Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số khu vực trung du, miền núi phía Bắc

Thứ năm - 15/04/2021 10:54
Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đã đánh giá về xu thế và những tác động của chuyển đổi số đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; tình hình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh được đầu tư xây dựng, các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Thư điện tử, quản lý văn bản đến và đi, cổng, trang thông tin điện tử, dịch vụ công và một cửa điện tử, giao ban điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan đảng, nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp; số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là do nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và trong đời sống xã hội còn chưa đầy đủ; nguồn lực đầu tư cho công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tư duy trong chuyển đổi số chậm đổi mới, sức ỳ lớn, quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự chặt chẽ.
Nghị quyết chỉ rõ mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cơ bản để Thái Nguyên chuyển đổi số:
Mục tiêu tổng quát: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Nghị quyết cũng xác định những mục tiêu cơ bản tỉnh Thái Nguyên cần đạt được trong các giai đoạn đến năm 2025 và đến 2030 ở 3 trụ cột: phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Cụ thể, về phát triển chính quyền số, mục tiêu đến năm 2025 trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và bán cáo thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung và 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng 3 đô thị thông minh gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên.
Mục tiêu đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70 % tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trên 70 % hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: phấn đấu kinh tế số chiếm trên 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%, phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp số. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, năng suất lao động hằng năm tang tối thiểu 8% và phấn đấu có trên 3000 doanh nghiệp số.
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thống minh, đưa  tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet bang rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%,  tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh; phát triển kinh tế; phát triển xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và kinh phí thực hiện.
Năm lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số:
Đáng chú ý, để phát triển kinh tế số, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã xác định cần tập trung ưu tiên chuyển đổi số 5 lĩnh vực: nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông, công nghiệp và du lịch.
+ Trong nông nghiệp: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dựng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Chè, quả (na, nhãn, bưởi), gỗ, quế, lợn, gà, trứng; các sản phẩm OCOP.
+ Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bản đồ số; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
+ Trong lĩnh vực giao thông: Triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh tại các đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện.
+Trong lĩnh vực công nghiệp: Khuyến khích xây dựng nhà máy thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động. Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình theo hướng hiện đại, đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư lớn đến phát triển các dự án công nghệ thông tin – truyền thông.
+ Trong lĩnh vực du lịch: Triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử 915, hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng… để quảng bá hình ảnh Thái Nguyên. Chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, các tour tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh.
Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX để triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg (ngày 3/6/2020) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Ngày 24/2/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-UBND lấy ngày 31/12 hằng năm là ngày Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có Ngày chuyển đổi số.
ThS. Trần Thị Thúy
Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay13,880
  • Tháng hiện tại451,163
  • Tổng lượt truy cập21,621,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây