Bài học từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đến phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ đổi mới

Chủ nhật - 08/12/2024 22:50
Ngày 19/12/1946, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. 78 năm đã qua nhưng âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi năm xưa vẫn còn mãi với thời gian, để lại nhiều bài học quý, có ý nghĩa to lớn và thiết thực với công cuộc đổi mới đất nước hôm nay. Một trong số đó là bài học khơi dậy, quy tụ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mở đầu Lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng cụm từ “Hỡi đồng bào toàn quốc!” và sau đó Người còn nhắc lại một lần nữa ba từ “Hỡi đồng bào!”. “Đồng bào” vốn là một khái niệm dùng để gọi những người cùng nguồn cội, giống nòi, một dân tộc, một Tổ quốc với mình nói chung, với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ này một cách nhuần nhuyễn, tài tình, đúng cách, qua đó đã phát huy hiệu quả đích thực, truyền tải và nhân lên sức mạnh to lớn, làm lay động lòng người, tác động vào tư tưởng, tình cảm mỗi con người; có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, sự kiên cường, dũng cảm ở mỗi người Việt Nam. Từ đó, làm cho mỗi người nhận thức được mình phải làm gì, làm như thế nào, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, đóng góp vào sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ độc lập, tự do. Đồng thời, quy tụ, tập hợp lực lượng, nguồn nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực,.. để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Lời kêu gọi không dừng lại ở việc nêu lên ý thức trách nhiệm chung chung, ở lực lượng chung chung, mà đã chỉ ra một cách rõ ràng, cụ thể, hợp lý vị trí, vai trò của mỗi một thành phần, mỗi lực lượng trong xã hội. Người viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”[1]. Điều đó có nghĩa, lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, lương giáo, đảng phái, dân tộc, thành phần giai cấp, binh sĩ, tự vệ hay dân quân,... Ai cũng đều thấy rõ bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình và phải ra sức chống thực dân Pháp cứu quốc. Bởi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ quốc là chung, Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do, nếu nước mất thì ai cũng phải làm nô lệ. Do vậy, đã là người Việt Nam đều có chung một Tổ quốc, đều có nghĩa vụ và quyền lợi chung là phải đánh giặc, cứu nước. Quyền và nghĩa vụ ấy như một lẽ tự nhiên, lẽ sống của con người chân chính. Nó khác với thứ nghĩa vụ mang tính áp đặt, buộc phải tham gia vào một cuộc chiến tranh trong các chế độ mà người dân không phải là người chủ thực sự của đất nước.
Nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến, quân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong các đô thị để hậu phương có điều kiện tổ chức triển khai thế trận chiến đấu lâu dài; bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng tài sản, phương tiện, máy móc... di chuyển đến các an toàn khu để tiếp tục chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một lần nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại được phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2] . Để tăng cường củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, ngành nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Hai là, quán triệt rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Dân thụ hưởng chính là thể hiện mục đích cuối cùng của Đảng đó là phục vụ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Người dân cần phải được thụ hưởng những gì họ đóng góp, xây dựng nên. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, phải vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.
Ba là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, coi đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1986, trên cơ sở tổng kết thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đại hội dđại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra và thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước; trong đó, Đảng ta chỉ rõ bốn bài học kinh nghiệm lớn và bài học đầu tiên là: “Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc”[3], xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó đến nay, qua các kỳ đại hội, Đảng luôn khẳng định: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết là truyền thống quý báu và là bài học lớn của cách mạng nước ta”[4].
Bốn là, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta không chỉ khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mà còn kết hợp chặt chẽ giữa đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, lấy phát huy nội lực là nhân tố quyết định, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”[5].
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng luôn tăng cường lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đổi mới tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm của toàn thể Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng vận dụng và phát huy cao độ trong Toàn quốc kháng chiến và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc nền độc lập, hòa bình của dân tộc; thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T. 4, tr. 480
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.158
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H. 1987, tr. 213
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 130.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, T.50
Ma Thị Hồng Minh
 

 
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay20,071
  • Tháng hiện tại415,669
  • Tổng lượt truy cập21,585,786
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây