Nhận thức và thực hiện tốt các khâu trong công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm - 09/12/2021 04:29
Trong tác phẩm "Dân vận" được đăng trên tờ báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rất rõ các khâu trong công tác dân vận.  Đến nay, sau hơn 70 năm bài báo ra đời, nhìn lại một chặng đường đã qua khá dài nhưng chúng ta vẫn thấy được những giá trị to lớn của bài báo mà Bác để lại cho các thế hệ sau.
Giá trị lý luận và thực tiễn của bài báo đã được Đảng ta và các thế hệ cán bộ, đảng viên khẳng định, trong phạm vi bài viết này, tác giả một lần nữa làm rõ giá trị to lớn về một nội dung vô cùng quan trọng, đó là, mỗi chúng ta cần nhận thức và thực hiện tốt các khâu của công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi cả nước chung tay tay tiếp tục thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta càng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác dân vận, vì chỉ khi thực hiện tốt các khâu trong công tác dân vận theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mới tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, có được sự an tâm tin tưởng và niềm tin tuyệt đối của nhân dân, như vậy mới tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã đề ra.

Trong tác phẩm “Dân vận”, Bác khẳng định, “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(1). Đây là khâu quan trọng đầu tiên mà Bác đã đề cập, chúng ta có thể hiểu rằng, đó là khi Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành ban hành bất cứ một chủ trương, chính sách nào thì phải thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, hiểu cặn kẽ về các chủ trương, chính sách đó, bên cạnh đó tuyên truyền làm sao để nhân dân tin tưởng, có niềm tin sâu sắc với các chủ trương, chính sách. Để người dân hiểu điều đó có lợi cho nhân dân và có lợi cho sự phát triển của đất nước như thế nào.
Khâu thứ hai trong công tác dân vận, Bác đã đề cập, “Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”(2). Ở đây, chúng ta thấy được một điều rất quan trọng, đó là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, bởi vì theo Người, trí tuệ của nhân dân là vô cùng to lớn, nếu biết khai thác và phát huy những giá trị to lớn ấy phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước thì đáng quý vô cùng. Bên cạnh việc phát huy trí tuệ của nhân dân, Bác còn nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên phải cùng nhân dân xây dựng và đặt kế hoạch sao cho thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, động viên và tổ chức cho nhân dân thực hiện kế hoạch đã xây dựng, ban hành.
Khâu thứ ba, Bác viết, “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”(3). Cán bộ, đảng viên phải luôn đồng hành cùng nhân dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách; đồng hành để nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân, nắm tình hình trong quá trình thực hiện có gặp phải khó khăn hay có gì không thuận lợi không, để cán bộ hướng dẫn và giúp đỡ kịp thời, và nếu có vấn đề gì nổi cộm, phức tạp phát sinh thì cũng biết để xử lý ngay. Ngoài ra, cán bộ còn cần đôn đốc, nhắc nhở nhân dân thường xuyên để quá trình thực hiện không bị chậm tiến độ, bị đình trệ hoặc để xảy ra sai sót không đáng có…
Ở khâu cuối, Bác nhấn mạnh: “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(4). Như vậy, chúng ta thấy rằng, sau khi hoàn thành xong mỗi công việc, người cán bộ, đảng viên cần phải cùng nhân dân cùng nhau thực hiện khâu kiểm điểm, đánh giá lại và rút kinh nghiệm những việc đã làm, điều đó rất quan trọng, bởi vì, có như vậy mới chỉ ra được những cái hay, việc đã làm tốt, điều thuận lợi cũng như cái chưa hay, chưa làm tốt, và những điều khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện mỗi chủ trương, chính sách, mỗi công việc cụ thể trong quá trình vận động nhân dân.
Trên đây là các khâu cơ bản trong công tác dân vận theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã đề cập trong bài báo “Dân vận” viết năm 1949. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ và thấm nhuần những nội dung đó để chúng ta thực hiện công tác dân vận ngày càng hiệu quả hơn. Bởi vì, trách nhiệm đối với công tác dân vận là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Thực hiện tốt công tác dân vận là chúng ta đã góp phần xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận của nhân dân để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN./.
ThS. Đàm Thị Hạnh
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
---------------------------------
(1),(2), (3), (4) Tác phẩm “Dân vận”, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 6, tr 232-234.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập866
  • Hôm nay61,220
  • Tháng hiện tại311,070
  • Tổng lượt truy cập20,793,463
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây