Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943-2023

Thứ hai - 27/02/2023 03:26
Theo Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc, bên cạnh việc lãnh đạo nhân dân chuẩn bị lực lượng mọi mặt, tổ chức các cuộc đấu tranh trực diện với địch, Đảng rất chú trọng các công tác trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Để chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc, các trường phái bí hiểm, trụy lạc, các tư tưởng đầu hàng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi..., Đảng ta chủ trương xây dựng bản Đề cương văn hóa Việt Nam.
Trước bộn bề các công việc cấp bách cần gấp rút chuẩn bị, Tổng Bí thư Trường Chinh bắt tay ngay vào việc soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Và tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La,Đông Anh, Phúc Yên vào tháng 2/1943, bản Đề cương văn hóa Việt Nam đã được thông qua. Đây được coi là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng ban đầu cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới. 
Đề cương xác định phạm vi, nội hàm của văn hóa, bao gồm ba thành tố cơ bản là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đến nay, cả ba thành tố mà Đề cương nêu ra đều là những yếu tố mang tính hạt nhân, có mối quan hệ, gắn bó, chi phối, bổ sung và thẩm thấu lẫn nhau, cấu thành nền văn hóa dân tộc.
Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(4). Luận điểm Văn hóa là một mặt trận là một tư tưởng mang tính thời đại, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với các mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh quốc phòng thì mặt trận văn hóa cũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng, kháng chiến. Đây là mặt trận không tiếng súng nhưng bằng ngòi bút, trang giấy và sức sáng tạo dồi dào của văn nghệ sĩ, trí thức đã góp phần đánh bại âm mưu, dã tâm xâm lược của kẻ thù, cổ vũ ngợi ca tinh thần kháng kiến, kiến quốc của nhân dân.
Đề cương xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Đảng cần phải làm tốt công tác văn hóa, bên cạnh nhiệm vụ làm cách mạng chính trị còn phải làm cách mạng văn hóa, loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, phản giá trị, phản tiến bộ để xây đời sống mới, văn hóa mới. Đồng thời, Đảng phải lãnh đạo được phong trào văn hóa nhằm gây tầm ảnh hưởng; đưa chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng thâm nhập vào đời sống của nhân dân.
Đề cương cũng nêu lên Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đó là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động. Nó gạt ra khỏi đầu óc con người những loại thành kiến, hủ bại, mê tín, dị đoan.
Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra.
Ba nguyên tắc ngắn gọn, súc tích, vừa đề cập đến hiện trạng nền văn hóa dân tộc, vừa chỉ ra đường hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa được xây dựng từ sức sáng tạo bền bỉ của nhân dân; đó là nền văn hóa thuộc về nhân dân, do nhân dân là chủ thể sáng tạo, trao truyền và gìn giữ, phát huy. Nền văn hóa đó phải bám rễ vào cội nguồn lịch sử; không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, giàu đẹp.
“Dân tộc, khoa học, đại chúng” – những thuật ngữ đã trở thành khẩu hiệu, mệnh lệnh trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến cái đẹp, cái ích, cái tiến bộ, văn minh.
Kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đề cương về tính chất, nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới, các nghị quyết của Đảng đều khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng những quan điểm, nguyên tắc, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng về văn hóa, văn nghệ đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại sâu sắc, thể hiện tư duy, tầm nhìn và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, cống hiến để vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.
Vũ Thị Nhàn
Khoa Lý luận cơ sở, Chi đoàn Thanh niên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay14,957
  • Tháng hiện tại431,051
  • Tổng lượt truy cập21,601,168
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây