Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng

Thứ sáu - 30/08/2024 04:22
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh, hiệu quả phải kết hợp chặt chẽ giữa pháp luật và đạo đức. Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã từng bước xây dựng hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh. Đồng thời, Người quan tâm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, Người cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ phải “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ” [1]. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng.

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp, tầng lớp nắm quyền lãnh đạo nhà nước, phản ánh lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định và công bằng xã hội cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác. Điểm chung pháp luật và đạo đức là đều thuộc hình thái ý thức xã hội và đều nhằm mục đích cao nhất là thực hiện và bảo vệ quyền con người, xây dựng xã hội tốt đẹp, phát triển.
Theo Hồ Chí Minh, trong mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức thì đạo đức là gốc, pháp luật phải dựa trên nền đạo đức, hướng mọi người phấn đấu theo chuẩn đạo đức mới. Người khẳng định luật pháp dựa vào đạo đức, mặt khác luật pháp bảo vệ đạo đức. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức nào đó nhằm biến nó thành thói quen, nếp sống. Chuẩn mực đạo đức càng rộng bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Người cho rằng ở đời và làm người là phải yêu nước thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức. Vì vậy mà Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức cần được xem như “pháp luật tối đa”, còn pháp luật được xem như “đạo đức tối thiểu”. Bởi có những vi phạm mà pháp luật không thể xét xử, nhưng con người vẫn không thoát khỏi sự trùng phạt của tòa án lương tâm. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe trong tác phẩm “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh” đã chỉ rõ: “Ở Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc…trong cái nhất thể pháp luật và đạo đức thì thiện, đức có trước và là gốc của lệ, luật, mà xét về công cụ thì đạo đức gây men sống…Đạo đức của Bác, pháp lý của Bác đều xuất phát từ gốc “chí công vô tư” và đều nhằm mục đích “chí công vô tư”…Đó là nét độc đáo trong mối quan hệ hữu cơ giữa đạo đức và pháp luật mà Bác Hồ đã dạy cho chúng ta”[2]
Trong việc thi hành pháp luật, cái khó nhất là phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng đối với mọi công dân trước pháp luật. Hồ Chí Minh đòi hỏi pháp luật của ta “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì” [3]. Hồ Chí Minh rất đề cao phép nước, “nhân trị” đi đôi với “pháp trị”. Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật đối với những kẻ tham ô, tham nhũng. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tá Trần Dụ Châu, khi làm Cục trưởng Cục Quân nhu, đã lợi dụng chức vụ, bớt xét phần cơm áo vốn đã rất kham khổ, thiếu thốn của bộ đội ta để sống ăn chơi, hưởng lạc, lãng phí,…Vụ án đã được khởi tố, đưa ra tòa án quân sự, y bị lĩnh án tử hình. Trần Dụ Châu và gia đình kháng án lên Bác Hồ, xin được khoan hồng. Mặc dù rất đau lòng Người vẫn phải ký lệnh y án tử hình Trần Dụ Châu. Qua đó, có thể thấy, Hồ Chí Minh rất đề cao phép nước, “nhân trị” đi đôi với “pháp trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là gốc của cách mạnh, là vốn đáng quý trọng, song bất cứ ai làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước và lợi ích của Nhân dân thì dù có là cán bộ cấp cao cũng vẫn bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật kết hợp với đẩy mạnh giáo dục đạo đức còn được thể hiện trong việc giáo dục cho Nhân dân hiểu biết về pháp luật, từ đó tạo ra tính chủ động của người dân trong thực thi pháp luật. Cán bộ, đặc biệt là cán bộ ngành tư pháp, cần nỗ lực hết mình để thực thi pháp luật một cách nghiêm minh và công bằng. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Bởi vì văn hóa phương Đông chưa đựng một triết lý “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền” [4] .Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 02/1948, Hồ Chí Minh viết: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc…Các bạn  là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp”, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”[5] Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, mẫu mực trong việc thực thi pháp luật. Những câu chuyện về việc Người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đèn đỏ dừng lại hay đơn giản là tôn trọng quy định của nhà chùa cởi dép khi vào lễ Phật,…được nhân dân truyền tụng, học tập, có sức giáo dục to lớn cho cán bộ, nhân dân trong việc thực thi pháp luật.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng có giá trị to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước ta hiện nay, nhất là trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong những năm gần đây, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, xử lý tăng so với năm 2022. Đây là những biểu hiện rõ nét của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, cùng với đó là những hành vi phi đạo đức rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, pháp luật còn tồn tại nhiều kẽ hở, chưa thực sự hoàn thiện, thậm chí còn nhiều bất cập, chồng chéo, năng lực quản lý xã hội bằng pháp luật có những yếu kém; dẫn đến trục lợi, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm diễn biến phức tạp, đang là những nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo, đề ra chủ trương, chính sách quản lý đời sống xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay đã và đang được xây dựng, từng bước hoàn thiện trên nền tảng đạo đức cách mạng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”, đó là những chuẩn giá trị có nội dung pháp lý.
Để bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp, Nhà nước ta đã đưa các quan niệm, quy tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng vào các quy định của pháp luật. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 lần đầu tiên đã đưa khái niệm “đạo đức” vào quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đây là những biểu hiện cụ thể, sinh động về việc quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, công tác rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chúng ta cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, tạo nền tảng, tiền đề pháp lý vững chắc để quản lý mọi mặt đời sống xã hội theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Thứ hai, không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức cách mạng đối với tăng tính kỷ luật, sự nghiêm minh của pháp luật thông qua đẩy mạnh việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu,...giúp toàn xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng và yêu cầu của giáo dục đạo đức cách mạng từ đó làm theo bằng những hành động thiết thực, cụ thể.
Thứ ba, tập trung đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức cách mạng. Hình thức, phương thức truyền tải phải linh hoạt, phong phú, tạo sức hấp dẫn và đến được với nhiều đối tượng. Nội dung giáo dục phải được biên soạn, thiết kế theo hướng cơ bản, hệ thống, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, gắn lý luận với thực tiễn đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn nhất định. Trong giáo dục đạo đức cách mạng đề cao yếu tố tự học tập, rèn luyện là chính.
Thứ tư, phát huy dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên và bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh việc thực hiện kiểm tra giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.
Có thể khẳng định, pháp luật và đạo đức là những chuẩn mực giá trị định hướng cho hành động của con người. Nếu không có sự hài hòa giữa đạo đức và pháp luật thì không thể có sự bền vững của xã hội. Con người không hiểu biết về chuẩn mực đạo đức sẽ dễ dàng vi phạm pháp luật. Pháp luật không nghiêm sẽ làm rối loạn kỷ cương, đạo đức xã hội. Giáo dục đạo đức cách mạng là để cán bộ, đảng viên giữ vững, bảo vệ nhân cách. Giáo dục pháp luật là để hình thành trong họ ý thức tôn trọng pháp luật, biết tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật một cách chủ động, tích cực và đúng đắn, nhằm phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương với giáo dục đạo đức cách mạng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có đủ tâm, đủ tầm, bản lĩnh vững vàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.

Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.428.
[2]. Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, tr.334.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.641.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.472-473.
[6]. Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb, Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005.
Hồ Sĩ Bách

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay19,941
  • Tháng hiện tại415,539
  • Tổng lượt truy cập21,585,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây