Đấu tranh bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 20/08/2024 04:31
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Trong đó các giá trị văn hóa truyền thống chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới.
Hiện nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc lợi dụng các vấn đề về dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề về văn hoá, tư tưởng để chống phá Đảng và Nhà nước ta, chúng coi đây là mũi đột phá để tấn công làm suy giảm niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, phá hoại nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và mục tiêu cuối cùng là xoá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là một cuộc chiến không khói súng của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy việc đấu tranh, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc càng phải chú trọng vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta đã được khẳng định: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”[1]. Những giá trị văn hóa truyền thống này đã tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam; là những nhân tố quan trọng định hướng tư tưởng, tình cảm, hành động của con người Việt Nam trong suốt quá trình phát triển; góp phần tạo nên con người Việt Nam có lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, giàu lòng nhân ái, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm, sống thích ứng…
Các thế lực thù địch tập trung chủ yếu phá hoại truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa bằng cách, chúng lợi dụng chính sách mở cửa, giao lưu văn hoá, sự quản lý lỏng lẻo, sơ hở của cơ quan chức năng để truyền bá văn hoá phương Tây, lối sống thực dụng, tuyên truyền, lưu hành văn hoá phẩm đồi trụy làm xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc, kích động tâm lý, tác động vào đạo đức, lối sống của người dân, nhất là của lớp trẻ thanh, thiếu niên gây tâm lý bất mãn, phủ nhận những giá trị truyền thống, phủ định thành quả cách mạng của Đảng ta. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại để phá hoại nền văn hoá dân tộc của đất nước ta dẫn đến đạo đức, lối sống ngày càng  bị biến đổi như tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống cá nhân, vị kỷ, ham tiền, ham danh lợi, quyền lực, tệ tham nhũng, lãng phí, nạn quan liêu, cửa quyền, hách dịch khá phổ biến làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thậm chí một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đó có cả cán bộ giữ vị trí, chức vụ cao làm ảnh hưởng đến các chính sách quan trọng của đất nước. Đây là thứ “giặc nội xâm” – nguy cơ cao đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Bên cạnh đó, trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng là một lĩnh vực mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để phá hoại nền văn hoá của dân tộc ta. Chúng lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc một số văn nghệ sỹ, trí thức, biên tập viên làm “tay sai” để viết các tác phẩm không có lợi cho cách mạng, nói xấu, bôi nhọ các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc. Tình trạng các ấn phẩm, thông tin độc hại xâm nhập vào xã hội, gia đình ngày càng nhiều, gây hậu quả xấu đến đạo đức, lối sống, gây ảnh hưởng phức tạp đến đời sống tinh thần của nhân dân. Đồng thời, các thế lực thù địch tuyên truyền “dân chủ trong văn hoá” để từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần tính định hướng và xa rời chính trị; từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để góp phần đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn và luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống dân tộc, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về mục tiêu, định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để thực hiện tốt biện pháp này, trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của các cơ quan, tổ chức trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cấp ủy, tổ chức đảng và tổ chức hành chính các cấp cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ các nguồn lực cho phát triển văn hóa, chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, đồng thời khuyến khích đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức ngày càng phong phú, đa dạng và hấp dẫn, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, truyền thông đa phương tiện… trong quán triệt, phổ biến, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án... nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội
Phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả để góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, con người, cụ thể hóa bằng những chương trình, đề án, kế hoạch... và các văn bản theo hướng thiết thực, vừa toàn diện, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá trên tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Hai là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh trong sự phát triển bền vững đất nước. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động cán bộ và nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố thực hiện nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng; các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; tích cực xây dựng gia đình văn hóa và phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền tiêu chuẩn công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa đến từng gia đình, khu dân cư trên địa bàn; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến…Đây là những công việc cụ thể, quan trọng, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Cần tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng phong trào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; chú trọng việc phát hiện, tôn vinh, khen thưởng những mô hình hay, sáng tạo trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân rộng điển hình, lan tỏa những tấm gương đẹp với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Sự kết hợp giữa môi trường văn hóa và môi trường kinh tế - xã hội đều nhằm đạt tới sự lành mạnh, tiến bộ, phát triển cho con người và xã hội. Do đó, cần phải thực hiện nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống, nếp sống truyền thống, để trên cơ sở đó, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì xấu, cản trở sự phát triển phải loại ra khỏi đời sống thực tiễn, đồng thời, phải chống lại những yếu tố phản động, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc đang tác động vào môi trường văn hóa.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước; cần khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Ba là, tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá
Cần phải đấu tranh, tấn công trực diện vào các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử phản động trên lĩnh vực văn hoá để làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của chúng. Từ Trung ương đến địa phương cần có kế hoạch ngăn chặn ý đồ của các thế lực thù địch, phản động trong việc tác động làm chuyển hoá tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền văn hoá dân tộc
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc chính là cơ sở vững chắc để tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay. Để xây dựng một nền văn hoá  với những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn được bản sắc riêng, phát huy những giá trị truyền thống theo hướng hiện đại, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại trước sự tác động, chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử phản động thì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái nhằm phá hoại nền văn hoá dân tộc làm thất bại  âm mưu “diễn biến hoà bình” của chúng.
Bốn là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự thu mình, tách biệt với các quốc gia trên thế giới. Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hoá, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn vè giao lưu văn hoá quốc tế.”[2]. Bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu văn hoá nhân loại là hai mặt của một quá trình, luôn có sự kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong xây dựng, phát triển văn hoá phải lấy bản sắc văn hoá dân tộc làm nền tảng. Nền tảng có vững thì mới tiếp thu được tinh hoa văn hoá nhân loại. Bởi vậy để làm phong phú thêm cho nền văn hoá dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải luôn có bản lĩnh vững vàng, chiến lược phát triển văn hoá đúng đắn, nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ sùng ngoại, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc.
Đồng thời cần chủ động hợp tác quốc tế, thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý mạng xã hội với các nước trên thế giới. Cơ quan chức năng cần chủ động hợp tác quốc tế, nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá trên mạng xã hội của các tài khoản, máy chủ ở nước ngoài để đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam trên mạng xã hội như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá; kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới. Chủ động hợp tác, nắm bắt và yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, YouTube, Facebook, Twitter... cần tuân thủ pháp luật Việt Nam khi tham gia hoạt động trên đất nước ta. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các dịch vụ mạng xã hội để gỡ bỏ các clip, bài viết với nội dung xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống Việt Nam trên không gian mạng.
Ma Thị Hồng Minh
Phòng QLĐT&NCKH




 
 

[1] Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Nxb. Chính trị Quốc giâ Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 147

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập77
  • Hôm nay16,526
  • Tháng hiện tại571,590
  • Tổng lượt truy cập21,741,707
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây