Tự hào thương hiệu chè Thái Nguyên

Thứ hai - 22/02/2021 03:06
Cứ mỗi độ xuân về, mọi người đều háo hức chào đón năm mới và mong ước được đoàn tụ, sum vầy bên người thân, gia đình để cùng chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc, mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng. Trong không khí đầm ấm yêu thương bên gia đình của ngày xuân, người Việt ta thường có thói quen quây quần bên nhau với ấm trà, dù là không gian riêng tư hay những nơi công cộng đông người, ấm trà nóng thơm nồng vẫn là thức uống phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của đại đa số người dân Việt. Nhắc đến trà chắc hẳn ai ai cũng nghĩ đến chè Thái Nguyên. Người Thái Nguyên có thể tự tin giới thiệu về đặc sản chè của quê hương mình với niềm tự hào và kiêu hãnh.
Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có 9 huyện, thành phố, thị xã, có địa hình đặc trưng là đồi núi xen kẽ với ruộng thấp thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, có diện tích đất nông, lâm nghiệp, thủy sản là 303.555 ha, chiếm 86,07% tổng diện tích tự nhiên. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu-thủy văn của tỉnh thuận lợi cho phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đặc sản chè. Xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển nâng cao chất lượng, giá trị, gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, cả 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đều sản xuất chè, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Chè Tân Cương, La Bằng, Trại Cài…. Cả tỉnh có trên 91.000 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh chè, chiếm gần 50% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thái Nguyên đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước đối với sản xuất chè cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 01 ha chè. Trà Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là “Đệ nhất danh trà” với các sản phẩm chế biến tinh, sâu, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, khẳng định được thương hiệu với thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đã đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và một số nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy sản xuất chè của tỉnh cũng như với ngành chè cả nước.
Thái Nguyên đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô lớn. Diện tích chè toàn tỉnh đạt 22,399 ha tăng 0,5% so với cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt 123,8 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi 244,500 tấn tăng bình quân 3,86%/năm. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 12 vườn chè đầu dòng mỗi năm có thể cung cấp cho vườn chè giống trên 50 triệu hom giống góp phần chủ động giống chất lượng phục vụ công tác trồng chè. Mỗi năm tỉnhThái Nguyên hỗ trợ giống mới và trồng thay thế trên 1000 ha chè với những giống mới có năng suất, chất lượng cao để phục vụ sản xuất chè xanh và chè xanh đặc sản. Các địa phương của tỉnh đều chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ như: sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước…, vào sản xuất, chế biến chè an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hầu hết sản phẩm chè của tỉnh đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế như tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ…. Đến năm 2020, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh đạt 2.468 ha; diện tích chè được áp dụng sản xuất hữu cơ là 110 ha, diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt 4.123 ha (chiếm 21% diện tích chè toàn tỉnh). Sản lượng lượng chè qua chế biến toàn tỉnh đạt 48.900 tấn. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao. Hiện nay, 100% cơ sở chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao đã áp dụng cơ giới hóa vào việc sản xuất chè như: sao chè, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp như: tôn quay inox, máy sao chè bằng gas, bằng điện…, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc đầu tư cho khâu chế biến, sản xuất chè, trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất còn tăng cường đầu tư khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, thiết bị bảo quản lạnh…), cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên.
Chính bởi sự thay đổi vượt bậc từ khâu gây trồng đến sản xuất thành phẩm mà cây Chè Thái Nguyên ngày càng phát triển lớn mạnh, có thương hiệu trên thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới. Các cơ sở sản xuất chè của tỉnh ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Thương hiệu Chè Thái Nguyên đã được tham gia vào nhiều cuộc thi, lễ hội về “trà” không chỉ trong nước mà còn ở trên thế giới. Đến năm 2020, đã có 60 sản phẩm OCOP từ chè xếp hạng từ 3 đến 4 sao, trong đó có sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao (sản phẩm OCOP quốc gia). Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi một số nước trên thế giới như: Pakistan, Đài Loan, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh,…
Có thể thấy rằng, sản xuất chè Thái Nguyên ngày càng phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững cả về quy mô và chất lượng. Các sản phẩm chè Thái Nguyên ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước và đang có triển vọng mở rộng hơn ra thị trường thế giới. Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển  sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19/01/2021. Trong đó,tỉnh đã xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, đầu tư, phát triển chè là nhiệm vụ, giải pháp đột phá góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững. Chính vì vậy, tỉnh đã yêu cầu thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ngày 21/10/2019 về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung nhiệm vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đề án OCOP, tiếp tục mở rộng diện tích trồng, phát triển, chế biến, sản xuất và kinh doanh chè, các làng nghề truyền thống sản xuất chè; quản lý và phát triển hiệu quả các thương hiệu Chè Thái Nguyên để Chè Thái Nguyên ngày càng tiến xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế./.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Phòng QLĐT&NCKH
          - Tài liệu tham khảo: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020; phương hướng thực hiện nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2021của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên số 26/BC-SNN ngày 06/01/2021.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập259
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm258
  • Hôm nay25,885
  • Tháng hiện tại321,790
  • Tổng lượt truy cập20,804,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây