởng vì sự đam mê cống hiến cho nghề, đồng thời phải chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân để từ đó thoát khỏi sự háo danh, hư danh địa vị của xã hội. Mác viết: “Nếu chúng ta lựa chọn một nghề mà chúng ta không có năng lực cần thiết để làm nghề ấy thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện nó một cách xứng đáng và ta sẽ mau chóng nhận ra, với những nỗi hổ thẹn, rằng bản thân ta bất lực và phải tự nhủ rằng chúng ta là những sinh vật vô dụng của tạo hóa, rằng trong xã hội chúng ta là những thành viên không có khả năng thực hiện sứ mệnh của mình”(6).
Theo Mác, nghề nghiệp chỉ mang lạị niềm vui và hạnh phúc và sự thành công khi sự lựa chọn ấy phải vượi qua danh lợi, địa vị hư danh xã hội để hướng tới xây dựng phẩm giá con người. Sự lựa chọn của mỗi người có thể không phải bao giờ cũng là nghề cao nhất, nhưng lại luôn là nghề đáng mong muốn nhất, là nghề sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc và sự đam mê trong công việc. Mác viết: “Phẩm giá chính là điều đề cao con người nhiều hơn cả, là cái đem lại sự cao đẹp tối thượng cho hoạt động của con người, cho tất cả mọi ước nguyện vươn tới của con người, là cái cho phép con người đứng cao hơn đám đông một cách vững chắc, khiến họ phải kinh ngạc…” (7).
Tuy nhiên Mác cho rằng, để chọn một nghề mang lai phẩm giá cho con người thì khi chọn nghề cũng cần có sự cân nhắc, suy xét từ hoàn cảnh thực tế của bản thân, không nên hão huyền khi hoàn cảnh gia đình, kinh tế của bản thân không cho phép. Sự đam mê trong công việc thì yêu thích nghề nghiệp là điều kiện quan trọng nhưng không quyết định tạo lên phẩm giá con người, phẩm giá con người chỉ được tạo lên trên nền tảng phù hợp của điều kiện thực tiễn cuộc sống của mỗi người trên nên tảng yêu thích và sự đam mê công hiến trong công việc. Mác viết: “ Nếu chúng ta đã cân nhắc tất cả những điều kiện đó và nếu những điều kiện cuộc sống của chúng ta cho phép ta lựa chọn bất kỳ nghề nào thì khi ấy chúng ta có thể lựa chọn cái nghề sẽ đem lại cho chúng ta phẩm giá lớn nhất, lựa chon một nghề dựa trên các ý tưởng mà chúng ta hoàn toàn tin vào sự chân chính của nó. Chúng ta có thể chọn một nghề nghiệp mở ra môi trường hoạt động rộng rãi nhất vì loài người và đưa chúng ta xích lại gần đến mục tiêu chung, mà đối với mục tiêu này thì mọi nghề nghiệp chỉ là phương tiện, nhằm xích lai sự hoàn thiện”(8). “ Nhưng chỉ có cái nghề mà trong đó chúng ta không phải là những công cụ nô lệ, mà trong đó chúng ta sáng tạo một cách độc lập trong thế giới của mình mới có thể đem lại phẩm giá; đó là cái nghề không đòi hỏi ta có những hành động bị chê trách…”(9).
Theo Mác, kim chỉ nam định hướng mục tiêu cho chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp “ …chính là phúc lợi của loài người, là sự hoàn thiện của chính chúng ta”(10). Vì sự hoàn thiện cá nhân và phúc lợi loài người không hề mâu thuẫn nhau, bởi “bản chất con người được cấu tạo khiến cho con người chỉ có thể đạt được sự hoàn thiện của mình bằng hoạt động cho sự hoàn thiện của những người cùng thời, với mình và vì phúc lợi của họ”(6). “ Nếu con người chỉ lao động cho bản thân mình thì người đó có thể trở thành nhà khoa học nổi tiếng, một triết gia vĩ đại, một nhà thơ tuyệt vời, nhưng không bao giờ người đó có thể trở thành một người thật sự và vĩ đại”(11).
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị-xã hội của thanh niên Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Tổ chức này được coi là vườn ươm đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai cho Đảng Cộng sản Việt Nam, là cánh tay nối dài của Nhà nước. Với vị trí, vai trò rất quan trọng cho tương lai phát triển của đất nước, trong những năm qua Đoàn viên thanh niên cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những năm qua, trong tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh  đã có nhiểu cá nhân tiêu biểu, điển hình có đóng góp quan trọng vào nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng không ít Đoàn viên thanh niên đã biểu hiện có lối sống thực dụng, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình coi nhẹ gia đình và cộng đồng, không quan tâm, chia sẻ lợi ích với xã hội, họ sống ích kỷ, vụ lợi, vô tâm, vô cảm với cộng đồng. Chính vì vậy, trước xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đất nước đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi mỗi Đoàn viên thanh niên  cần tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong của tuổi trẻ, nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử của mình với tương lai phát triển của đất nước, phải luôn chủ động học tập, lao động sản xuất, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cùng với đó, phải tích cực nâng cao trình độ lý luận chính trị và không ngừng học tập tinh thần lý luận cách mạng trong việc chọn nghề nghiệp của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: “ Nếu chúng ta chọn được một nghề mà chúng ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì chúng ta sẽ không cảm thấy gắng nặng của nghề ấy, vì đó là sự hy sinh cho tất cả mọi người; bây giờ chúng ta sẽ không hưởng một niềm vui sướng đáng thương, hạn hẹp và ích kỷ, mà hạnh phúc của chúng ta thuộc về hàng triệu người. Hành động của chúng ta thầm lặng, nhưng sẽ sống mãi và có tác dụng muôn đời, và di hài của chúng ta sẽ được tưới đẫm bởi những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý”(12).
Th.S Nguyễn Thành Chung
Khoa Lý luận cơ sở
Tài liệu tham khảo
(1). Các Mác và Phriđrích Angghen toàn tập, NXB CTQG, 2000, tập 40, tr12
(2).  Sdd, tr12
(3).  Sdd, tr13
(4).  Sdd, tr 13
(5).  Sdd, tr 13
(6).  Sdd, tr 15
(7).  Sdd, tr 16
(8).  Sdd, tr 16
(9).  Sdd, tr 16
(10).  Sdd, tr 18
(11).  Sdd, tr 18
(12).  Sdd, tr 18

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập403
  • Hôm nay22,222
  • Tháng hiện tại318,127
  • Tổng lượt truy cập20,800,520
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây