Tỉnh Uỷ Thái Nguyên - Trường Chính Trị

http://truongchinhtrithainguyen.vn


Suy nghĩ về người giảng viên trường chính trị nhân ngày 20/11

Ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, ngày “tôn sư trọng đạo”, ngày để những người học trò tri ân các thầy cô của mình. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và trọng nghề dạy học. Cha ông ta đã ngợi ca tầm quan trọng của người thầy như: “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy luôn tượng trưng là chuẩn mực, đạo đức, cao quý nhất. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.
Suy nghĩ về người giảng viên trường chính trị nhân ngày 20/11

Không những nắm vững đạo lý mà người thầy còn có sứ mệnh cao cả là truyền lại đạo lý cho lớp lớp thế hệ học trò, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng thế hệ trẻ tương lai của dân tộc. Người thầy phải luôn là tấm gương mẫu mực về nhân cách, phẩm chất và năng lực, tâm huyết với nghề để mọi người, nhất là học trò học tập noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không chỉ giới hạn ở phạm vi trường học mà còn ở mọi lúc, mọi nơi, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong cuộc đời, mỗi một con người từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành đều được dạy bảo bởi thày cô giáo. Thầy cô dạy cho chúng ta điều hay lẽ phải, kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Giúp cho mỗi người lĩnh hội tri thức, đạo đức làm hành trang bước vào đời và giúp ích cho xã hội. Ngoài kiến thức cần phải có, thầy cô đứng trên bục giảng bao giờ cũng phải có tâm huyết, có lòng yêu nghề, bởi một điều rất đơn giản: “Chúng ta không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng và cũng không thể dạy ai với chút ít thiếu nhiệt tình”.

20.11.2014-2

Vinh quang nhất của thầy cô mà ít nghề khác có được đó chính là tình cảm rất nhiều học viên dành cho mình với một sự tôn trọng và kính mến. Ai đó đã nói rằng nhà giáo giống như những người nghệ sĩ chỉ được một thời, nhưng người nghệ sĩ còn có ánh đèn sân khấu, có phấn son để che lớp bụi của thời gian còn với những người thầy người cô thì không. Điều còn lại với họ là những suy tư, trăn trở với nghề. Mỗi một khóa học đi qua được xem là một chuyến đò cập bến. Có lẽ trong chuyến đò đó có biết bao điều thú vị, vô vàn những niềm vui bất ngờ. Nghề giáo là một nghề cao quý nếu mình biết trân trọng, cảm thông, chia sẻ với mọi người. Tôi chỉ ao ước sau mỗi chuyến đò đưa các học viên bình yên sang sông để rồi khi bước lên những bậc cao hơn của nấc thang tri thức, nếu vô tình gặp lại nhau trên bước đường đời thì chỉ cần một cái gật đầu, cười chào hỏi nhau cũng làm ấm lòng người lái đò. Cám ơn những khách đã qua sông nhưng vẫn còn ngoảnh lại nhìn trông người đưa đò với lòng mến thương vô hạn.

Với tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược về xây dựng đội ngũ giảng viên trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đưa ra chủ trương, biện pháp cụ thể, tích cực trong việc tuyển dụng, bố trí sử dụng và đào tạo, rèn luyện đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường. Ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình, đồng thời để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường đa số giảng viên đã không ngừng vươn lên về mọi mặt ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống và đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức khoa học và phương pháp giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong mọi hoạt động của Nhà trường. Các giảng viên chủ động học tập nâng cao trình độ kiến thức; luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho học viên…Đồng thời, giảng viên đã tham gia tích cực và là lực lượng cốt cán ở các tổ chức đoàn thể; tham gia lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh – quốc phòng…Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hiện nay đội ngũ giảng viên vẫn còn một số đồng chí hạn chế về chuyên môn như: chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập nâng cao trình độ, nhất là vấn đề tự học, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, thiếu tự tin, kinh nghiệm còn hạn chế, vốn kiến thức thực tiễn chưa phong phú; việc vận dụng các phương pháp giảng dạy vào bài giảng thiếu linh hoạt; việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường còn hạn chế, một số giảng viên vẫn chưa thật sự quan tâm, chưa có phương pháp tốt trong việc nghiên cứu khoa học, vì vậy khi tham gia viết bài Bản tin và trang thông tin điện tử của Nhà trường bài viết của các giảng viên đa số được đăng tải nhưng chất lượng chưa cao. Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Quán triệt, nâng cao nhận thức của mỗi giảng viên về sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp, nét đẹp truyền thống của các thế hệ đi trước từ đó rèn luyện tinh thần, thái độ yêu nghề, tâm huyết với nghề, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực sự tâm huyết trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đó chính  là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Mỗi giảng viên tự rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống lành mạnh, trung thành tuyệt đối với đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của  Đảng và Nhà nước, đây là điểm tựa vững chắc để người thầy hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở bất kỳ tình huống khó khăn nào, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, đồng thời phải đấu tranh, phê phán trước những luận điểm sai trái, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh tư duy khoa học sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu khoa học, có khả năng vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào bài giảng của mình, đồng thời khiêm tốn học hỏi các đồng nghiệp và cả học viên của mình. Trong thời đại thông tin như  hiện nay, nếu không trau dồi cập nhật kiến thức mới sẽ lạc hậu, gặp nhiều khó khăn về nghiên cứu khoa học và giảng dạy đối với những đối tượng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn.

Phát huy nét đẹp truyền thống của các thế hệ đi trước, là một giảng viên ở trường chính trị, tôi càng nhận thức rõ và sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò của người thầy trong xã hội, từ đó, tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, hoàn thiện bản thân để xứng đáng là một người giảng viên chính trị./.

 

Nguyễn Mạnh Chiến

 Phòng KH-TT-TL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây