Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Thứ ba - 04/07/2023 23:08
Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG về thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Nghị quyết số 35-NQ/TW). Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết 35, nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn số 475 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã căn cứ vào các giải pháp mà Nghị quyết 35 đã đưa ra, bám sát thực tiễn chức năng nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường để xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và tiến hành triển khai, quán triệt  toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đội ngũ giảng viên phải nắm vững và vận dụng tốt những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 35-NQ/TW
Để nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW được thấm nhuần trong bản thân mỗi giảng viên thì đội ngũ giảng viên cần thường xuyên tự mình đặt ra và trả lời các câu hỏi như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phải bảo vệ cái gì? Vì sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Làm cách nào để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Song song với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch. Như vậy, phải đấu tranh ra sao? Bằng biện pháp nào? Với ai? Đấu tranh khi nào?... Đội ngũ giảng viên cần xác định rằng: muốn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, thì việc làm thiết thực và cụ thể nhất lúc này là nghiên cứu và vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sâu sắc những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ việc nắm vững nội dung đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên trong quá trình đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch tập trung chống phá trên nhiều lĩnh vực, như: tình hình kinh tế - xã hội; các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo; các chính sách của Đảng và Nhà nước ở một số lĩnh vực; một số sai lầm, khuyết điểm trong thực thi các chức trách nhiệm vụ được giao; sự suy thoái đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên; phủ nhận những thành tựu to lớn mà Đảng ta đã đạt được trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước; các vấn đề an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường; khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc; hay thiếu sót trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế, xã hội ở miền núi, trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các địa phương; những đặc điểm về văn hóa, đời sống tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân các dân tộc thiểu số...
Từ thực tế nêu trên, giảng viên cần khéo léo lồng ghép những chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW vào quá trình giảng dạy. Nếu cần thiết có thể phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị, tính đúng đắn về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, thông qua đó phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ hai, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của giảng viên để đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trước tình hình thế giới đang diễn ra những diễn biến phức tạp khó lường.
Thông qua nội dung các bài giảng trong các học phần của chương trình trung cấp lý luận chính trị, giảng viên phải luôn có ý thức truyền đạt các nội dung của cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khách quan, tính khoa học, tính đảng. Từ đó tạo được niềm tin của đảng viên, quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tinh thần tự tôn dân tộc, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối.
 Giảng viên cần nhận thức rằng: bản thân là lực lượng nòng cốt trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Khi đứng trên bục giảng, giảng viên cần nhấn mạnh một số nội dung quan trọng mang tính định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, học viên thông qua các nội dung chuyên đề cụ thể.
Thứ ba, đội ngũ giảng viên phải chú trọng nâng cao tri thức thực tiễn và tích cực tuyên truyền, phổ biến cho học viên trong quá trình giảng dạy.
Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đội ngũ giảng viên là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, cho nên không chỉ cần có trình độ lý luận sắc bén, có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, mà còn phải có tri thức thực tiễn phong phú, cập nhật bổ sung thường xuyên. Có như thế, công tác giảng dạy lý luận chính trị sẽ có chất lượng, hiệu quả, có sức thuyết phục, góp phần nâng cao nhận thức và khả năng nhận diện, phòng, chống, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho giảng viên và học viên.
Đội ngũ giảng viên cần am hiểu thực tiễn xã hội, lý luận gắn liền thực tiễn. Để bài giảng được sinh động, cuốn hút người nghe, giảng viên cần liên hệ lý luận với thực tiễn thế giới, đất nước, địa phương. Sự liên hệ này có thể giảng viên đưa vào từng nội dung trong bài giảng hoặc gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ lý luận. Song, đó phải là những thực tiễn mang tính điển hình, khái quát chứ không phải là những thực tiễn vụn vặt, nhỏ lẻ ngoài đời sống. Để có sự hiểu biết tình hình thực tiễn, ngoài việc đi thực tế cơ sở còn có nhiều cách khác nhau như: qua báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên đề của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan; qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; qua đồng chí, đồng nghiệp và học viên; qua nắm bắt dư luận xã hội; qua gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến; qua những mô hình hay cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội... Việc cần làm là, giảng viên phải đầu tư thời gian, chịu khó nghiên cứu để rút ra những điều bổ ích, có thể vận dụng từ các nguồn tư liệu đó.
Nhiệm vụ của giảng viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay là hết sức quan trọng. Tin tưởng rằng với việc trang bị, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trường, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao ý thức trách nhiệm lồng ghép việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc tăng cường, bổ sung những thành tựu từ thực tiễn chính trị, kinh tế xã hội của đất nước vào minh chứng cho bài học...chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều sức mạnh giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.
Nguyễn Đình Chung
Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập87
  • Hôm nay15,666
  • Tháng hiện tại431,760
  • Tổng lượt truy cập21,601,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây