Giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Đại học Thái Nguyên

Thứ ba - 03/10/2023 03:02
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Người luôn coi trọng quá trình giáo dục tính kỷ luật của mỗi con người.
Theo Người, giáo dục tính kỷ luật là quá trình diễn ra một cách lâu dài, cụ thể, tỉ mỉ, tạo thành những kỹ năng, kỹ xảo trong xử lý công việc và thực hiện nhiệm vụ được giao; tất cả mọi người đều phải tự mình rèn luyện, tu dưỡng bản thân để có thể phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối. Người nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[1]. Người cho rằng: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[2]. Tính kỷ luật là một phẩm chất không riêng của mỗi con người mà là của cả cộng đồng, nó giúp cho con người và cộng đồng đó hoàn thành mục tiêu mong muốn đã đặt ra, nhờ có kỷ luật mà mọi hoạt động được diễn ra theo đúng trật tự của nó. Giáo dục phẩm chất này là hết sức cần thiết ở mọi đối tượng và quá trình giáo dục này được xác định là quá trình giáo dục lâu dài và phức tạp. Theo C.Mác và Ph.Ănghen cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là giáo dục cho con người có một thái độ đúng, mà còn giáo dục những thói quen hành vi đúng, đó là tính kỷ luật”.[5, tr.350];
Đảng, Nhà nước ta đã xác định, mục tiêu của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là: “Giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Thái Nguyên hiện nay đang đảm nhiệm nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc Đại học Thái Nguyên. Khi sinh viên tham gia học tập, rèn luyện tại Trung tâm thì phải ăn, ở tập trung, học tập và rèn luyện trong môi trường quân sự với nội dung chương trình một khóa học có thời gian 4-5 tuần. Do vậy, việc duy trì kỷ luật, tác phong đối với kỷ luật là hết sức quan trọng. Nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tổ chức, quản lý, giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên học Giáo dục quốc phòng và an ninh nói riêng, những năm qua Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc học tập cũng như duy trì kỷ luật quân đội, tác phong quân nhân đối với sinh viên khi đến học tập trung. Nhờ đó, mà chất lượng dạy học ở Trung tâm đã có nhiều tiến bộ, phong trào học tập sôi nổi, việc duy trì các chế độ nền nếp, giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều sinh viên do chưa có thói quen và kỹ năng sống nề nếp, trật tự và có kỷ cương nên đã gặp những khó khăn trong học tập, rèn luyện, chất lượng đầu ra chưa đồng đều, thậm chí còn vi phạm nội quy, kỷ luật của trung tâm.
Trong một môi trường sinh hoạt, học tập, rèn luyện hoàn toàn mới, sinh viên chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của nhiều yếu tố, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giáo dục kỷ luật của từng sinh viên. Đó là các yếu tố cơ bản sau:
Nhận thức về lối sống của sinh viên có tính chất quyết định đến hành vi của mỗi cá nhân và bộc lộ rõ lối sống của họ. Người có nhận thức đúng về lối sống sẽ là tiền đề để có cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và có ích cho cộng đồng và xã hội, xây dựng được mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường sống. Ngược lại người có nhận thức không đúng sẽ có lối sống buông thả, ích kỷ, sẽ có cách cư xử trái với đạo lý, gây phiền hà cho cồng đồng và xã hội thậm chí sa vào tệ nạn xã hội và phạm pháp.
Sự tự rèn luyện của sinh viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện sống của sinh viên khi xa gia đình, ít chịu sự quản lý trực tiếp của gia đình, lại thường xuyên đối mặt với những cám dỗ của xã hội. sinh viên có bản lĩnh là những người có sự tự rèn luyện để có được lối sống đẹp, không bị ảnh hưởng xấu của những tác động bên ngoài, không vướng vào tệ nạn xã hội. Họ sẽ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh sống mới, hòa nhập với hoạt động chung trong nhà trường và dần trưởng thành. Ngược lại, chỉ cần thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện mình trong lối sống thì sinh viên dễ mắc phải những sai sót làm ảnh hưởng tới quá trình học tập, tới sự nghiệp của mình.
Tiếp đến là thói quen của sinh viên cũng ảnh hưởng đến công tác giáo dục kỷ luật cho sinh viên. Bởi vì thói quen và hành động đã được hình thành không dễ dàng để thay đổi được. Nếu sinh viên có thói quen tốt thì việc quản lý, giáo dục tính kỷ luật có nhiều thuận lợi. Ngược lại, nếu sinh viên có thói quen chưa tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giáo dục kỷ luật cho sinh viên của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.
         Để nâng cao chất lượng giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Thái Nguyên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp như sau:
Một là: Tổ chức thực hiện nghiêm các chế độ trong ngày theo nếp sống quân sự cho sinh viên. Thực tiễn cho thấy, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh là nơi tiến hành giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên lý tưởng, bởi Trung tâm là nơi có môi trường quân sự đặc thù, ở đây sinh viên phải học tập kết hợp với rèn luyện thông qua các chế độ thời gian biểu đã được quy định. Với môi trường giáo dục quân sự này, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh cùng với hoạt động giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho sinh viên, việc duy trì thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chế độ trong ngày theo nếp sống quân sự cho sinh viên với mức độ thường xuyên, liên tục và nghiêm túc các chế độ trong ngày vừa là nội dung, yêu cầu của kỷ luật, vừa là cách thức để rèn luyện kỷ luật, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về môi trường quân sự cho sinh viên, tạo nền nếp, thói quen tự giác chấp hành nghiêm túc, tạo nên sự thống nhất cao trong mọi hành động của sinh viên.
          Hai là: Đổi mới nội dung rèn luyện kỷ luật quân đội cho sinh viên. Trên cơ sở nội dung, chương trình quy định về giáo dục tính kỷ luật, kỷ luật quân đội, Trung tâm căn cứ vào điều kiện tình hình cụ thể của từng giai đoạn đào tạo của khoá học mà đổi mới, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể cho phù hợp, vừa bảo đảm sự toàn diện, có hệ thống, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài nội dung giáo dục các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về quân đội, pháp luật, kỷ luật dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,… Để toàn diện và nâng cao tính kỷ luật cho sinh viên cần bổ sung, lồng ghép thêm nội dung các bộ luật như: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Lao động, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và gia đình,... và các pháp lệnh có liên quan đến quốc phòng - an ninh, giúp sinh viên có tri thức, kiến thức về Hiến pháp, pháp luật. Đây là cơ sở hàng đầu để sinh viên nâng cao giác ngộ chính trị, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của công dân là phải sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.
Ba là: Tổ chức mô hình trung đội (lớp) sinh viên tự quản. Xây dựng mô hình trung đội sinh viên tự quản tại Trung tâm với mục tiêu phát huy tinh thần kỷ luật tự giác, tích cực, chủ động của sinh viên, của cả tập thể trung đội trong học tập và rèn luyện. Giúp mục tiêu giáo dục của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên chuyển hóa thành nhu cầu tự thân của mỗi sinh viên, giúp biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục cho sinh viên. Xây dựng các thành phần trung đội tự quản như: Tự quản trong rèn luyện và thành tố tự quản trong học tập; tự quản trong rèn luyện, thực hiện chế độ nội vụ, vệ sinh trung đội; tự quản trong thực hiện các quy định về điều lệnh, điều lệ, về lễ tiết tác phong…; tự quản trong thực hiện nền nếp, nội quy của Trung tâm, tự quản trong kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định trong Trung tâm của sinh viên. Tăng cường sự tham gia của sinh viên vào xây dựng, hoàn thiện nội quy cấp trung đội, nội quy cấp tiểu đội, nội quy cấp tổ, các quy tắc ứng xử; tăng cường sự tham gia của sinh viên để giải quyết những vấn đề trong rèn luyện và học tập của chính sinh viên.
          Bốn là: Thực hiện đa dạng hóa các hình thức hoạt động ngoại khóa để giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên. Cần tổ chức hoạt động ngoại phong phú về nội dung và hình thức như các hoạt động tập thể, thăm quan bảo tàng, các đơn vị quân đội, các trò chơi quân sự, văn nghệ, thể dục thể thao... Các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên được trải nghiệm và hình thành các quan hệ kỷ luật, rèn luyện các hành vi kỷ luật đáp ứng các yêu cầu của tính kỷ luật và phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Thông qua hoạt động này, sinh viên có điều kiện rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm, có cơ hội mở rộng và hài hòa các mối quan hệ khác nhau trong xã hội.
Tóm lại: Giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Thái Nguyên là quá trình tác động có hệ thống của các nhà sư phạm (đồng thời cũng là nhà quân sự) trong môi trường quân sự tới sinh viên thông qua các hình thức tổ chức hoạt động đa dạng, nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thái độ, hành vi kỷ luật cho sinh viên. Để nâng cao chất lượng giáo dục tính kỷ luật cho sinh viên đòi hỏi nhà giáo dục cần phải phối hợp đồng bộ các biện pháp giáo dục cho phù hợp, khoa học. Vì các biện pháp có mối liên hệ qua lại khăng khít với, đồng thời mỗi biện pháp có tính độc lập tương đối và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau, thúc đẩy nhau tạo nên một chỉnh thể thống nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.16.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.612.
3. Điều lệnh quản lý bộ đội, bộ tổng tham mưu - QĐNDVN, Cục Dân quan tự vệ, BQP (2008), Các văn kiện về công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, Nxb Quân đội nhân dân.
4. Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh - năm 2013.
5. C. Mác và Ph. Ăngghen (1994), Huấn luyện quân sự ở cấp đại đội, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.350-35
 
Nông La Duy- Học viên lớp TCLLCT K49 Tập trung.
                                             ThS Đàm Thị Hạnh, PTK -Khoa NN&PL
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay14,617
  • Tháng hiện tại430,711
  • Tổng lượt truy cập21,600,828
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây