Chung tay chăm sóc trẻ tự kỷ - trách nhiệm của gia đình và xã hội

Thứ bảy - 02/04/2022 07:08
Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 62 thông qua một Nghị quyết đặc biệt số A/RES/62/139. Theo đó, từ năm 2008, ngày 02/4 hằng năm được công nhận là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này.
Hiện nay, cùng với các điều kiện sống ngày càng được nâng cao, trẻ em Việt Nam được quan tâm đánh giá về phát triển thể chất (cân nặng, chiều cao) lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế cơ sở, nhưng thiếu hoàn toàn sự đánh giá về phát triển tâm thần vận động nhằm phát hiện sớm các rối loạn phát triển và thực hiện sàng lọc sớm rối loạn tự kỷ. Theo Thống kê ước tính do Cục bảo trợ xã hội, tỷ lệ tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng. Dù không phải là bệnh nhưng tự kỷ kéo dài đến hết đời, gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cho người không may mắc hội chứng này. Mặc dù chưa có cách chữa trị nhưng có những phương pháp để điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ và những cách này chỉ có thể thành công khi người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không biết về chứng tự kỷ, về những đặc điểm cũng như biểu hiện của người tự kỷ.
Vậy tự kỷ là gì? Theo chuyên trang tự kỷ của Liên hiệp quốc, “tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại”. Tự kỷ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực phát triển của trẻ như trí tuệ, nhận thức.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Pittsburg Gazette)
Như vậy, tự kỷ (hay “rối loạn phổ tự kỷ”) được hiểu là một rối loạn phát triển lan tỏa do bất thường của não bộ, có các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng trực tiếp đến 3 khía cạnh: giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội của một người.

Những biểu hiện tự kỷ ở trẻ đó là:

Thứ nhất, thiếu hụt kỹ năng giao tiếp:

Trẻ tự kỷ có khuynh hướng tránh tiếp xúc và ít biểu lộ sự chú ý đến giọng nói của người khác. Đồng thời, trẻ tự kỷ thường chậm nói hoặc nói những từ không có nghĩa, đi kèm với một số các biểu hiện về ngôn ngữ khác như: Chậm phát triển ngôn ngữ; không hiểu các câu hỏi của người khác; không dùng lời nói để chỉ ra nhu cầu hoặc mong muốn của mình; không phản ứng khi được gọi tên hoặc các âm thanh khác…

Thứ hai, giảm tương tác xã hội: Biểu hiện đặc trưng là thiếu hụt các kỹ năng tương tác xã hội như: Ít hoặc không giao tiếp bằng mắt; thờ ơ, yên lặng, dường như thích ở một mình và không cần sự chăm sóc của người khác; không có những biểu hiện trên khuôn mặt như vui, buồn, yêu, ghét; không tỏ ra đồng cảm với người khác; không thể kết bạn…

Thứ ba, hành vi, sở thích bất thường:

Sự khác biệt về hành vi là biểu hiện trẻ tự kỷ cũng rất thường gặp. Ngoài ra, trẻ còn có những sở thích không điển hình và lặp đi lặp lại. Trẻ tự kỷ sẽ có những hành vi như: Lặp đi lặp lại các thói quen, trật tự hay nghi thức và rất khó để thay đổi; thích xoay tròn, lắc lư, nhìn ngón tay, đi nhón chân trong thời gian dài; luôn cầm nắm một thứ gì đó trong tay như bút, que, giấy…; thực hiện những hành động có thể gây hại cho bản thân như cắn, đập đầu vào tường, chạy ra đường mà không biết sợ…

Một số các biểu hiện khác của trẻ tự kỷ:

Nhìn chung, ngoài các biểu hiện cơ bản ở trên, trẻ tự kỷ còn có nhiều triệu chứng khác và cũng rất dễ nhận biết. Những biểu hiện trẻ tự kỷ thường gặp là: Tăng động giảm chú ý; nhạy cảm với các kích thích âm thanh, cảm giác, mùi vị; la hét, ăn vạ, cáu gắt vô cớ; khó ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm; động kinh.
Trẻ tự kỷ thường có tâm lý khác thường, nên việc có thể hiểu những gì trẻ đang nghĩ hay đang muốn rất khó, vì vậy vai trò của gia đình trong việc phát hiện và chữa trị cho trẻ là điều hết sức quan trọng
Có thể thấy rằng, gia đình là một nhân tố rất quan trọng trong môi trường gần nhất của trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, người tiếp xúc đầu tiên với trẻ chính là bố mẹ và các thành viên trong gia đình, dạy cho trẻ trong những năm tháng đầu đời từ ăn, nói, ngủ, nghỉ. Gia đình chính là môi trường để giúp trẻ kích thích sự phát triển về mọi mặt đặc biệt là ngôn ngữ, kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh, từ đó hình thành các quan hệ xã hội. Các thành viên trong gia đình chính cũng là hình mẫu cho trẻ về cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.
Đối với những gia đình có trẻ tự kỷ thường rất khó khăn. Nhiều gia đình không thể chấp nhận việc con cái của mình bị bệnh hoặc tâm lý không muốn người khác biết con mình bị bệnh nên không đưa đi khám, và thường phải mất một thời gian dài để chấp nhận việc con bị tự kỷ và chữa trị cho con cái họ.
Việc trẻ tự kỷ có tiến bộ được hay không vẫn phụ thuộc phần lớn vào cách chăm sóc của gia đình. Dù trẻ có đi học ở đâu thì gia đình, nhất là cha mẹ, phải tích cực tham gia dạy trẻ. Cha mẹ đóng vai trò quyết định tới sự tiến bộ của trẻ vì là người hiểu trẻ nhất, có thời gian bên trẻ nhiều nhất nên dạy trẻ được nhiều. Do vậy, cha mẹ cần theo sát các giai đoạn phát triển của con trẻ để sớm phát hiện ra các biểu hiện bệnh của con. Khi con có biểu hiện tự kỷ, cha mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu các thông tin về căn bệnh này đồng thời đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn cách dạy và chăm sóc trẻ; hạn chế cho trẻ xem tivi, điện tử, nên thường xuyên nói chuyện với trẻ; dạy trẻ các cử chỉ giao tiếp, dạy trẻ hiểu lời, dạy phát âm, dạy nói; cho trẻ chơi cùng với trẻ khác; luôn khuyến khích khen ngợi trẻ; dạy trẻ những kỹ năng tự lập ngay từ khi còn nhỏ như đánh răng, rửa mặt, tắm gội, tự xúc ăn, mặc quần áo, tiếp xúc với những vị khách; áp dụng các phương pháp điều hòa đa giác quan để tập luyện cho trẻ… Có những biện pháp can thiệp sớm thì việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ sẽ thuận lợi hơn, cũng sớm giúp trẻ hòa nhập xã hội dễ dàng hơn.
Không chỉ giáo dục cho trẻ tự kỷ từ trong gia đình mà còn từ phía nhà trường và cộng đồng. Quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung, việc phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên là vô cùng quan trọng. Nhưng không thể thiếu được vai trò của nhà trường trong quá trình này. Đối với trẻ bị tự kỷ, cần nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc hơn những đứa trẻ khác. Cha mẹ cần thường xuyên giữ mối liên lạc với nhà trường, nên nói rõ tình trạng bệnh của con cho Nhà trường để cùng các thầy cô đồng hành trong quá trình chăm sóc trẻ. Để trẻ tự kỷ hòa nhập được với các bạn bình thường thì về phía Nhà trường và giáo viên cần:
+ Nắm bắt tâm lý của trẻ: Điều gì khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, bình tĩnh, khó chịu, hay thoải mái. Từ đó phân tích, nói cho các con hiểu bằng hành động nhẹ nhàng, có những phần thưởng nho nhỏ mỗi khi các trò trở nên ngoan hơn, hoặc khuyên bảo khi trẻ phá phách, ngang bướng, không biết nghe lời. Kiên nhẫn trò chuyện, lắng nghe ý kiến của trẻ, trò chuyện là một trong những cách để giúp trẻ tự kỉ hòa nhập với cộng đồng.
+ Để trẻ tự kỷ tham gia hoạt động chung như sinh hoạt cuối tuần, hoạt động ngoại khoá, hoạt động trải nghiệm…, những nơi đông người, nhằm cải thiện khả năng hòa nhập xã hội và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với bạn đồng trang lứa. Dạy trẻ biết cách chơi chung với các bạn bằng việc chia sẻ đồ chơi, yêu cầu được giúp đỡ.
+ Bảo ban, khuyến khích trẻ chơi cùng các bạn và nhờ các bạn khác quan tâm tới trẻ hơn không phân biệt, kì thị nhau.
+ Giáo viên có thể dành thời gian cho những trẻ tự kỉ vào các giờ nghỉ cá nhân, chăm sóc, hỏi han, dạy dỗ, tạo điều kiện cho các con hòa nhập với các bạn, bổ sung thêm những kiến thức mà các con chưa nắm được do tiếp thu chậm.
          + Giáo viên nên trao đổi với cha mẹ trẻ về những tiến bộ của trẻ khi ở trường, lúc về nhà, những điều chưa khắc phục được và bàn bạc, tìm ra phương pháp có lợi nhất cho sự phát triển của con.
Việc giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ hiện nay đã trở thành vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Ở Việt Nam, đã có những dự án, chương trình được triển khai chung tay hành động vì trẻ tự kỷ như dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng, tài trợ và thực hiện trong 5 năm (2018 - 2023); Quỹ học bổng của A365 vì trẻ em tự kỷ thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe & Dân số (CCIHP)…Mục tiêu của các dự án, chương trình này là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ và giúp những trẻ em tự kỷ nhanh chóng hòa nhập xã hội, phát triển tốt hơn khi có sự thấu hiểu của cộng đồng.
Năm 2022, Liên hợp quốc công bố chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ là “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả”. Chủ đề này là sự tiếp nối với chủ đề của năm 2021 - “Hòa nhập tại nơi làm việc”, nhằm nhấn mạnh rằng người tự kỷ cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng như những người khác. Để hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, ngày 02/4/2022 trên cả nước có 15 cơ sở can thiệp cho trẻ em tự kỷ được dự án tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa tới cộng đồng ý thức trách nhiệm cũng như cách hiểu đúng về chứng tự kỷ ở trẻ em. Các hoạt động này giúp các em có cơ hội giao lưu, trải nghiệm và phát triển những kỹ năng của bản thân. Đây cũng là dịp để mọi người có nhận thức đúng về tự kỷ, từ đó thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn.
Theo các chuyên gia y tế đối với trẻ tự kỷ, chúng ta cần thiết phải nhìn nhận đó là một đứa trẻ bình thường và hoàn toàn có thể thay đổi tiến bộ được. Để giáo dục trẻ tự kỷ có thể hòa đồng được với cuộc sống xã hội là cả một quá trình tác động lâu dài, nhẫn nại và bền bỉ. Việc giáo dục giúp trẻ hòa nhập không phải là việc đơn giản. Chính vì vậy cần phải có sự tác động kiên trì, tâm huyết từ gia đình, thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập được với cộng đồng và vì một mục tiêu cao đẹp “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
ThS. Lục Thị Minh Phương
----------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Báo sức khoẻ và Đời sống: Bệnh tự kỷ ở trẻ (https://suckhoedoisong.vn/benh-tu-ky-o-tre-dau-hieu-nhan-biet-va-nhung-tien-luong-169211212200030796.htm)
2. Bác sĩ Vũ Thị Huế, “Gia đình – vai trò then chốt trong điều trị can thiệp trẻ tự kỷ” (https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/gia-dinh-vai-tro-then-chot-trong-dieu-tri-can-thiep-tre-tu-ky-268113-85.html)
3. Báo Tin tức: Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4/2022: Giáo dục hoà nhập chất lượng cho tất cả (https://baotintuc.vn/infographics/ngay-the-gioi-nhan-thuc-ve-tu-ky-242022-giao-duc-hoa-nhap-chat-luong-cho-tat-ca-20220402064327825.htm#:~:text=Theo%20%C4%91%C3%B3%2C%20ng%C3%A0y%202%2F4,ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20cho%20t%E1%BA%A5t%20c%E1%BA%A3%22.)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay11,530
  • Tháng hiện tại11,530
  • Tổng lượt truy cập16,975,863
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây