Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 -15/02/2023) Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn, giữ nhiều cương vị quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Thứ ba - 14/02/2023 20:31
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Được gia đình cho ăn học, với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn) (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Thành phố Hồ Chí Minh).
dc huynh tan phat

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8 -1945, phong trào học sinh sinh viên yêu nước rầm rộ từ Bắc chí Nam, Huỳnh Tấn Phát lúc bấy giờ là kiến trúc sư có văn phòng riêng, làm ăn phát đạt. Thế nhưng, chí hướng của người kiến trúc sư trẻ ấy không vì mục đích làm giàu, nên văn phòng ấy chính là nơi lui tới, hội họp sinh viên, trí thức yêu nước Sài Gòn. Tờ tuần báo Thanh niên (1944) do ông làm chủ nhiệm trở thành cơ quan ngôn luận của giới trí thức trẻ. Tháng 3-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng Sản, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn và được cử làm Phó giám đốc Sở Thông tin báo chí của UBND Nam Bộ. Cũng từ đây, đồng chí chính thức dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
Khi quân Pháp chiếm lại Sài Gòn, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị quân Pháp bắt và bị kết án tù hai năm. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn đến năm 1949 mới ra chiến khu, và được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, rồi ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau hiệp định Genève 1954, đồng chí được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Đầu năm 1959, ra vùng giải phóng, được cử làm Khu ủy viên chính thức Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác vận động trí thức, tư sản và công tác Mặc trận. Cuối 1960, Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được cử làm Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6-1969, được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1975, sau ngày giải phóng, đồng chí đã giữ các chức vụ: Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII.
Những cống hiến quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là đóng góp của đồng chí trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất nước trên các cương vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những đóng góp trên lĩnh vực kiến trúc với nhiều công trình, tác phẩm xuất sắc làm đẹp cuộc đời, góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở Nam Bộ và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết. Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Nhưng điều đáng nói hơn không phải là ở chỗ chức vụ, danh vọng, vị trí xã hội đã đạt được, mà là tấm lòng, nhân cách, đức độ, tác phong sống của một người trí thức chân chính. Người ta kính trọng ông, một kiến trúc sư, một trí thức lớn sẵn sàng vứt bỏ mọi vinh hoa, phú quý của xã hội thượng lưu, lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn của nhân dân vì độc lập, tự do. Những người từng sống gắn bó với ông từ cán bộ cấp cao đến người bảo vệ, liên lạc, yêu quý, mến phục ông với cái tên thân thương Tám Chí. Nhà văn Thép Mới, trong bài viết sau khi ông qua đời, có nhận xét: “Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam Giác Sắt không khác gì các chiến sĩ, đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình. Ai cũng trọng anh, nhưng không ai coi anh là nhân sĩ. Anh là người vận động cụ thể, tổ chức cụ thể, chăm lo thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác Mặt trận và vận động trí thức ở thành. Anh đã là anh rồi, nên không nghĩ đến cá nhân nhiều… Cái cách anh quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho "than hồng nhen thành lửa ngọn". Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh, một con người Sài Gòn, lẽ ra có thể sống ít nhiều vương giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà, anh dấn thân vào trường kỳ kháng chiến, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo”[1]
Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: dân tộc độc lập, Nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Với tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với Nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, là dịp để chúng ta tri ân, giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; khích lệ, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, noi gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu, tích cực học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
         
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn số 81-HD/BTGTW, ngày 29/11/2022 về Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913-15/02/2023)
 
Ma Trần Thu Hường - Đoàn Mạnh Hiếu
 

[1] Báo Nhân dân, số 14-10-1989

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay18,312
  • Tháng hiện tại434,406
  • Tổng lượt truy cập21,604,523
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây