Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Chủ nhật - 16/07/2023 21:27
Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng về quyền con người được kết tinh từ những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thế giới. Tư tưởng của Người về quyền con người bắt nguồn sâu xa từ truyền thống nhân đạo và tinh thần yêu nước của dân tộc, kế thừa tư tưởng nhân quyền tiến bộ của phương Đông và phương Tây, đặc biệt là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản, các nhà tư tưởng tiến bộ, tham gia các hoạt động chính trị, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ, bênh vực các dân tộc thuộc địa, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cơ bản cho dân An Nam. Người đã tìm thấy ở Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (1789), Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) những quyền bất khả xâm phạm của con người không thể chối cãi - đây là những văn kiện quan trọng góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người.
Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)
Tư tưởng của Người về quyền con người thể hiện ở một số nội dung sau:
Một là, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là tiền đề và điều kiện tiên quyết của quyền con người
Ở nước ta, giá trị của nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam được xác định rõ trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tới thời đại Hồ Chí Minh, Người đã khao khát và khẳng định giá trị của độc lập, chủ quyền ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước. Trong tư tưởng của Người, đất nước phải độc lập, quốc gia phải có chủ quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền con người.
Người cho rằng, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là tiền đề và điều kiện của quyền con người, phải thông qua đấu tranh cách mạng mới giành lại được. Người nói: “...Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa”. Vì vậy, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”[1].
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn có quyền con người thì phải giành độc lập dân tộc, nhưng khi giành được độc lập, các quốc gia phải có trách nhiệm bảo đảm cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho tất cả người dân trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[2]. Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[3]. Như vậy, độc lập dân tộc là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là tự do, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Hai là, xây dựng nhà nước pháp quyền hợp hiến, của dân, do dân, vì dân với đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng bảo đảm quyền con người.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia chỉ là điều kiện cần của quyền con người. Để đảm bảo trên thực tế các quyền và tự do cho nhân dân cần có các yếu tố đủ khác, trong đó có hai yếu tố cơ bản đó là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân vững mạnh và có đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng, sẵn sàng làm “công bộc” cho nhân dân.
Theo Người, giành độc lập dân tộc phải đi đôi với xây dựng nhà nước của nhân dân. Người cho rằng: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới là con đường giải phóng nhân loại khỏi bị áp bức, bóc lột và mang lại các quyền con người cơ bản cho đa số nhân dân lao động. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[4] và “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”. Vì thế, Người chỉ rõ: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[5]. Để xây dựng một nhà nước pháp quyền tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Theo Người, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng vì nhân dân là nhiệm vụ vô cùng hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước, uy tín của Đảng, Nhà nước trước nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự mất còn của chế độ; đó là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp cách mạng. Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải là những người trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, với nhân dân, gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những người có ý thức sẵn sàng làm “công bộc”, làm “đầy tớ” của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng; là những người hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn, “thắng không kiêu, bại không nản”.
Ba là, quyền và tự do cá nhân đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm
Nói tới quyền con người là nói tới quyền và tự do của cá nhân, là nói đến cả trách nhiệm của nhà nước và công dân. Tuy nhiên trên thực tế vẫn đang tồn tại quan điểm tuyệt đối hóa quyền mà xem nhẹ nghĩa vụ, trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằn phải giải quyết hài hòa mối quan hệ này, cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quyền, lợi ích của cá nhân với lợi ích của nhà nước và xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”; đồng thời, “Lợi ích của cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Khi lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể thì lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.
 Bốn là, bảo đảm quyền con người là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo đảm quyền con người thuộc về trách nhiệm của Đảng, nhà nước. Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Người còn nói: “Đảng ta là đại biểu cho lợi ích chung,... chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”. Người luôn trăn trở, lo lắng về nguy cơ đối với Đảng cầm quyền. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm nay là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn quan trọng đối với Đảng, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Người coi trọng vai trò của đảng cầm quyền, đặt trách nhiệm của Đảng ngang với trách nhiệm của Chính phủ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[6]. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, quyền và lợi ích của nhân dân không chỉ phụ thuộc và các cơ quan nhà nước, mà còn phụ thuộc vào các tổ chức xã hội. Vì vậy, Người đã sớm quan tâm tới việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là vấn đề lớn với một nội dung rất rộng, toàn diện và sâu sắc. Ngày nay, tư tưởng quyền con người của Người được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang tiếp tục quán triệt và vận dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định quan điểm nhất quán: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người”; con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến”, đồng thời đề ra nhiệm vụ “thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh con người là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”.
           Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực hiện quyền con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành mục tiêu và động lực phát triển của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hiện nay, xã hội đang còn nhiều vấn đề kinh tế, xã hội cần phải nỗ lực giải quyết. Để đảm bảo thực hiện tốt quyền con người theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc trên nền tảng bảo đảm và phát huy dân chủ gắn với kỷ cương trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật./. 
Trần Trọng Nhất

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN, t4
[2] , 3 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.64, 175
       4  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập121
  • Hôm nay33,992
  • Tháng hiện tại136,690
  • Tổng lượt truy cập17,101,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây