Bàn về pháp hạnh đầu đà của Đạo Phật trong bối cảnh Việt Nam hiện nay

Thứ sáu - 31/05/2024 04:28
Đạo Phật (Phật giáo) ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế độ đẳng cấp bất bình đẳng. Đạo Phật ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các trào lưu tôn giáo, triết học nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại và được coi là một trong những học thuyết xã hội chống lại sự bất công trong xã hội đương thời. Nguyên lý căn bản của đạo Phật là hướng con người vào việc nhận diện những khổ đau (khổ đế), tìm ra nguyên nhân (tập đế) và con đường (đạo đế) để giải phong con người khỏi khổ đau, phiền muội để đến với cõi niếp bàn. Theo giáo lý đạo Phật để thực hành diệt “khổ đế” có nhiều phương pháp thực hành khác nhau, trong phạp vi bài viết này xin giới thiêu căn bản về phương pháp hạnh đầu đà của Đao Phật và qua đó gợi mở một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
1. Khái quát về đạo Phật
1.1. Người sáng lập và du nhập vào Việt Nam

 Người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa (Shidartha) sinh năm 624 trước công nguyên thuộc dòng họ Thích Ca (Sakyà), con vua Tịnh Phạn Vương Đầu Đà Na (Sudhodana) trị vì nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavasu) xứ Trung Ấn Độ lúc đó và hoàng hậu Ma Da (Maya). Dù sống trong cuộc đời vương giả nhưng Thái tử vẫn nhận ra sự đau khổ của nhân sinh, vô thường của thế sự nên Thái tử đã quyết tâm xuất gia tìm đạo nhằm tìm ra căn nguyên của đau khổ và phương pháp diệt trừ đau khổ để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Sau nhiều năm tìm thày học đạo, Thái Tử nhận ra rằng phương pháp tu hành của các vị đó đều không thể giải thoát cho con người hết khổ được. Cuối cùng, Thái tử đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ đề và thề rằng “Nếu Ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Sau 49 ngày đêm thiền định, Thái tử đã đạt được Đạo vô thượng, thành bậc “Chánh đẳng chánh giác”, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên theo đường hải và đường bộ. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, hiện nay ở Việt Nam tín đồ Phật giáo chiếm số lượng đông nhất trong các tôn giáo, với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự.
1.2. Về giáo lý, giáo luật, lễ nghi
Kinh sách của Phật giáo được chia làm 3 tạng (Tam tạng kinh điển): Kinh tạng, là những sách ghi chép lời Phật giảng dạy về giáo lý, còn gọi là Khế kinh, có nghĩa như là một chân lý. Luật tạng, là sách ghi chép những giới luật của Phật chế định dành cho 2 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia phải tuân theo trong quá trình sinh hoạt và tu học, đặc biệt là các quy định đối với hàng đệ tử xuất gia. Luận tạng, là sách giảng giải ý nghĩa về kinh, luật.
1.2.1. Về giáo lý
 Giáo lý cơ bản của đạo Phật gồm có 2 vấn đề quan trọng, đó là Lý Nhân duyên và Tứ Diệu đế (4 chân lý).
  Lý Nhân duyên: Phật giáo quan niệm các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng theo quy luật Thành - Trụ - Hoại – Không. Mỗi sự vật đều có quá trình hình thành, phát triển và tồn tại một thời gian, rồi biến chuyển đi đến huỷ hoại và cuối cùng là tan biến. Về con người, Phật giáo cho rằng cũng không nằm ngoài quy luật: Thành - Trụ - Hoại - Không, hay nói cách khác bất cứ ai cũng phải tuân theo quy luật: Sinh - Trụ - Dị - Diệt. Phật giáo quan niệm con người được sinh ra không phải là sản phẩm của một đấng tối cao nào đó, sự xuất hiện của một người là do nhiều nhân, nhiều duyên hội hợp và người đó không còn tồn tại khi nhân duyên tan rã. Nhân - duyên ở đây được Phật giáo khái quát thành một chuỗi 12 nhân duyên (thập nhị nhân duyên), là sợi dây liên tục nối tiếp con người trong vòng sinh tử luân hồi: 1) Vô minh; 2) Hành; 3)Thức; 4) Danh sắc; 5) Lục nhập; 6) Xúc; 7) Thụ; 8) Ái; 9) Thủ; 10) Hữu; 11) Sinh; 12) Lão tử.
 Tứ diệu đế: Tứ diệu đế là giáo lý căn bản, xuyên suốt trong toàn bộ kinh điển Phật giáo. Tứ diệu đế bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
1.2.2.  Về giáo luật
 Giáo luật Phật giáo được Đức Phật chế ra xuất phát từ thực tế trong khi điều hành Tăng đoàn với những điều quy định, cấm nhằm duy trì tổ chức tăng đoàn, hướng mọi người tới chân - thiện - mỹ, phát triển hạnh từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, biết làm lành lánh dữ để đạt tới giác ngộ và giải thoát.
Cốt lõi của giáo luật Phật giáo là “Ngũ giới” và “Thập thiện”. Ngũ giới là 5 giới cấm: Không sát sinh; Không nói sai sự thật; Không tà dâm; Không trộm cắp; Không uống rượu.Thập thiện là mười điều thiện nên làmtrong đó gồm: Ba điều thiện về thân (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm) Bốn điều thiện về khẩu (không nói dối, không nói hai chiều, không nói điều ác, không nói thêu dệt) Ba điều thiện về ý (không tham lam, không giận dữ, không tà kiến)
Trên cơ sở của quy định Ngũ giới và Thập thiện, Phật giáo đã quy định chi tiết và cụ thể đối với từng loại xuất gia khác nhau.
1.2.3. Về lễ nghi
Lễ nghi của Phật giáo thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính tới người sáng lập (đức Bổn sư). Ban đầu, lễ nghi của Phật giáo khá đơn giản và đồng nhất, song cùng với quá trình phát triển, Phật giáo phân chia thành nhiều tông phái và du nhập vào các dân tộc khác nhau, hoà đồng cùng với tín ngưỡng của người dân bản địa, lễ nghi của Phật giáo dần có sự khác biệt giữa các khu vực, vùng miền…
2. Hạnh đầu đà trong đạo Phật
2.1. Nguồn gốc của hạnh đầu đà

Hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não trần cấu. Thời Đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử của Ngài đã tu theo 13 hạnh đầu đà mà chứng đạo. Trong đó có Tôn giả Ma Ha Ca Diếp - vị Thánh Tăng đệ nhất đầu đà trong giáo đoàn của Phật.Thực hành hạnh đầu đà tuy gian khổ nhưng lại hỗ trợ rất lớn cho hành giả trong tiến trình tu tập, đạt thành tựu giải thoát. Không chỉ vậy, nếu có người chân thật tu hạnh đầu đà thì Phật Pháp sẽ được thường trụ lâu dài ở thế gian, làm lợi ích cho chúng sinh.
 Phương pháp tu hạnh đầu đà được bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài thấy rõ bốn sự thật của cuộc đời con người: sinh - lão - bệnh - tử, Ngài đã phát tâm dũng mãnh dứt bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để mặc lên chiếc áo của người tu .Ngài đã thực tập tất cả các pháp tu khổ hạnh theo quan điểm tu tập lúc bấy giờ: hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, nhịn đói…; Ngài ép xác khổ hạnh cho đến đỉnh điểm khiến thân thể gầy mòn, hốc mắt trũng sâu nhưng cũng không đạt được giác ngộ mà lại thấy cơ thể mệt mỏi. Cuối cùng, Ngài nhận ra lối tu khổ hạnh cực đoan không mang lại lợi ích. Ngài đã quay về tu tập theo phương pháp tu trung đạo, nuôi dưỡng thân đủ sức khỏe để hành Pháp, không khổ hạnh thái quá mà cũng chẳng hưởng thụ thái quá. Sau đó Ngài chứng đạt Vô thượng Bồ đề nhờ pháp tu trung đạo này. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành pháp tu hạnh đầu đà và Ngài tán thán pháp tu này.
2.2. Nội dung của hạnh đầu đà
Hạnh đầu trong đạo Phật bao gồm 13 pháp hạnh tu thân:
 (1) Mặc y phấn tảo: Điều đó có nghĩa là nếu vị tu sĩ nguyện thực hành phương pháp đầu đà này, vị đó phải không chấp nhận y được dâng cúng từ hàng tại gia. Thay vào đó, vị đó phải lượm nhặt các nguyên liệu làm y và tự làm y cho chính mình.(2)
(2) Hạnh Tam Y: Có ba y dành cho các tỳ-kheo (Người khất thực). Nếu người khất thực chỉ dùng ba y, thì vị đó được gọi là thực hành hạnh đầu đà này. Ba y đo gồm y lớn đắp bên ngoài, một áo, một quần, còn gọi là thượng y, trung y và hạ y. Suốt cả một đời người khất có ba tấm y đó, khi rách nát thì vá chằng vá đụp đến khi không còn chỗ vá nữa thì mới được thay y mới.Tài sản tu hành chỉ có ba tấm y đắp lên người và một bình bát.
(3) Hạnh đi khất thực: Pháp hạnh đầu đà khất thực để sống tức là phải ôm bát đi khất thực (xin ăn) mà không được đợi thí chủ thỉnh mời đến nhà để cúng dường. Pháp khất thực mang đến nhiều lợi ích cho người khất thực: tâm trí được rảnh rang, ít phiền não; đoạn trừ tâm cống cao ngã mạn; rèn luyện tính nhẫn nại, chịu đựng sự chê bai của người; đặc biệt là gieo duyên hóa độ chúng sinh được vào trong biển Phật Pháp…
(4) Hạnh khất thực từng nhà: Điều đó có nghĩa là nếu người khất thực thực hành hạnh đầu đà này, vị đó phải không được bỏ qua một nhà nào. Phải khất thực tuần tự từ nhà này đến nhà khác và không bỏ nhà nào, không phân biệt giàu nghèo, không lựa chọn chê bai đồ ăn ngon dở.
(5) Hạnh ngồi ăn một lần: Sau khi khất thực, người khất thực chỉ ngồi ăn một lần trong ngày. Khi đã đứng dậy thì người khất thực không ăn nữa, kể cả khi ai đến cúng dường thêm.
(6) Hạnh ăn bằng bình bát: Người khất thực chỉ ăn những thức ăn đã khất thực trong bình bát.
(7) Hạnh không để dành đồ ăn: Người khất thực khi đã ăn xong thì đồ ăn dù còn dư hay được tín chủ cúng dường thêm thì chư Tăng cũng không được để dành cho buổi hôm sau. Cho nên, người khất thực vừa đủ để ăn một bữa.
(8) Hạnh sống trong rừng: Rừng là tài sản quý của đất nước cũng là tài sản cực kỳ quý đối với người tu hành. Rừng còn là nơi yên tĩnh, thanh vắng rất thích hợp cho vị hành giả tham thiền, thúc liễm thân tâm, viễn ly các dục. Không chỉ vậy, tu tập ở rừng còn giúp vị hành giả đoạn trừ tất cả mọi cấu uế trong tâm và vượt qua những nỗi sợ rắn, rết, các côn trùng độc hại, mưa giông, gió giật.
(9) Hạnh ở dưới gốc cây: Hành giả tu tập ở dưới gốc cây. Tuy nhiên, cứ sau 3 đêm, vị hành giả sẽ phải chuyển sang một chỗ khác để không tham đắm chỗ ngủ tốt.
(10) Hạnh ở ngoài trời: Người khất thực nhận hạnh đầu đà thì dù nắng hay mưa, bão bùng, người khất thực cũng tu tập ở ngoài trời mà không tìm chỗ trú. Nếu tâm có loạn, cảm xúc, cảm thọ nào dấy lên thì phải thanh lý để thanh tịnh tâm.
(11) Hạnh ở nghĩa địa: Người khất thực ở nơi nghĩa địa để chiến đấu với sự sợ hãi và đối diện với các chúng ma.
(12) Hạnh nghỉ ở đâu cũng được: Hạnh nghỉ ở đâu cũng được nghĩa là vị hành giả tu hạnh đầu đà rất tùy thuận, không đòi hỏi chỗ nghỉ cho mình. Chỗ ngủ đó có thể là cạnh đống rơm, gốc cây hay cạnh chuồng trâu đều được.
(13) Hạnh không nằm ngủ: Đây là pháp hạnh rất khó vì người tu chỉ ngủ nghỉ bằng cách ngồi ở các tư thế hoặc kiết già, hoặc đi, hoặc đứng nhưng không được đặt lưng xuống đất nằm ngủ.
2.3. Mục đích của hạnh đầu đà
Mục đích của pháp hạnh đầu đà là để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ đau khổ, phiền não . Đức Phật dạy rằng: “Pháp đầu đà thành tựu ba cõi: Người, trời và Niết Bàn như ý nguyện. Pháp đầu đà hằng nuôi dưỡng, bảo vệ chúng sinh, là ruộng phước cho chư Thiên và loài người. Nếu như chư Tăng thực hành hạnh đầu đà thì chính Pháp được trụ lâu dài ở thế gian và các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán sẽ xuất hiện”.
3. Vấn đề hạnh đầu đà của đạo Phật trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
 Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển 2011) cũng ghi rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”. Luật Tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 18/11/2016 và được Chủ tịch nước ký Lệnh số: 12/2016/L-CTN ngày 01/12/2016 công bố Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Những nội dung mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng được bổ sung để tạo sự tương thích với luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, ký kết và thi hành nhiều hiệp định.
Việt Nam sau gần 40 năm tiến hành đổi mới, diện mạo đất nước đã có nhiều thay đổi và đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển bền vững đất nước. Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển trong những năm tới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đây là điều kiện xã hội rất quan trọng đảm bảo cho đời sống nhân dân nói chung và các tín đồ tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng có điều kiện phát triển đạo đức, tình yêu thương, lòng từ bi và khuyến khích con người phát triển những phẩm chất cao quý trong tâm hồn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước thì vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể: Sự phát triển của nền kinh tế chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, một số nhân tố xã hội chưa được bảo đảm, nguy cơ chiến tranh, khủng bố còn tiền ẩn; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân, tín đồ tôn giáo, tín ngưỡng còn khó khăn, sự chia sẻ của cộng đồng với bộ phận người dân yếu thế còn hạn chế; sự phát triển khoa học công nghệ diễn ra mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng với đời sống kinh tế - xã hội nhưng khó kiểm soát và mặt trái của nó tác động thiếu tích cực đến đời sống dân sinh (sống ảo, sống phụ thuộc công nghệ, kỹ năng sống hạn chế). Định hướng giáo dục có phần chưa tốt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường dẫn đến một bộ phận dân chúng, tín đồ tôn giáo, tín ngưỡng mất định hướng chia sẻ trách nhiệm xã hội, quan tâm đến sự hưởng thụ của bản thân, không tìm ra giá trị cốt lõi của cuộc sống. Những bất cập, hạn chế này đã làm nảy sinh những tư tưởng, lối sống mới lệnh chuẩn, mất định hướng chuẩn mực trong nhận thức, lao động, sinh hoạt cộng đồng và gia đình, bản thân. Đây được coi là một trong những nguyên nhân hiện nay xuất hiện xu hướng tín ngưỡng lạ, tà đạo và hiện tượng tu hạnh đầu đà ở Việt Nam hiện nay.
Thực tế đó, đặt ra những vấn đề mới cần được nhận thức và giải quyết tốt trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, đối với hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong giai đoạn phát triển tiếp theo, phải chủ động hơn nữa trong nhận thức, nhận diện các nhu cầu tu hành của các tín đồ tôn giáo, tín ngưỡng nói chung và đạo Phật nói riêng, nhất là Pháp tu hạnh đầu đà đang diễn biễn phức tạp hiện nay để có những định hướng sớm về chủ trương, đường lối và cách thức quản lý các hoạt động tôn giáo, tín hướng phát sinh mới trong thực tiễn.
Thứ hai, cần khuyến khích các tăng ni, phật tử đạo Phật hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chấp pháp nghiêm giáo lý, giáo luật và nghi lễ sinh hoạt tôn giáo, tránh lựa chọn phương pháp, thời gian và địa điểm tu hành không đảm bảo an ninh, có ảnh hưởng không tốt đến đời sống dân sinh.
Thứ ba, đối với nhân dân có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cần xác định rõ nhu cầu của bản thân, tìm và lựa chọn pháp tu phù hợp, không chạy theo đám đông, theo phong trào, không lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của số ít nhà tu hành để hoạt động kinh tế trá hình, không tham gia tập trung đông người, theo hội chứng đám đông làm cản trở việc tu hành của bậc chính pháp và ảnh hưởng đến giao thông, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển 2011)
2. Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
3.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx
4. https://thaythichtructhaiminh.com/13-phap-hanh-dau-da-ma-duc-phat-tan-duong-la-gi-d2634.html
5. https://theravada.vn/chuong-hai-cac-hanh-dau-da
6.https://phatgiao.org.vn/muc-dich-cua-ton-giao-la-gi-tai-sao-nguoi-ta-tin-vao-ton-giao-d76121.html
7.https://phatsuonline.vn/tphcm-nhung-loi-ich-toi-thuong-cua-13-phap-hanh-dau-da-58
Nguyễn Thành Chung
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay7,714
  • Tháng hiện tại448,522
  • Tổng lượt truy cập18,557,324
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây