Nâng cao chất lượng hoạt động tự đọc của học viên trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ ba - 05/11/2024 03:43
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đổi mới giáo dục đào tạo phải theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Muốn làm được điều đó phải có sự kết hợp từ nhiều phía: Nhà trường, giảng viên và hoạt động tự học của học viên. Tự học là 1 hoạt động không thể thiếu trong quá trình học tập. Trong hoạt động tự học, việc đọc giáo trình, tài liệu tham khảo là khâu đặc biệt quan trọng, giúp học viên bước đầu nhận diện được nội dung chính của bài. Đối với các học phần trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị thì việc tự đọc giáo trình, tài liệu tham khảo lại càng quan trọng, bởi lượng kiến thức nhiều và khó (5 phần học với 1056 tiết học). Nếu không đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, học viên sẽ rất khó có thể tiếp thu được nội dung bài.
 Trong bối cảnh đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, tự học có vai trò hết sức quan trọng và thậm chí là quyết định đối với quá trình lĩnh hội tri thức. Quá trình tự học giúp cho học viên chủ động tìm kiếm tri thức, nắm nội dung bài học một cách có hệ thống và hiểu một cách sâu sắc nhất làm thế nào để lưu giữ kiến thức đó lâu nhất, vận dụng ở đời sống hiệu quả nhất đó là phải biến kiến thức ấy thành của mình và điều ấy cũng được thực hiện thông qua quá trình tự học. Giảng viên chỉ là người định hướng, truyền tải cho người học phương pháp học tập là chủ yếu. Cho nên nếu thiếu đi quá trình tự học thì hoạt động giảng dạy chắc chắn sẽ không có được kết quả như mong muốn. Để hoạt động tự học đạt hiệu quả cao thì việc đọc giáo trình tài liệu tham khảo là điều kiện không thể thiếu thậm chí là tiên quyết.  Đọc giáo trình là hoạt động mang tính bắt buộc và rất cần thiết cho quá trình học tập nói chung và tự học nói riêng nhưng tỷ lệ học viên đọc giáo trình, tài liệu tham khảo trước khi lên lớp lại không nhiều. Các môn lý luận chính trị chứa đựng rất nhiều kiến thức và kiến thức lại trừu tượng, để lĩnh hội được thì học viên phải đọc và nghiền ngẫm, thời gian lên lớp không đủ để lĩnh hội sâu sắc các vấn đề, cho nên nếu dung lượng thời gian tự học cho môn học quá ít thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của môn học.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, đa số học viên các lớp TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đều nâng cao ý thức trong học tập và rèn luyện, đo đó, xếp loại học tập cuối khoá rất tốt, tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi chiếm trên 90%, có một số lớp không có học viên tốt nghiệp loại trung bình. Tuy nhiên vẫn còn có một số học viên chưa có ý thức trong vấn đề tự học. Trong báo cáo tổng kết các lớp học, hầu hết các chủ nhiệm lớp đều đánh giá có một số học viên chưa chủ động, tự giác trong quá trình học, ý thức tự nghiên cứu, tự đọc tài liệu chưa tốt nên kết quả học tập chưa cao, thiếu liên hệ thực tiễn trong các bài thi, bài khoá luận. 
Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến những hạn chế nêu trên là do học viên chỉ đọc giáo trình khi giảng viên yêu cầu, thậm chí chỉ đọc khi có bài thi và điều đó tất yếu làm giảm hiệu quả của hoạt động dạy học. Thứ hai, học viên chưa chủ động tìm kiếm các tài liệu tham khảo khác ngoài giáo trình. Nếu chỉ dừng lại ở đọc giáo trình thì học viên chỉ mới nắm được những tri thức căn bản của môn học, muốn hiểu rõ và mở rộng hơn kiến thức học viên phải tìm kiếm các tài liệu tham khảo khác ngoài giáo trình. Tuy nhiên số lượng học viên chủ động tìm kiếm tài liệu ngoài giáo trình không chiếm số lượng lớn, hoạt động lên thư viện tìm kiếm tài liệu của học viên rất ít, có học viên chỉ đến khi thi hoặc làm khoá luận tốt nghiệp mới đến thư viện.  
Như vậy, việc đọc giáo trình tài liệu tham khảo các môn lý luận chính trị chưa được học viên chú trọng trong quá trình tự học, chính điều đó đã làm cho hoạt động dạy học các môn lý luận chính trị trở nên khó khăn. Để góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tự học nói chung và cải thiện tình hình đọc giáo trình tài liệu tham khảo của học viên trung cấp lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
 Thứ nhất: Nâng cao vai trò của giảng viên.
Để hoạt động dạy học nói chung và hoạt động tự học của học viên nói riêng đạt hiệu quả cao thì chắc chắn không thể thiếu vai trò quan trọng của giảng viên. Giảng viên là người định hướng nội dung học, gợi mở tri thức và hỗ trợ cho học viên, là người đánh giá và kiểm tra kết quả học tập của học viên. Vì vậy bản thân giảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng, từng lớp và trên hết là phải có tâm với nghề, yêu nghề, luôn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo thì khi đó mới có thể hoàn thành tốt vai trò của mình. Giảng viên tuy không phải là người quyết định tất cả kết quả của việc học tập nhưng với vai trò dẫn dắt thì giảng viên sẽ là người khơi gợi, tạo hứng thú học tập cho học viên. Định hướng cho người học là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với quá trình giảng dạy nói chung và quá trình tự học của học viên nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, giảng viên Nhà trường cần có những định hướng cụ thể hơn về phương pháp, tài liệu tham khảo và cách tiếp cận các vấn đề trong quá trình giảng dạy cho học viên, giúp học viên hiểu đúng, hiểu sâu và vận dụng được kiến thức vào thực tiễn.
Thứ 2: Tổ chức những chuyên đề hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho học viên
Về kỹ thuật đọc có nhiều cách khác nhau như đọc lướt để nắm bắt nội dung chính, đọc sâu những chỗ cần thiết, đọc rất sâu và phải hiểu từng chữ. Loại sách liên quan đến các môn lý luận chính trị thì yêu cầu học viên cần phải đọc rất sâu mới có thể lĩnh hội hết được. Đọc như thế nào và đọc bao nhiêu là đủ là câu hỏi đặt ra mà không phải bất cứ học viên nào cũng trả lời được. Cho nên Nhà trường có thể kết hợp với cá nhân, đơn vị có chuyên môn thực hiện các buổi sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng đọc sách cho học viên. Qua đó giúp học viên nâng cao kỹ năng đọc, tổng hợp, chặt lọc vấn đề trong giáo trình, tài liệu tham khảo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tự học của học viên.
Thứ 3: Nâng cao ý thức của học viên trong việc đọc giáo trình, tài liệu tham khảo
Đọc giáo trình, tài liệu không phải chỉ dừng lại ở chỗ giảng viên chỉ đâu học viên đọc đó mà tự bản thân mỗi học viên phải chủ động chiếm lĩnh tri thức riêng cho mình. Không ai có thể thay thế học viên trong quá trình học tập, chính vì vậy nếu bản thân học viên không ý thức chủ động tìm kiếm tri thức thì mọi nỗ lực của giảng viên nhà trường đều khó thực hiện được thậm chí là vô ích. Cho nên giáo dục nâng cao ý thức tự học, tự đọc, nghiên cứu giáo trình, tài liệu cho học viên là một hoạt động mà Nhà trường cần phải quan tâm hiện nay. Hoạt động này có thể được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề dành riêng cho học viên, hoặc qua các hoạt động đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, địa phương, qua các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt lớp...
Phát triển kỹ năng và các phương pháp tự học cho học viêc là xu hướng mà các cơ sở đào tạo hiện nay không ngừng hướng tới. Với quan niệm lấy người học làm trung tâm, cần hình thành và phát triển văn hoá tự học, văn hoá đọc cho học viên. Nếu thực hiện tốt điều nay, chắc chắn chất lượng hoạt động đào tạo của Nhà trường được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh hiện nay.
 
Trần Thị Thanh Huyền
Phòng QLĐT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay19,626
  • Tháng hiện tại415,224
  • Tổng lượt truy cập21,585,341
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây