Chuyển đổi số - vấn đề đặt ra đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh hiện nay

Thứ hai - 15/07/2024 04:27
1. Chuyển đổi số trong đào tạo lý luận chính trị
Trên thế giới, chuyển đổi số được đề cập phổ biến vào năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến vào năm 2018. Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò của công nghệ số, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế số”. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, với định hướng đến năm 2030”, với tầm nhìn đến năm 2030 là: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã đẩy mạnh chuyển đổi số và thu được nhiều kết quả tích cực; hoạt động giáo dục lý luận chính trị (GDLLCT) cũng đã chuyển đổi từ hình thức truyền thống sang trực tuyến. Sự thay đổi này bước đầu đã cho thấy những triển vọng của chuyển đổi số trong GDLLCT, mặc dù về lâu dài còn rất nhiều vấn đề cần thực hiện một cách khoa học, đồng bộ.
Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình tổ chức, hoạt động nhằm tạo ra những cơ hội, lợi ích và giá trị mới. Đối với giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số là quá trình chuyển việc truyền thụ kiến thức chủ yếu bằng phương pháp thuyết trình, giảng giải sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi trong môi trường số; cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây) đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số.
Tại Việt Nam, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khẳng định: “Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số.... Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số”. Ngày 03.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 745/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đưa nước ta gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Riêng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số tập trung “phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa...”.
Trong thời gian qua, tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã từng bước được thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong GDLLCT chuyển đổi số vẫn là điều mới mẻ với nhiều cơ sở đào tạo. Theo khảo sát của Đề án “Đổi mới giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành năm 2014, trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam gần như chưa triển khai thực hiện (kể cả thí điểm) hình thức đào tạo lý luận chính trị trực tuyến. Từ cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc giảng dạy, học tập của tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo bị gián đoạn trong đó có cả GDLLCT.
Trong bối cảnh đó, nhiều học viện, cơ sở đào tạo, GDLLCT đã chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến thay cho hình thức giảng dạy truyền thống. Điển hình, tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, tất cả các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị, các loại hình bồi dưỡng đều được triển khai theo hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số hiện đại, bảo mật. Cùng với đó, Nhà trường cũng đẩy mạnh tổ chức các hội thảo khoa học, hội nghị trực tuyến để bảo đảm yêu cầu vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thành công bước đầu cho thấy, việc áp dụng công nghệ thông tin trong GDLLCT có nhiều ưu điểm, có thể phát huy nếu có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
Trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây có thể hình thành các kho dữ liệu lớn, kết nối nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thành mạng lưới tri thức, tạo điều kiện để các nhà khoa học đặt ra không chỉ giới hạn trong nước mà còn quốc tế, góp phần thúc đẩy, hợp tác và chia sẻ nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học.
2. Những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên các trường chính trị tỉnh trong chuyển đổi số
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đối số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Trước hết, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ cùng với cuộc Cách mạng 4.0 đã tạo ra sự thay đổi lớn về cơ cấu ngành nghề và thị trường lao động. Nhiều ngành nghề cũ sẽ mất đi và thay vào đó là cơ hội cho sự phát triển của những ngành nghề mới, đặc biệt là liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc. Vì vậy, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cả về mặt thể lực, trí lực và tâm lực để đáp ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công việc trên nền tảng số. Nguồn nhân lực này cần phải có những đặc trưng cơ bản sau: Có năng lực chuyên môn; khả năng thích nghi nhanh trong môi trường lao động số, có đạo đức, tác phong lao động kỷ luật và đề cao tính tuân thủ để cùng làm việc trong một nền tảng số, có tính sáng tạo và tư duy đột phá trong công việc để làm chủ công nghệ.
Bên cạnh đó, người lao động đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng mềm khác để có thể giải quyết kịp thời những vẫn đề của công việc đặt ra. Bởi vậy, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Để thực hiện chuyển đổi số trong GDLLCT, trước hết đòi hỏi có sự quyết tâm thay đổi của người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của cán bộ, giảng viên, học viên, địa phương, cơ quan... trong triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động GDLLCT. Do đó, cùng với mục tiêu của Nhà trường là giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đội ngũ giảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề. Giảng viên thay vì chỉ tập trung cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng trên lớp sẽ chuyển sang chủ yếu định hướng cho người học biết cách học tập phù hợp với khả năng của mình để chiếm lĩnh tri thức, cách tư duy và xử lý các tình huống, qua đó hình thành năng lực tiếp cận và giải quyết vấn đề.
Để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy như: Trình độ chuyên môn cao đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy; xây dựng và thiết kế bài giảng sinh động, kho học liệu hiện đại luôn cập nhập tri thức mới, gắn lý luận và thực tiễn; tổ chức lớp học phù hợp, hiệu quả và phát huy được năng lực của người học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học. Trên cơ sở đó, cùng với ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sự tận tâm, nhiệt huyết mà giảng viên truyền cảm hứng đến người học, xử lý linh hoạt các tình huống, tăng khả năng kết nối giữa người học với người học, giữa giảng viên với người học, giữa giảng viên với giảng viên... trên nền tảng số.
Tiếp đến, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các trường chính trị phải thay đổi và cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong GDLLCT, tập trung vào các nội dung chủ đạo: Số hóa thông tin quản lý (giảng viên, học viên, cơ sở đào tạo), triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng Big Data để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định quản lý; chiến lược hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học bao gồm: số hóa học liệu (giáo trình, bài giảng điện tử, hệ thống quản lý e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, hệ thống hội thảo trực tuyến. Trong đó, thành tố quan trọng có tính quyết định là sự đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị sao cho phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-1994 của Ban Bí thư đã chỉ rõ: “Xác định việc đổi mới từ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên trong quá trình học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược”.
Trước sự biến đổi mạnh mẽ này, giảng viên không chỉ có năng lực giảng dạy mà cần hình thành năng lực số để có thể thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Căn cứ vào Khung năng lực số của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), giảng viên cần hình thành những năng lực cơ bản sau trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học: 1) Khai thác, sử dụng thành thạo công nghệ; 2) Xử lý và vận dụng sáng tạo các thông tin, dữ liệu trên nền tảng số; 3) Tăng cường khả năng giao tiếp, kết nối hiệu quả trong môi trường số; 4) Năng lực an ninh, an toàn trong môi trường số; 5) Nhận diện và giải quyết vấn đề theo quy trình phát triển của công nghệ số; 6) Phân tích và đánh giá dữ liệu thông tin và nội dung số trong lĩnh vực giáo dục đại học. Bởi vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho giảng viên phải được tổ chức thường xuyên và là một trong những yếu tố quyết định thành công quan điểm chỉ đạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực GDLLCT hiện nay.
Ngoài ra, để áp dụng chuyển đổi số trong GDLLCT, cần thực hiện một số công việc chính sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình này. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số tại Nhà trường trong từng lĩnh vực công tác, đặc biệt trong quản lý điều hành, dạy và học, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, từ đó nâng cao trách nhiệm của các chủ thể.
Hai là, tiếp tục triển khai mô hình quản trị thông minh vào thực tiễn; đẩy mạnh quá trình mã hóa, số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là hệ thống giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo, bài giảng, ngân hàng đề thi, đáp án; các đề tài, sáng kiến khoa học trong các kho quản lý dữ liệu,… Tiếp tục đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng số, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng dạy - học và nghiên cứu khoa học đồng bộ, điều hành tác nghiệp hiện đại, đồng bộ có thể hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nhất là hệ thống phòng học, phòng họp, hội thảo, thư viện điện tử... Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định quản lý đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện.
Ba là, chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, hạ tầng thiết bị, an ninh mạng phục vụ cho chuyển đổi số. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giảng dạy.
Tài liệu tham khảo:
- (1), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.335, tr. 128. (2) Thủ tướng Chính phủ.
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tr.15.
Ma Thị Hồng Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay20,035
  • Tháng hiện tại415,633
  • Tổng lượt truy cập21,585,750
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây