Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và định hướng chuyển đổi số tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ sáu - 30/12/2022 05:00
Chuyển đổi số đang là một trong những chủ đề được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện ở các cấp trên nhiều lĩnh vực hiện nay. Bên cạnh khái niệm này còn có khái niệm số hóa đề cập đến công việc cụ thể như chuyển thể dữ liệu ở dạng giấy hoặc định dạng truyền thống khác thành những dữ liệu mềm trên máy tính. Đây là bước đầu trong quá trình chuyển đổi số, việc số hóa đã diễn ra và vẫn tồn tại cho đến bây giờ với hình thức nhập liệu hoặc các hình thức khác dựa trên thiết bị điện tử hiện đại.

Theo Nghị quyết số 52 –NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đó là “cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749 QĐ/TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với đầy đủ những nội dung nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 31/12/2020, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Yêu cầu của việc chuyển đổi số là số hóa công tác điều hành nhằm đổi mới căn bản và toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, sự tích cực của lãnh đạo các phòng, khoa cùng giảng viên, viên chức Nhà trường công tác chuyển đổi số đối với việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đã đạt được những kết quả tích cực. Việc triển khai, quán triệt Nghị quyết, kế hoạch về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời; các hoạt động tuyên truyền thông qua giảng dạy, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường, tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ giảng viên, viên chức của Nhà trường.
1. Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ giảng viên, viên chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến thường xuyên, thay đổi hình thức giảng dạy trực tuyến phù hợp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển chính quyền số, xã hội số.
Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Đối với nội dung quản lý bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác.
Chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giảng dạy truyền thống bằng phương pháp giảng dạy hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức giảng dạy, phương thức học tập, phương thức quản lý, tận dụng tối đa công nghệ hướng tới giảng dạy chất lượng cao. Đối với giảng dạy lý luận chính trị, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy – học. Chính vì vậy, hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng với Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Từ những chương trình, mục tiêu, giải pháp, cách thức tổ chức đã có, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đứng trước cơ hội thay đổi theo tình hình thực tiễn đặt ra trong bối cảnh học viên ngày càng đa dạng cả về tuổi tác, lĩnh vực nghề nghiệp lẫn trình độ chuyên môn dựa trên nền tảng cơ sở pháp lý, hạ tầng cơ sở vật chất cũng như sự kế thừa tri thức từ nền tảng khoa học công nghệ cao.
2. Định hướng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên
Một là, Đưa những chủ chương, chính sách của Đảng về chuyển đổi số vào cuộc sống. Trước hết, cần nghiêm túc nghiên cứu, triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Nghị quyết đã nêu rõ về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đó là: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.
Đồng thời, với nhiệm vụ trọng tâm: “thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, cũng như xác định một trong những đột phá chiến lược đó là: “tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Qua đó cho thấy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để phát triển đất nước, một trong những ưu tiên hàng đầu đó là phát triển nguồn nhân lực con người, đáp ứng được những yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng ngày càng đa dạng, chuyên biệt theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Cụ thể hơn nữa, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chỉ ra chính sách phát triển nguồn nhân lực một cách cụ thể, rõ ràng, đó là “Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số” cũng như “Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số. Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đây là định hướng mở ra cho chúng ta hướng phát triển công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong tình hình mới với yêu cầu ngày càng cấp thiết.
Hai là, Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
Để có được chiến lược phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, trước hết cần thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia vào quá trình này thông qua các hoạt động cụ thể hoặc truyền thông đại chúng. Từ những nhận thức đúng đắn, sẽ có những những chiến lược phù hợp trong quản lý; trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và cách thức triển khai cũng như các yếu tố khác tác động đến quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đặc thù, có khả năng về ngoại ngữ, kiến thức về công nghệ đủ điều kiện tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Ba là, Từng bước thực hiện số hóa, ứng dụng số hóa tiến đến chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
Để thực hiện chuyển đổi số cần có lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp tránh tình trạng lãng phí, làm ngược với thực tiễn khách quan; trước hết cần có kế hoạch, đầu tư từng bước số hóa bài giảng, quy trình, nghiệp vụ quản lý, xây dựng hệ thống học liệu điện tử phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau song song với xây dựng môi trường và sự đầu tư các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, cần tận dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ về tốc độ đường truyền, công nghệ thiết bị phần cứng, khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng các phần mềm, hệ thống vào từng giai đoạn, từng khâu của quy trình bồi dưỡng nhằm tạo ra các phương pháp quản lý hiệu quả dựa trên thông tin đã được số hóa hoặc sử dụng hiệu quả các hình thức giảng dạy trực tuyến, từ xa, tự học dựa trên sự tương tác với hệ thống thông minh hay đánh giá kiểm tra, kiểm định với đa dạng cách thức mang lại hiệu quả thực tiễn cao.
Bốn là, Làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của giảng viên, học viên nhân viên đối với chuyển đối số lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường
Để chuyển đổi số lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Trường thành công, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình này. Do vậy, trong Nhà trường cần:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về quan điểm, chủ trương chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số từng lĩnh vực của Đảng, Nhà nước; các nghị quyết, quy định, quy chế của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chuyển đổi số cho độ ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ từ đó nâng cao trách nhiệm của các chủ thể.
Công tác tuyên truyền, giáo dục ở mỗi cấp được tiến hành thường xuyên, có tập trung, trọng điểm; hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho mỗi đối tượng trong Nhà trường. Đồng thời, có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong Trường.
Các giảng viên, các bộ phận chuyên ngành tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng, xây dựng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo; ban hành các cơ chế, chính sách; hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi số lĩnh vực đào tạo, xây dựng nhà trường thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Năm là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng trong Nhà trường.
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, nhân viên có số lượng đủ theo biên chế mới, với chất lượng ngày càng cao, nhất là trình độ ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thông tin; bố trí đúng với chức trách, nhiệm vụ và vị trí việc làm.
Chú trọng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nhân viên nhằm nâng cao năng lực trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp cận, sử dụng các công nghệ mới và hoạt động trong môi trường nhà trường giai đoạn mới.
Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo; tăng cường hợp tác về nhân lực và thu hút các nhân tài bên ngoài vào phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của Nhà trường.
Sáu là, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tạo động lực chuyển đổi số lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhanh, bền vững.
Phát huy vai trò các cơ quan chức năng, các bộ phận nhất là Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Nguyễn Thị Giang
Khoa Nhà nước và pháp luật
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 52 –NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Quyết định số 749 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03 tháng 6 năm 2020, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
- Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.
- Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/10/2021 và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Lữ Đăng Nhạc, Một số vấn đề về chuyển đổi số trong hoạt động bồi dưỡng ở cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 4/2021.
- PGS.TS Phạm Đức Chính, Học viện Hành chính Quốc gia, Chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số ở Việt Nam hiện nay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay18,243
  • Tháng hiện tại434,337
  • Tổng lượt truy cập21,604,454
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây