Tăng tính thực tiễn trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị

Thứ sáu - 10/11/2023 02:27
Chương trình Trung cấp lý luận chính trị (ban hành kèm theo Quyết định 292 - QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được xây dựng với mục đích nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản và cần thiết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý hành chính và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Chương trình gồm 1056 tiết trong đó có 896 tiết giảng trên lớp, thảo luận, thi hết môn và 160 tiết cho các hoạt động nghiên cứu thực tế, ôn thi, thi tốt nghiệp cùng các hoạt động khác.
Tăng tính thực tiễn trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị
Từ tháng 5/2021, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã đưa vào thực hiện chương trình Trung cấp lý luận chính trị theo chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Giảng viên nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của giảng dạy lý luận chính trị, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Việc giảng dạy về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu của chương trình, ngoài việc trang bị kiến thức lý luận chính trị đã cung cấp các kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế, kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ và góp phần củng cố niềm tin của học viên vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong giảng dạy một số bài giảng vẫn còn tình trạng nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn; phương pháp giảng dạy chủ yếu là thuyết trình, chưa phát huy hết tính tích cực, kinh nghiệm thực tế của học viên. Vì vậy, để khắc phục hạn chế đó nhằm tăng tính thực tiễn trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của đội ngũ giảng viên.
Để tăng tính thực tiễn trong giảng dạy, vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên”. Để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong giảng dạy cần chú trọng đến xây dựng đội ngũ giảng viên với trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp tốt. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ:
- Đội ngũ giảng viên cần có nhận thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của vviệc đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng tăng tính thực tiễn trong từng nội dung bài giảng.
-  Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng cần quan tâm hơn nữa và xác định các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng, áp dụng linh hoạt phương pháp thuyết trình với các phương pháp tích cực trong giảng dạy
- Quản lý tốt việc tổ chức soạn, thông qua, kiểm tra giáo án, nhằm phát hiện, sửa chữa kịp thời những nội dung không phù hợp, bổ sung, cập nhật kiến thức mới, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Các khoa cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn để quán triệt yêu cầu và định hướng những nội dung,  xác định nguồn tư liệu tham khảo, thông tin thực tế cần truyền đạt trong giảng dạy.
- Tổ chức thao giảng, dự giờ thường xuyên, có chất lượng để giảng viên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nâng cao kỹ năng sư phạm, về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
 
Lãnh đạo, giảng viên Nhà trường tham gia sinh hoạt chi bộ thường kỳ tại Chi bộ Nam Thái, Đảng bộ xã Yên Lạc,
huyện Phú Lương ngày 09/0/2023

Hai là, chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng tính thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn.
Bám sát quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”. Các phần học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị là những nội dung được khái quát, luôn bám sát thực tiễn. Tuy nhiên, do thực tiễn luôn vận động biến đổi, thường xuyên xuất hiện nhiều vấn đề mới đòi hỏi lý luận phải khái quát, luận giải, làm sáng tỏ. Vì vậy, khi giảng dạy cần bổ sung, cập nhật cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.
Việc đổi mới nội dung giảng dạy phải theo hướng phù hợp với nhu cầu và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Nội dung giảng dạy ngoài việc bảo đảm tính toàn diện, chuyên sâu cần thiết thực, hướng đến phát triển những phẩm chất chính trị, đạo đức, trang bị phương pháp, kỹ năng công tác của học viên; cần liên hệ chặt chẽ với sự vận động và phát triển của xã hội.
Tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tối đa tính sáng tạo, tính tích cực,  tư duy sáng tạo, độc lập của người học để gắn lý thuyết với thực hành, kiến thức với kỹ năng; giảng viên gợi mở, dẫn dắt, khuyến khích học viên tự học, tự nghiên cứu, để từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo qua đó nâng cao khả năng vận dụng kiến thức thu được vào thực tiễn công tác.
Ba là, tăng cường nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế
 Giảng viên cần tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để  khái quát thành những bài học, bổ sung kiến thức mới cho công tác giảng dạy. Lấy kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí để xếp loại viên chức;  đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời đối với những giảng viên, viên chức có thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Để tăng tính thực tiễn trong giảng dạy giảng viên cần nắm bắt, am hiểu các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội biết cách tìm tòi, phân tích các nội dung thực tiễn cần thiết, chính xác để đưa bài giảng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao trình độ lý luận cho giảng viên cần tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Nội dung nghiên cứu gắn với phần học, môn học do giảng viên, khoa, Trường đảm nhận. Tập trung nghiên cứu về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với các lĩnh vực; hoạt động triển khai chính sách, pháp luật trong thực tế.
Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng
Thực hiện nghiêm Quy chế giảng viên thỉnh giảng, thường xuyên giữ mối quan hệ với các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh để xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy. Trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị chú trọng mời giảng viên thỉnh giảng cộng tác giảng dạy nội dung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia giảng dạy các nội dung liên quan đến thực trạng quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương để tăng tính thực tiễn, củng cố kỹ năng công tác cho học viên.

Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập114
  • Hôm nay14,495
  • Tháng hiện tại430,589
  • Tổng lượt truy cập21,600,706
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây