Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Chủ nhật - 04/12/2016 11:41
Thôn, làng, ấp bản, sóc… (gọi chung là thôn); Tổ dân phố, khu phố, xóm… (gọi chung là tổ dân phố), không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

 Cộng đồng dân cư trong thôn, tổ dân phố cùng nhau bàn bạc, thảo luận, quyết định các biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân cấp xã giao và thực hiện nghĩa vụ công dân, đảm bảo đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự vệ sinh môi trường; xây dựng cuộc sống; giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục; thực hiện hương ước, và  quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đội ngũ cán bộ  thôn, tổ dân phố gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng các chi hội, đoàn thể. Họ là những người sát dân, gần dân, hiểu nhân dân nhất, là những người được bà con trong cộng đồng tín nhiệm bầu ra, là cánh tay nối dài của UBND cấp xã được hình thành, từng bước được củng cố, kiện toàn và khẳng định được vai trò cũng như tầm quan trọng của mình. Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, nhiều công việc sẽ được thực hiện ngay tại địa bàn khu dân cư, đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương lớn này. Thực tế chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững chủ trương, chính sách, có kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng dân vận, tổ chức; nhiệt tình, trách nhiệm với việc làng, việc phố, ở đó cán bộ và nhân dân đoàn kết, an ninh, trật tự được giữ vững, chủ trương, chính sách, các phong trào, các cuộc vận động được thực hiện một cách hiệu quả, ngược lại sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém, trì trệ…

Hiện nay, đa số lực lượng cán bộ, thôn, tổ dân phố tận tụy với công việc, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự an ninh, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản trên, cán bộ thôn, tổ dân phố còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ nhất, đội ngũ này có nhiều đồng chí là cán bộ về hưu (có độ tuổi cao), do vậy thường xuyên biến động về nhân sự. Nhiều người trong số đó còn hạn chế về nghiệp vụ công tác quản lý hành chính nhà nước và thiếu hụt về kiến thức về pháp luật.

 Như chúng ta đã biết cán bộ thôn, tổ dân phố có vai trò quan trọng trong việc trực tiếp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; nắm vững hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng là người hướng dẫn tổ chức vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ. Chính vì vậy họ phải nắm vững, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật hiện hành mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lấy ví dụ như công tác hòa giải ở cơ sở: Các mâu thuẫn tranh chấp xảy ra trong cộng đồng dân cư là vô cùng đa dạng và phức tạp. Nổi bật nhất là mâu thuẫn xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình; sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản; các vấn đề thừa kế, thế chấp, cầm cố tài sản và bồi thường thiệt hại; các tranh chấp về quyền sử dụng đất, các hành vi vi phạm pháp luật dân sự và hình sự… Từ thực tế tổ chức thực hiện các vụ hòa giải ở cơ sở cho thấy phần lớn đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố đều vướng mắc chủ yếu trong vận dụng các quy định của pháp luật để giải quyết các vụ việc dẫn đến vai trò tiếng nói của lực lượng này không được phát huy khiến kết quả hòa giải thành công còn thấp.

Thứ hai, trong nhiều năm qua, cán cân giữa trọng trách được giao và quyền lợi được hưởng của cán bộ thôn, tổ dân phố luôn chênh lệch lớn, trong khi, giá cả hàng hóa, giá trị ngày công lao động ngày một tăng. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, trách nhiệm và khả năng tham gia công việc của cán bộ thôn, tổ dân phố.

 Về chế độ chính sách, hiện nay các địa phương căn cứ theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố kèm theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố. Tuy nhiên chưa một có văn bản nào hướng dẫn mức phụ cấp cụ thể cho những chức danh này để các địa phương vận dụng thực hiện một cách thống nhất.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên căn cứ theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 25 tháng 01 năm 2014 quyết định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tại điều 3 của văn bản này quy định mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Tổ trưởng tổ dân phố, Công an viên hưởng mức phụ cấp hệ số 1,2; 1,0; 0,8 mức lương cơ sở tương ứng với xóm, tổ dân phố loại 1, loại 2, loại 3. Như vậy mỗi bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chỉ được hưởng dao động từ 920.000 đồng  đến 1.380.000 đồng/ tháng.

Thứ ba, trong thực hiện nhiệm vụ được giao, một bộ phận cán bộ thôn, tổ dân phố còn có những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu; vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Xã, phường, thị trấn hiện nay có phạm vi rộng, dân cư có xu hướng tăng, chính vị vậy chính quyền cấp xã không thể với tới từng hộ nhân dân nên nhiều công việc hành chính phải qua cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố. Ví dụ: kê khai hộ khẩu, chứng nhận các danh hiệu của công dân, thu thuế nhà đất, chứng nhận yêu cầu chuyển nhượng đất, thu các khoản đóng góp khác… Một số người qua đó đã lợi dụng vai trò của mình gây khó khăn đối với nhân dân, cá biệt một số trường hợp còn trục lợi cá nhân.

Ở một số nơi vì lý do này, lý do khác hoặc do thiếu sự quan tâm lãnh đạo của tổ chức Đảng mà không chọn được những người có đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm công việc này. Trong khi đó, có người có dòng họ lại tìm mọi cách để nắm lấy bằng được chức trưởng thôn, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố để phục vụ lợi ích của bản thân, của họ hàng.

Tình trạng quan liêu tham nhũng, tiêu cực đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với tính chất rất nghiêm trọng cũng đã ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến cấp cơ sở và cán bộ thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó cơ chế giám sát của nhân dân ở thôn, tổ dân phố chưa được quy định chặt chẽ, thực hiện chưa nghiêm.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, cấp ủy và chính quyền địa phương cần rà soát, đánh giá chính xác, đúng thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, thôn, tổ dân phố để có phương hướng bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, lối sống, năng lực và trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ trưởng thôn, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể… Điều đó sẽ giúp cho họ có kiến thức để thực hiện nhiệm vụ của mình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.

Thứ hai, cần quan tâm nâng mức phụ cấp cho các cán bộ thôn, tổ dân phố ít nhất cũng bằng mức tiền lương tối thiểu và có thể xem xét mua bảo hiểm xã hội cho họ, tốt nhất là theo loại hình bảo hiểm tự nguyện. Ngoài ra, việc mua bảo hiểm cho các trưởng thôn, xóm, tổ dân phố cũng sẽ tạo tâm lý yên tâm, hoạt động hiệu quả và nhiệt tình hơn trong công việc được giao.

Thứ ba, các chi bộ Đảng phải coi trọng lãnh đạo và thực hiện công tác nhân sự một cách quyết liệt và triệt để nhằm chọn được những người làm cán bộ thôn, tổ dân phố có đạo đức và lối sống lành mạnh, có năng lực đủ trình độ đảm đương được chức trách, giới thiệu để nhân dân bầu. 

Thứ tư, nên xây dựng quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu của thôn, tổ dân phố bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng và sự phối hợp chặt chẽ giữa trưởng thôn, tổ dân phố với Ban công tác mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị. Từng bước xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân ở thôn, tổ dân phố theo nguyên tắc tự quản, dân chủ trực tiếp như: trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố phải lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng một công trình; công khai dự án của cấp trên đầu tư cho địa bàn (nếu có); báo cáo quyết toán công khai tài chính của thôn, tổ dân phố hằng năm, của từng công trình và thu chi sau khi huy động các khoản đóng góp trong nhân dân…

Hy vọng, một nhiệm kỳ mới với quyết tâm chính trị lớn của Đảng, cùng với các mục tiêu, chiến lược được đề ra, những bất cập của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố sẽ được quan tâm giải quyết. Đây chính là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố.
  2. Thông tư 04/2012/BNV Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
  3. Quyết định 04/2014/QĐ-UBND Quyết định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thay thế Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;  và Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 tháng 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện phụ cấp đối với Bảo vệ dân phố của tỉnh Thái Nguyên và bãi bỏ các quy định khác của UBND tỉnh trái với Quyết định này.
  4. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố: Quá thấp! Ngày 27/10/2010 (http://www.baomoi.com/che-do-chinh-sach-cho-doi-ngu-can-bo-thon-xom-to-dan-pho-qua-thap/c/5085757.epi)

Nâng cao chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố ngày 22/10/2010 (http://baonamdinh.vn/channel/5086/201010/Nang-cao-che-do-chinh-sach-cho-doi-ngu-can-bo-thon-xom-to-dan-pho-2010635/

Hồ Sỹ Bách
Phòng Tổ chức – Hành Chính – Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay17,903
  • Tháng hiện tại433,997
  • Tổng lượt truy cập21,604,114
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây