Trách nhiệm của học viên trong học tập lý luận chính trị

Thứ tư - 29/11/2023 20:17
Lý luận chính trị được ví như “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Đảng và cán bộ đảng viên, học tập lý luận chính trị giúp cho học viên có tư duy khoa học để nhận thức, nắm bắt được bản chất, tính tất yếu, quy luật vận động khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội từ đó định hướng nhận thức và hành động thực tiễn được đúng đắn, hiệu quả, hạn chế sai lầm, mù quáng; góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng.
Học tập lý luận chính trị là việc nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện chỉ thị nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, bức thiết đối với mỗi học viên, cán bộ, đảng viên. Việc học tập lý luận chính trị không chỉ giúp cho người học có sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước, từ đó thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện, hăng hái hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện nay, ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên đang vấp phải tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhìn nhận “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Thực tế vẫn còn nhiều học viên chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị; hầu như chỉ chú trọng đến chuyên môn, chưa xem đó là nhu cầu của bản thân. Nhiều học viên tham gia học với tư tưởng bắt buộc phải học để có bằng đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm, cho nên thái độ học không nghiêm túc, học chống đối, ít tương tác trao đổi với giảng viên. Có những học viên không thực hiện đúng quy chế trong lớp học, đi trễ, sử dụng điện thoại lướt web, chơi game, đọc báo hoặc đem việc của cơ quan đến lớp học để làm việc; các buổi thảo luận ở lớp rất ít hoặc không có học viên tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận mà hầu như giảng viên phải hệ thống lại kiến thức đã học. Đây được xem là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên cần phải chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị.
Đất nước đang bước vào thời kỳ mới với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện “bốn kiên định” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để có được sự kiên định, niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác là phải học tập lý luận chính trị một cách thực sự, thực chất.
Xác định việc học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay là nhiệm vụ bắt buộc, vừa là mục tiêu, là động lực để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ . Vì vậy, mỗi học viên khi tham gia học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cần phải có ý thức tự giác trong học tập, xác định đúng động cơ, mục đích học tập; tự xây dựng cho mình kế hoạch, phương pháp học tập khoa học; rèn luyện tác phong, hình ảnh đẹp. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, thiết nghĩ mỗi học viên cần phải đáp ứng yêu cầu cụ thể sau:
Một là, mỗi học viên cần nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, nhận thức sâu sắc lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh do “kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”, từ đó có ý thức, có động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Đồng thời, cần xác định đúng mục đích học tập lý luận chính trị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Nếu học tập lý luận chính trị xác định mục đích không đúng đắn: học để vì tư lợi cá nhân, lấy bằng cấp, thăng tiến; để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Động cơ học tập không trong sáng, tinh thần thái độ học tập lệch lạc thì việc học tập không thể có chất lượng, hiệu quả.
Hai là, trước khi lên lớp học viên cần phải chuẩn bị tài liệu và nghiên cứu bài học để khi lên lớp có đầy đủ tài liệu, giáo trình, phương tiện và chủ động tích cực trong quá trình học tập. Học, đọc bài cũ và nghiên cứu bài mới trước khi đến lớp cũng như tự đặt câu hỏi trước; liên hệ với bài trước, môn học trước. Đây là khâu bắt buộc không thể thiếu, nó giúp cho người học nắm vững, ôn lại những kiến thức đã học và hình dung được tổng quan bài học mới, nhờ đó khi nghe giảng học viên không bỡ ngỡ với những luận điểm, quy luật, khái niệm, phạm trù mà giảng viên truyền đạt trên lớp - biến bài giảng của thầy làm kiến thức cho mình.
Ba là, người học lý luận chính trị phải luôn luôn cập nhật thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, của tỉnh, của địa phương mình. Việc tìm hiểu thông tin phải đảm bảo tính chính thống, có cơ sở lý luận và thực tiễn qua sách, báo, tin, bài, đặc biệt là những bài viết của các nhà chính trị, nhà khoa học về lý luận chính trị, từ đó làm cơ sở nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn học tập và công tác
Bốn là, khi lên lớp nghe giảng, học viên phải tập trung tư tưởng, tránh bị phân tán; phải nghiêm túc khi học tập trên lớp và biết kết hợp tốt nghe, nhìn, hiểu và ghi chép. Việc nghe giảng rất quan trọng, giúp người học hiểu vấn đề, luyện được kỹ năng ghi nhớ trên lớp, tích lũy kiến thức. Việc ghi chép bài giúp cho người học thêm một lần nữa rèn luyện khả năng ghi nhớ, nên ghi theo cách hiểu. Trong giờ thảo luận, người học mạnh dạn phát biểu tranh luận và phản biện, nên bày tỏ ý kiến của mình với giảng viên hướng dẫn thảo luận. Từ đó giảng viên sẽ tiếp nhận ý kiến, giải thích những vấn đề vướng mắc mà người học chưa hiểu rõ. Cố gắng chọn phương pháp học hiểu, học vận dụng, học xử trí, tiếp thu ngay kiến thức tại lớp; chủ động trong việc học, tránh trường hợp soạn bài, ôn bài dồn vào những ngày thi, nhất là vào ngày thi.
Năm là, thực hiện tốt gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Trong toàn khóa học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như nghiên cứu thực tế tham quan, học tập. Những hoạt động nêu trên sẽ giúp cho mỗi học viên nâng cao năng lực thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, từ đó học viên thấy được việc học tập lý luận chính trị mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực đáp ứng yêu cầu thực tiễn của học viên. Đồng thời tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chính trị do trường, lớp tổ chức để trao đổi học thuật, thể hiện lập trường tư tưởng, nghiên cứu, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, nhận diện, phê phán và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Có thể nói, lý luận chính trị sẽ làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, dẫn đến thay đổi hành động và quá trình hành động đó lại được tổng kết thành lý luận. Do đó, mỗi học viên chúng ta phải luôn luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu nhằm tiếp thu những kiến thức lý luận áp dụng vào thực tiễn trong công việc. Việc học lý luận chính trị không chỉ học trong giáo trình mà còn phải quan sát, học những điều hay từ thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, trang lứa. Những kiến thức mà chúng ta tích cực tích lũy trong thời gian học tập lý luận chính trị tại trường sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình công tác và trong cuộc sống sau này. Vì vậy, mỗi học viên khi đã xác định mục tiêu học tập lý luận chính trị cần phải nghiêm túc học hỏi và rèn luyện để có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo:
  1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021;
  2. Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
Trương Thị Huyền – Lớp TCLLCT K50 Hệ tập trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập128
  • Hôm nay13,812
  • Tháng hiện tại429,906
  • Tổng lượt truy cập21,600,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây