Những đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2024

Chủ nhật - 24/11/2024 22:12
Với chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh. Đặc biệt, từ khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên ban hành Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 31/12/2021 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn, Nhà trường đã có những nỗ lực vượt bậc, tạo những chuyển biến mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những kết quả Nhà trường đạt được trong giai đoạn 2019-2024 cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đa dạng hóa các loại hình và chương trình đào tạo.
Với quyết tâm nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2024, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Thái Nguyên tiếp tục lãnh đạo thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình và chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Nhà trường đã mở tổng số 194 lớp gồm 11.288 học viên, với các chương trình, loại hình cụ thể như:
+ Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021).
+ Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (thực hiện từ năm 2021 đến nay).
+ 28 loại hình bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương; Bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương; Bồi dưỡng  Ngạch chuyên viên và tương dương;Bồi dưỡng  Ngạch chuyên viên chính và tương đương; Bồi dưỡng Đại biểu HĐND cấp huyện; Bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng công cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện, thành, thị uỷ và tương đương quản lý (đối tượng 4); Bồi dưỡng kỹ năng công tác cho cán bộ, công chức cấp xã; Bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác  của cán bộ MTTQ cơ sở, cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở, cán bộ Hội Chữ thập đỏ cơ sở, cán bộ Dân số cơ sở, cán bộ Hội Nông dân cơ sở, cán bộ Đoàn cơ sở, cán bộ Hội Khuyến học cơ sở, cán bộ Hội Người cao tuổi cơ sở, cán bộ văn phòng cấp uỷ cơ sở. BD  cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác  của Bí thư Đảng uỷ, phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, của Thường trực cấp uỷ & UBKT; Tuyên giáo – Dân vận cấp uỷ xã, phường, thị trấn; Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị; Bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho giảng viên Trung tâm chính trị. Bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác của công chức Văn phòng – Thống kê, công chức Văn hoá – Xã hội, công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn.
Với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, đảm bảo các quy định về đào tạo bồi dưỡng, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tích cực lãnh đạo cải tiến, xây dựng nội dung chương trình, đảm bảo cân đối về quy mô đào tạo trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung và không tập trung; tăng cường bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm; thực hiện dạy - học gắn lý luận với thực tiễn; chú trọng phương pháp dạy học tích cực; tăng cường nghiên cứu thực tế, báo cáo chuyên đề thực tiễn; nâng cao chất lượng, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá đối với học viên; thực hiện tốt phương châm 3 tăng (tăng tính chủ động, tăng rèn phẩm chất, kỹ năng; tăng xử lý tình huống), 3 giảm (giảm thụ động, giảm lý thuyết, giảm độc thoại). Thực hiện có hiệu quả việc kết nối giữa giảng viên với học viên trước, trong và sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường cập nhật kiến thức mới, các chuyên đề thực tiễn, các hoạt động ngoại khóa... nhằm rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho học viên.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường.
Đội ngũ giảng viên là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo bồi dưỡng. Vì vậy, trong những năm qua, Trường Chính trị Thái Nguyên tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất chính trị, có đạo đức, có kiến thức, có nghiệp vụ và năng lực thực tiễn... Đến năm 2024, trong tổng số 34 giảng viên Nhà trường có 2 tiến sĩ, 29 thạc sĩ, 3 cử nhân; 32 giảng viên có bằng Cao cấp lý luận chính trị, 01 giảng viên có bằng cử nhân chính trị, 01 giảng viên có bằng TCLLCT (đang học CCLLCT).
Trong 5 năm qua, Trường Chính trị Thái Nguyên đã tổ chức đưa giảng viên ở các khoa, phòng đi nghiên cứu thực tế tại các địa phương trong, ngoài tỉnh nhằm tăng cường kiến thức thực tiễn, tích lũy tri thức để vận dụng vào các bài giảng. Công tác thao giảng, dự giờ được Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm. Các khoa đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện đạt kết quả tốt; thường xuyên quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên, góp ý về nội dung, tác phong khi lên lớp. Qua đó giúp đội ngũ giảng viên dần hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.
Tích cực cử giảng viên tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi khu vực phía Bắc năm 2019 tại Nghệ An, năm 2021 tại Bắc Ninh, và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh.  6/6 giảng viên của Trường được công nhận giảng viên dạy giỏi, trong đó có 01 giảng viên được công nhận là giảng viên dạy giỏi xuất sắc. Kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực của bản thân mỗi giảng viên mà còn là sự quan tâm và tạo điều kiện của Ban Giám hiệu nhà trường đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Giảng viên dự thi Hội thi Giảng viên dạy giỏi cấp Trường 

Ba là, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế tại các địa phương.
Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và đi nghiên cứu thực tế với phương châm thiết thực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Từ năm 2019 đến nay, Nhà trường đã thực hiện 38 đề tài khoa học cấp trường, phối hợp với Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện 01 đề tài khoa học cấp bộ; hoàn thành 02 đề tài khoa học cấp tỉnh; 01 đề án cấp tỉnh. Nhà trường đã phối hợp, chủ trì tổ chức được 03 hội thảo khoa học cấp tỉnh và tương đương; phối hợp với Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thành công 01 Hội thảo khoa học cấp bộ; tổ chức được 15 hội thảo, tọa đàm cấp trường. Kết quả nghiên cứu nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật và bước đầu mang lại những hiệu quả tốt trong thực tiễn công tác.
 Nhà trường chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên theo quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quy định như viết bài đăng trên Thông tin Lý luận và Thực tiễn của trường cũng như các tạp chí Trung ương và địa phương...Trong giai đoạn 2019 – 2024, Trường xuất bản được 9 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, kỷ yếu hội thảo khoa học; xuất bản 16 Bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn; xây dựng và cập nhật trang thông tin điện tử của trường.
Song hành với hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động đi nghiên cứu thực tế cũng là một nhiệm vụ không thể tách rời trong công tác giảng dạy nhằm tăng tính thực tiễn cho bài giảng của giảng viên. Cụ thể, trong 5 năm qua, tất cả các khoa đều có kế hoạch và tổ chức cho 100% giảng viên nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh. Nhà trường đã và đang triển khai xây dựng Đề án đưa giảng viên đi thực tế có thời hạn tại cơ sở. Việc cử giảng viên đi thực tế là một khâu trong quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp giảng viên có cơ hội rèn luyện, học hỏi từ thực tế cơ sở, tăng thêm bản lĩnh và gắn lý luận đã được học với thực tiễn. Qua đó, phát huy được năng lực, cơ hội phát triển và đáp ứng yêu cầu về cán bộ quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý học viên
Để khơi dậy tính tích cực, tự giác trong học tập, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của học viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng và ban hành bộ quy chế Quản lý đào tạo tại Trường Chính trị Thái Nguyên trên cơ sở bộ quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành và có sự vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong đó tập trung vào các khâu của quy trình quản lý đào tạo. Quản lý học viên được chú trọng thực hiện ngay từ khâu tuyển sinh đến toàn bộ quá trình học tập, rèn luyện của học viên đảm bảo quy định, quy chế.
Nhà trường đã áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý học viên và mang lại những hiệu quả rất tích cực: Xây dựng phần mền quản lý đào tạo, thư viện số, cài đặt điểm danh học viên trên lớp bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt... Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hết phần, thi tốt nghiệp cũng được quan tâm đổi mới, bắt đầu từ khâu ra đề phải đảm bảo lý luận kết hợp với thực tiễn, sự đa dạng của các hình thức ra đề (trắc nghiệm, tự luận, đề đóng, để mở, ...) đến khâu kiểm tra, đánh giá kết quả trên tinh thần đảm bảo đúng quy chế, công tâm, khách quan nhằm nâng cao chất lượng học tập của học viên.
Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên từng bước được đổi mới, học viên viết khoá luận tốt nghiệp gắn với chức danh, vị trí việc làm. Định kỳ gửi kết quả học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị quản lý học viên. Thường xuyên liên hệ, phối hợp với cơ quan chủ quản quản lý chặt chẽ quá trình học tập, rèn luyện của học viên, kịp thời phản ánh tinh thần, thái độ và kết quả học tập để cơ quan quản lý học viên nắm và có sự phối hợp trong quản lý.
Năm là, tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên.
Nhà trường đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học cho giảng viên và học viên như nâng cấp các phòng học, thư viện, phòng làm việc theo hướng hiện đại, đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên và học viên; nâng cấp khu nhà ở học viên và khuôn viên Nhà trường ngày càng xanh, sạch, đẹp đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về cơ sở vật chất của Chuẩn1. Để đáp ứng được yêu cầu của Đề án xây dựng Trường chuẩn, Ban Giám hiệu Nhà trường sẽ tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để hoàn thiện cơ sở vật chất của Nhà trường.
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường phải tiếp tục được đổi mới và có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn. Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, toàn thể cán bộ, giảng viên tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, tập trung đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng Nhà trường xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Thái Nguyên.
Trần Thị Thanh Huyền
Phòng QLĐT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay16,526
  • Tháng hiện tại571,545
  • Tổng lượt truy cập21,741,662
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây