Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học phần kinh tế - chính trị Mác-Lênin ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ ba - 13/08/2024 03:52
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6/1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Học tập lý luận chính trị giúp người học hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận khoa học. Hiện nay, các thế lực thù địch dùng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để chống phá Đảng, Nhà nước với các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hòng làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta mất phương hướng, mất lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị nói chung và phần học Kinh tế chính trị nói riêng sẽ góp phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội.
dưd
dưd
Kinh tế chính trị Mác-Lênin là một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác-Lênin, phần học không chỉ cung cấp cho người học những hiểu biết căn bản, hệ thống về Kinh tế chính trị học, mà còn cung cấp hệ thống quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về con đường phát triển kinh tế cũng như thực tiễn nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng đó, các giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy phần học này. Tuy nhiên, chất lượng dạy và học còn bộc lộ hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó quan trọng nhất là còn hạn chế trong phương pháp giảng dạy và học tập phần học. Chính vì thế, việc đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học phần học Kinh tế chính trị Mác-Lênin là một yêu cầu quan trọng và cấp bách đối với nhà Trường.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy học phần học này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ phía nhà Trường, từ phía giảng viên và học viên.
 Nhóm giải pháp từ học viên.
Thứ nhất, nâng cao năng lực nhận thức, xác định đúng vị trí, vai trò của phần học. Đây không chỉ là môn học bắt buộc, mà là phần học trang bị cho học viên thế giới quan khoa học Mác – Lênin, định hướng tư tưởng đúng đắn, có niềm tin vào công cuộc đổi mới kinh tế đất nước; vận dụng kiến thức tiếp nhận được vào hoạt động thực tiễn và đời sống. Vì thế, cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa thực tiễn mà phần học Kinh tế chính trị mang lại.Từ đó, đòi hỏi học viên phải có tư duy đúng đắn sẽ mở đường cho những hành động đúng đắn.
Thứ hai, học viên phải có phương pháp học tập thích hợp để đạt hiệu quả cao. Học viên phải chủ động đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, chuẩn bị bài trước khi lên lớp, tránh tình trạng học thu động. Phần học Kinh tế chính trị Mác - Lênin với thời lượng 64 tiết, tuy nhiên khối lượng kiến thức lại lớn, giảng viên trên lớp không thể truyền tải kiến thức sâu rộng được. Do vậy, học viên cần dành thời gian tự học, tự nghiên cứu các nguồn tài liệu bổ sung khác nhau, hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu. Chủ nhiệm lớp, giảng viên bộ môn cần quán triệt, yêu cầu và hướng dẫn học viên phương pháp nghiên cứu, học tập ngay từ khi bắt đầu nhập học và khi bắt đầu nhập môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin.
Thứ ba, học viên nên tạo cho bản thân thói quen trước khi đến lớp phải đọc sách, soạn bài và hoàn thành nhiệm vụ được giao về nhà. Khi lên lớp cần phát huy tính chủ động hỏi các đồng chí học viên khác hoặc giảng viên giải đáp những thắc mắc của mình. Như vậy, sẽ giúp nhớ sâu và lâu hơn. Bên cạnh đó, một khi học viên đã có sự chuẩn bị khi lên lớp thì sẽ theo dõi và tiếp thu được những kiến thức mà giảng viên truyền đạt.
Thứ tư, luôn có tư duy vận dụng những kiến thức môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin  để giải thích các sự vật, hiện tượng, những vấn đề mà cuộc sống đã và đang đặt ra, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chuyên ngành của từng học viên. Đó là cách chứng minh tính đúng đắn và ý nghĩa thực tiễn mà các tri thức khoa học do môn học này mang lại.
Nhóm giải pháp từ Nhà trường
Đối với Nhà trường cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Học viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh và của Nhà trường, nâng cao chất lượng quản lý, ý thức thái độ học tập tích cực cho học viên.
Đảm bảo cở sở vật chất tốt nhất có thể trong quá trình đào tạo, cũng như phân công phòng học một cách hợp lý, phù hợp với các lớp lý luận chính trị theo sĩ số học viên. Thường xuyên quan tâm bổ sung, nâng cấp Thư viện đảm bảo cung cấp đủ sách, tài liệu tham khảo của các môn học nói chung, Kinh tế chính trị Mác – Lênin nói riêng  để phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, tự học của học viên; Tích cực lấy ý kiến phản hồi của học viên không chỉ với nội dung mà còn cả phương pháp giảng dạy để bảo đảm ngày càng phù hợp hơn với đối tượng của chương trình đào tạo. Đây là kênh thông tin quan trọng và phản biện sát thực để giảng viên, Nhà trường có các biện pháp, phương pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
 Nhóm giải pháp từ giảng viên
Một là, Kinh tế chính trị Mác-Lênin là phần học gắn liền với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của  địa phương, đất nước và thế giới, do vậy các giảng viên phải luôn trau dồi, cập nhật kiến thức mới cũng nhưng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương để đảm bảo bài giảng luôn mới, sát với thực tiễn biến động của tình hình địa phương, trong nước và thế giới.
Hai là, tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên. Giảng viên cần tăng cường tổ chức và hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu cho học viên để tránh tiếp thu thụ động như: Hướng dẫn xác định mục tiêu bài học, yêu cầu, nội dung tự học… bên cạnh đó cần thường xuyên gần gũi, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp kịp thời các thắc mắc của học viên, đồng thời cần thực hiện nghiêm túc quy chế kiểm tra đánh giá một cách khách quan, trung thực. Vì đây không chỉ là phần học giảng dạy kiến thức cơ bản mà còn góp phần đào tạo nhân cách, niềm tin, lý tưởng của học viên.
Ba là, trong bối cảnh cách mạng công nghệ phát triển nhanh chóng, các giảng viên phải luôn luôn linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tính cực, hiện đại. Cần đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp dạy học tích cực để học viên được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, được trải nghiệm, trực tiếp quan sát, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình. Vừa thông qua làm việc cá nhân, vừa phải làm việc theo nhóm để có thể có được kỹ năng mới, phát huy tiềm năng sáng tạo. Các phương pháp giúp học viên học tập chủ động (Active Learning) cần kết hợp nhuần nhuyễn với phương pháp thuyết trình tích cực, song phải bảo đảm phù hợp với từng nội dung chuyên đề nên áp dụng trong giảng dạy môn học này là: Động não (Brainstorming), Tổ chức học tập theo nhóm (Group-based learning), Dạy học nêu vấn đề (Problem - based learning).
Bốn là, giảng dạy Kinh tế chính trị phải luôn kết hợp giữa lý luận bài học với thực tiễn cuộc sống, tình hình kinh tế xã hội của địa phương, đất nước và trên thế giới. Trong quá trình giảng dạy giảng viên không nên chỉ gói gọn truyền đạt những kiến thức trong bài giảng hoặc trong giáo trình mà không liên hệ gì với thực tiễn. Như vậy, sẽ tạo cho học viên có thái độ nhàm chán và tẻ nhạt. Cần “thổi hơi thở” của cuộc sống vào bài giảng với những liên hệ thời sự, sống động, được chắt lọc kỹ càng vào bài giảng để tạo được không khí sôi nổi, tích cực cho lớp học. Học viên sẽ nhận thức được rằng những tri thức mà môn học mang lại là hoàn toàn bổ ích, sát với đời sống thực tiễn hằng ngày.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để các trường chính trị ở nước ta hiện nay tiếp tục đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trường chính trị tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai Nghị Quyết của Đảng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Các khoa trong Trường đã tích cực triển khai đổi mới phương pháp giảng day, phương pháp đánh giá chất lượng học tập… nhằm mục tiêu phát triển nhà Trường theo hướng chuẩn hóa (dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt), hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó có thể thấy, chất lượng dạy học nói chung và phần học Kinh tế chính trị Mác - Lênin nói riêng trong hệ thống các phần học lý luận chính trị đã được nâng lên rõ rệt, điều đó trở thành động lực giúp tập thể và từng cá nhân giảng viên, học viên tự vươn lên hoàn thiện bản thân, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng sự nghiệp đổi mới đất nước./.
ThS. Lê Chí Trung
-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay20,078
  • Tháng hiện tại415,676
  • Tổng lượt truy cập21,585,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây