PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ Ở TỈNH THÁI NGUYÊN

Thứ sáu - 08/09/2017 04:16
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ Ở TỈNH THÁI NGUYÊN
Có thể khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là một trong những chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò không thể thiếu của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tập thể là hình thức kinh tế của cộng đồng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cũng là chỗ dựa của đông đảo những người sản xuất cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những năm qua, hoạt động kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã đã có những bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2016, hàng trăm tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được thành lập, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Mặt khác, nhiều HTX được củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ thành viên, tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước đồng thời đóng góp tích cực trong việc hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh. 
Tính đến hết năm 2016, toàn Tỉnh có trên 7000 THT, với gần 160 nghìn thành viên và người lao động. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động năm 2015 đạt 2 triệu đồng/người/tháng và 2016 đạt 2,3 triệu đồng/người/tháng. Các THT đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất là vùng nông thôn, miền núi, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Đến hết năm 2016, toàn Tỉnh có 402 HTX hoạt động trên các lĩnh vực chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, tín dụng và vệ sinh môi trường, với khoảng 41 nghìn thành viên và người lao động. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX nông nghiệp đạt khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng; với các HTX phi nông nghiệp đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt người lao động tại các HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải có thu nhập bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng; HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng có thu nhập bình quân là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn 2011-2016 tỉnh Thái Nguyên có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đều có HTX hoạt động hiệu quả (tiêu chí số 13) với tổng số 120 HTX (1).
Như vậy, có thể nói rằng, trong những năm qua, các HTX đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương. Những thành quả đạt được trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc của các đoàn thể; sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành; chính sách hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh và những cố gắng, nỗ lực của cán bộ, thành viên, người lao động trong các HTX.  
Tuy nhiên, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn: Quy mô HTX còn nhỏ; số HTX sử dụng công nghệ tiên tiến còn ít; sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường chưa cao; sự liên kết giữa các HTX với nhau và với các doanh nghiệp còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực quản lý hạn chế; phần lớn cơ sở vật chất của các HTX chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và đa số các HTX thiếu vốn đầu tư.  Những hạn chế, khó khăn vừa đề cập có nhiều nguyên nhân: Phần lớn các HTX ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xuất phát điểm thấp cả về cơ sở vật chất, vốn, trình độ nguồn nhân lực; nhiều HTX thiếu chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh… Mặt khác, nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ; quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế; chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư chưa đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế tập thể. 
Nhìn nhận rõ ưu, khuyết điểm của phát triển kinh tế tập thể của Tỉnh trong thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 (Kèm theo quyết định số 2505/QĐ-UBND ngày 17/8/2017), trong đó chỉ rõ mục tiêu, phương hướng và các giải pháp phát triển sát thực, cụ thể. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 88,688 tỷ đồng trong đó kinh phí từ ngân sách tỉnh là 52,709 tỷ đồng chiếm 59,43%, còn lại là từ ngân sách Trung ương và nguồn khác; bên cạnh đó còn các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ giống cây, con giống khi gặp thiên tai dịch bệnh và hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Trong Đề án, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Liên minh HTX tỉnh – Cơ quan Thường trực của Đề án chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Trường Chính trị tỉnh đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến các thành viên, hội viên về HTX kiểu mới và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. 
Như vậy, để kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới có bước chuyển biến mạnh mẽ đòi hỏi trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nói chung, Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 nói riêng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện với nội dung phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phù hợp thực tiễn, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế những yếu kém, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hệ thống chính trị, cán bộ đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh nhận thức rõ vai trò của kinh tế tập thể trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung, trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng nói riêng.

Nguyễn Phúc Ái
Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
  (1) Số liệu được trích xuất từ Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2505/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh, trang 4,5,7,8

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay17,875
  • Tháng hiện tại433,969
  • Tổng lượt truy cập21,604,086
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây