Tìm hiểu về quy định cán bộ chịu sự giám sát của nhân dân hiện nay

Thứ sáu - 03/06/2022 04:28
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, chủ yếu khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, giám sát. Vì vậy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đặc biệt phát huy vai trò giám sát của Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đảm bảo được quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời cũng giúp cho đội ngũ cán bộ đảng viên phải tự rèn luyện, tự tu dưỡng đạo đức, tác phong sao cho đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của nhân dân và là tấm gương để nhân dân tin tưởng noi theo, làm theo.
Hội nghị Giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên)
Hội nghị Giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên)

       Trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, đặc biệt từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đều nhất quán khẳng định: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng như: một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn có biểu hiện quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở, ít lắng nghe dân, thậm chí sống xa dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân, không quan tâm đến những nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt khác, nhiều nơi chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý và chưa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng… Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân là một nội dung cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
       Trong những năm tiếp theo, để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Đảng ta nhấn mạnh, phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự giám sát của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Đặc biệt, hiện nay cán bộ đảng viên đang thực hiện theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban bí thư, ngày 02/ 02/ 2018 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên. Quy định đã nêu rõ mục đích nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó chỉ ra rất rõ, nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phản ảnh, kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
       Nội dung nhân dân giám sát cán bộ đó là:
       Giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.
      Cụ thể như sau: Giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp ở nơi làm việc; giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt, cư trú trên địa bàn khu dân cư; Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên không thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống thì chủ thể giám sát báo cáo, phản ảnh với cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên.
      Nhân dân thực hiện giám sát cán bộ thông qua các hình thức như quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Thông qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ảnh của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và nhân dân; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng.
       Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, khi phát hiện hoặc tiếp nhận báo cáo, phản ảnh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo bằng văn bản hoặc phản ảnh trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý; Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền sau khi tiếp nhận báo cáo, phản ảnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, giải quyết. Chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, phản ảnh của chủ thể giám sát, cấp có thẩm quyền thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết đến chủ thể giám sát và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày làm việc. Trường hợp xác định cán bộ, đảng viên có vi phạm thì cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý theo quy định.
       Quyền, trách nhiệm của nhân dân trong việc giám sát cán bộ đảng viên:
       Nhân dân giám sát thường xuyên đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong phạm vi giám sát;
       Được mời tham dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân liên quan đến nội dung giám sát; các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân;
      Công tâm, dân chủ, khách quan khi thực hiện giám sát; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng về kết quả giám sát; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng trong hoạt động giám sát;
       Báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền và cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, kiểm tra, xử lý kết quả giám sát; theo dõi việc xử lý kết quả giám sát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và đối tượng được giám sát.
       Quyền và trách nhiệm của cán bộ đảng viên trước sự giám sát của nhân dân:
      Cán bộ đảng viên được đề nghị, phản ảnh, báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền xem xét về báo cáo, nhận xét, đánh giá của chủ thể giám sát đối với mình hoặc khi chủ thể giám sát thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, trách nhiệm, vi phạm quy định.
       Từ chối trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của mình hoặc không liên quan đến nội dung, phạm vi giám sát.
       Như vậy, mỗi cán bộ đảng viên cần nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện tốt các quy định của Đảng và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cho nên, mỗi cán bộ đảng viên cần tự học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất đạo đức cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đặt ra. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện giám sát thì được biểu dương, khen thưởng nhưng nếu vi phạm thì tùy theo nội dung, tính chất, mức độ tác hại, nguyên nhân vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định./.
ThS. Đàm Thị Hạnh
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
2. Các văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng Khóa XIII.
3. Quy định số 124-QĐ/TW của Ban bí thư, ngày 02/ 02/ 2018 về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay21,189
  • Tháng hiện tại437,639
  • Tổng lượt truy cập21,607,756
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây