Nhận thức đúng đắn về tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư - 29/11/2023 20:56
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của thời đại, là tài sản vô giá của dân tộc ta. Con người Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đến với cách mạng Việt Nam, với Đảng và dân tộc ta từ rất sớm, nhất là từ sau khi nước nhà giành được độc lập (năm 1945). Tư tưởng của Người không chỉ tiếp thu, kế thừa những giá trị tinh hoa văn hóa, tư tưởng “vĩnh cửu” của loài người, trong đó chủ yếu là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn đáp ứng nhiều vấn đề của thời đại, sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Ngày nay, Đảng ta luôn xác định, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận, nền tảng tư tưởng và chính trị, định hướng cho hoạt động của chúng ta hiện tại và tương lai. Tư tưởng đó phải được học tập, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo, tuyệt đối không giáo điều, dập khuôn hay ngả nghiêng, dao động.
Ngay trong các vǎn kiện do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khởi thảo và được thông qua từ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930), đường lối, quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được thể hiện, đó là con đường cách mạng triệt để: Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) của Đảng đã bắt đầu đề cập vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) đã bắt đầu dùng đến hai từ “tư tưởng” trong việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự nhận thức của Đảng ta đối với vấn đề nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (2/1951) đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) mới chỉ đề cập vai trò, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh đến Đại hội VII (1991) Đảng ta nhận thức rõ hơn về vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh và có những nghiên cứu lý giải một cách đầy đủ hơn.
Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng, vấn đề nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh lần đầu tiên được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Và lần đầu tiên Đảng trả lời câu hỏi  “tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?”. “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta”. Đây là một bước phát triển hết sức quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng.
 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm phần quan trọng trong đường lối chiến lược của Đảng. Lần đầu tiên, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được trình bày đầy đủ trong Vǎn kiện của Đại hội, trong phần "Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta". Đó là: "Tư tương Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiệu cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa vǎn hoá của nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta". Vǎn kiện còn khẳng định: "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Việc khẳng định một lần nữa: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta. Đó là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng đã xác định mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Sau hơn 35 năm đổi mới, với sự lãnh đạo, trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của Đảng, đặc biệt là “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối chính trị độc lập, tự chủ, luôn kiên định, lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. 
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực và mọi quốc gia, dân tộc, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội phản động ráo riết, đẩy mạnh hoạt động chống Đảng và Nhà nước ta. Chúng phủ nhận, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là một yêu cầu rất quan trọng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện trách nhiệm cao trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày. Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, mỗi cán bộ, đảng viên cần:
Một là, nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết TW 4 khoá (XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; tự giác tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng.
Hai là, tích cực đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; đồng thời luôn tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ nhận định, đánh giá về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó.
Ba là, chú trọng nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong khi tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là công dân gương mẫu.
Bốn là, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày; không xa hoa, lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ. Tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng
Trước thực tiễn thay đổi của lịch sử xã hội, việc nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần được coi trọng và không ngừng bổ sung thêm những nội dung mới, phải thấy được giá trị trường tồn to lớn trong tư tưởng của Người như lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “Thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa của nhân loại”[1].
 
[1] Võ Nguyên Giáp - Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, H. 1993, tr. 73.
Vũ Thị Nhàn, khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay14,354
  • Tháng hiện tại430,448
  • Tổng lượt truy cập21,600,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây