Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản đã được đề cập, không thể tách rời trong các chủ trương, chính sách pháp luật ở nước ta trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản luôn gắn với chủ trương và kế hoạch phát triển KT-XH của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, đặc biệt từ khi đất nước ta thực hiện sự nghiệp đổi mới cho đến nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, với những văn bản quan trọng như:
Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành chỉ thị về bảo vệ môi trường, đã đề ra các quan điểm cơ bản: "Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững".
Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị (khóa IX) về "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) đã ban hành "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016), Đảng ta khẳng định những thành tựu sau 30 năm tiến hành đổi mới đất nước và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, trong đó có hạn chế "Phát triển thiếu bền vững cả về văn hóa, xã hội và môi trường". Trên cơ sở đó, Đảng ta đã đề ra chỉ tiêu rất cụ thể về môi trường "Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%".
Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương bảy (Khoá XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường";
Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng: “Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%”
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 trong đó chỉ tiêu về môi trường: (1) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; (2) Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; (3) Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; (4) 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; (5) Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Thực hiện tốt theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.
Trên cơ sở thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách còn xây dựng và ban hành các Đề án, Nghị quyết…về bảo về môi trường ở điạ phương như Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 143/NQ-HĐND, ngày 12/8/2021 về thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.
Như vậy, trách nhiệm đặt ra đối với mỗi cá nhân, mỗi cán bộ đảng viên trong việc bảo về môi trường, giữ cho môi trường trong lành, sạch, đẹp là rất rõ ràng. Mỗi cá nhân, mỗi cán bộ đảng viên trước hết cần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luạt của Nhà nước, bên cạnh đó, cần có những việc làm thiết thực để cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Những việc làm cụ thể mà mỗi người có thể thực hiện để chung tay bảo vệ môi trường như: luôn dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, phòng làm việc ngăn nắp, sạch sẽ; Vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, thực hiện phân loại rác theo hướng dẫn; Trồng nhiều cây xanh; Hạn chế sử dụng túi nilon và hạn chế sử dụng hóa chất độc hại; Tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt; sử dụng nguồn năng lượng sạch, tận dụng gió trời, ánh nắng mặt trời trong đời sống; Hăng hái tham gia các phong trào bảo vệ môi trường; Không tiếp tay cho hành vi tổn hại đến môi trường…
Thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường là bảo vệ chính bản thân mỗi chúng ta, bên cạnh đó cũng là góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững./.
ThS. Đàm Thị Hạnh
Khoa Xây dựng Đảng