Bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Chủ nhật - 30/07/2023 03:52
Theo cách tiếp cận của bộ môn Kinh tế Chính trị Mác-Lênin, lợi ích là kết quả của sự thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể trong một trạng thái xã hội phát triển nhất định. Cơ sở của lợi ích chính là các nhu cầu khách quan của các chủ thể trong xã hội. Con người có nhiều loại nhu cầu, do đó có các loại lợi ích đa dạng tương ứng. Suy cho cùng lợi ích vật chất sẽ quyết định các lợi ích khác. Lợi ích vật chất bao hàm lợi ích kinh tế.

Xét về bản chất, lợi ích kinh tế là lợi ích mang bản chất vật chất được hình thành do kết quả của quá trình sản xuất xã hội. Lợi ích kinh tế thể hiện đặc trưng kinh tế khách quan, nó xuất hiện trong những điều kiện tồn tại của xã hội con người  Nói khác đi, lợi ích kinh tế là mối quan hệ xã hội của con người nhằm thực hiện nhu cầu kinh tế của các chủ thể kinh tế trong xã hội. Những nhu cầu hoạt động kinh tế của con người khi nó được xác định về mặt xã hội thì nó trở thành cơ sở, nội dung của lợi ích kinh tế.
Lợi ích kinh tế là động lực vừa trực tiếp, vừa sâu xa thôi thúc sự sáng tạo của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường. Lợi ích kinh tế được nhận thức đúng sẽ tạo ra động lực trực tiếp thúc đẩy con người hoạt động kinh tế hành động.
Do đó, phương thức để có được lợi ích kinh tế vừa phải dựa vào các hoạt động kinh tế, đồng thời vừa phải dựa vào các quy luật kinh tế. Quy luật kinh tế yêu cầu rằng, trình độ tổ chức sản xuất nào thì mức độ lợi ích thu được sẽ tương ứng như thế. Người ta không thể có được cái lợi ích kinh tế vượt quá trình độ văn minh vật chất của thời đại mình.
Bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế là quá trình nhà nước và các chủ thể kinh tế thực hiện xây dựng, hoàn thiện, xác lập những phương thức để dựa trên cơ sở các phương thức đó mà lợi ích của các chủ thể trong quan hệ kinh tế khách quan được thụ hưởng tương xứng với những đóng góp của các chủ thể đó đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như đối với chính bản thân các quan hệ kinh tế mà các chủ thể đó tham gia nói riêng, đồng thời phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế theo tiến trình lịch sử.
Vai trò của việc bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
Thứ nhất, việc bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích tác động trực tiếp tạo động lực thúc đẩy sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, góp phân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu trực tiếp, sâu xa nhất của lãnh đạo, quản lý quốc gia ở mọi thời đại, mọi chế độ chính trị, suy cho cùng phải hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tạo ra sự phồn vinh về kinh tế, sự phong phú về đời sống tinh thần, sự công bằng về cơ hội thụ hưởng các thành tựu phát triển cho các thành viên trong toàn xã hội. Có nhiều phương thức để đạt được mục tiêu như vậy, song điều cơ bản thường đặt ra trước hết là sự hài hòa về lợi ích trong quá trình phát triển đạt được ở mức độ như thế nào. Nói cách khác, việc bảo đảm hài hòa trong quan hệ lợi ích chính là một phương thức trọng yếu để thúc đẩy phát triển. với ý nghĩa đó, phát triển, sự sáng tạo vừa là kết quả, vừa là tiêu chí phản ánh quan hệ lợi ích có được sự  hài hòa hay không.
Thứ hai, bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế sẽ là nên tảng góp phần bảo đảm bền vững chế độ chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Nguyên tắc cơ bản trong bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
Việc bảo đảm hài hòa lợi ích phải dựa trên cơ sở đóng góp của các thành viên đối với sự phát triển của tổ chức, đơn vị và rộng ra là đất nước. Theo đó, nguyên tắc chung trước hết là căn cứ chủ yếu vào sự đóng góp sức lao động để thực hiện bảo đảm hài hòa lợi ích. Nghĩa là, đối với người lao động  làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, có sức lao động mà  không làm thì không hưởng. Người dễ bị tổn thương được xã hội chăm lo. Trách nhiệm của Nhà nước là  phải kết hợp với thị trường để tạo ra môi trường cho mọi thành viên trong xã hội có thể phát huy được cơ hội đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Một là, hài hòa lợi ích phải đặt trong bối cảnh phát triển chung của đất nước có tính tới xu hướng phát triển của thế giới.
Hai là, hài hòa lợi ích phải được thực hiện một cách đa dạng ứng với các hình thức sở hữu, các hình thức đóng góp đa dạng.
Ba là, hài hòa lợi ích phải đảm bảo tạo động lực thúc đẩy sáng tạo, phải bảo đảm sự thống nhất lợi ích giữa địa phương, bộ ngành với lợi ích quốc gia.
Bốn là, hài hòa lợi ích phải dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm là, hài hòa lợi ích phải dựa trên nguyên tắc kết hợp vai trò Nhà nước và vai trò thị trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với từng bước bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Sáu là, hài hòa lợi ích phải đi liền với chống các hành vi áp bức, bất công, tham nhũng, lãng phí, vô cảm trong xã hội.
Phương thức bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
 Thứ nhất, xác lập rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các chủ thể kinh tế trong xã hội, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong khu vực nhà nước. Thực hiện xác lập rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể kinh tế ở Việt Nam chính là quá trình Nhà nước thay mặt xã hội định ra những thế chế, những nguyên tắc, những thiết chế, chế tài và các quy định  cơ bản của các chủ thể kinh tế trong xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là việc xây dựng và ban hành hệ thống những bộ luật trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 Thứ hai, minh bạch hóa và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quản trị phát triển quốc gia. Trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa là đòi hỏi tất yếu trong xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay. Minh bạch hóa là phương thức tốt nhất để người dân có thể kiểm soát được quyền và hoạt động của Nhà nước. Theo nghĩa này, minh bạch hóa cũng đồng thời là phương thức để làm cho quan hệ lợi ích kinh tế trong toàn xã hội được hài hòa.
 Thứ ba, không ngừng hoàn thiện các thể chế kinh tế, trọng tâm là thể chế sở hữu theo chuẩn mực phát triển của thế giới.
 Thứ tư, phát huy vai trò thị trường và tuân thủ các quy luật thị trường, đồng thời phát huy đúng vai trò điều tiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế. giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong giải quyết các quan hệ lợi ích kinh tế. Phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là nhiệm vụ tổng thể trên con đường phát triển của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ này vừa mang tính mục tiêu, vừa là phương thức để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Việc đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong nền kinh tế hội nhập, mở cửa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, vai trò của Nhà nước và thị trường trong giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế ở Việt Nam vô cùng quan trọng. Để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, đòi hỏi phải có sự tác động của Nhà nước nhằm gia tăng thu nhập cho các chủ thể kinh tế; hạn chế mâu thuẫn, tăng cường sự thống nhất; xử lý kịp thời khi có xung đột. Song các chủ thể tham gia thị trường cần có sự thống nhất với nhau về mặt lợi ích kinh tế. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục đích công bằng xã hội, dân chủ văn minh.
Hồ Bích Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay20,496
  • Tháng hiện tại423,662
  • Tổng lượt truy cập21,593,779
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây