Nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế của học viên tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ ba - 20/07/2021 22:27
Hoạt động nghiên cứu thực tế thực hiện phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn là một nội dung trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị giúp học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp, tích lũy kinh nghiệm thực tế, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện.
Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hướng dẫn số 310/HD-HVCTQG, ngày 12/6/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị – hành chính; Công văn số 637-CV/BTCTU, ngày 21/4/2017 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính. Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt nghiêm túc và tổ chức tốt hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên.
 
IMG 20210710 083028

Việc tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế phải căn cứ vào chương trình đào tạo, đủ thời gian, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng Quy chế quản lý đào tạo, nội quy của nhà trường và tuân thủ nghiêm túc những quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu thực tế; tránh hình thức, không lợi dụng việc đi nghiên cứu thực tế để tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch.
Nội dung nghiên cứu thực tế gắn với kiến thức được học trong toàn khóa với nhiều chủ đề khác nhau như: Kết quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; kinh nghiệm và bài học xây dựng hệ thống chính trị, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tình hình xây dựng nông thôn mới; kết quả và bài học kinh nghiệm của các lĩnh vực công tác: Văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng; việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương…
 Hoạt động nghiên cứu thực tế góp phần nâng cao năng lực tư duy cho người học. Tầm giá trị của các hoạt động này góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực tư duy, phán đoán, suy luận để rút ra cách đánh giá vấn đề khách quan nhất, chính xác nhất. Thực tế cho thấy, trong quá trình học tập học viên thường gặp phải những vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn cần giải quyết nên cần phải có khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả nhất. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi học viên phải tích lũy, rèn luyện kỹ năng tư duy tích cực thông qua nhiều hoạt động khác nhau trong đó có hoạt động nghiên cứu thực tế. Hơn nữa tạo cơ hội cho học viên phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu phục vụ tốt hơn cho việc nghiên cứu, học tập và công tác sau này như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm.
Việc triển khai hoạt động nghiên cứu thực tế góp phần hình thành kỹ năng tự học, tự thích ứng của học viên với môi trường học tập mới. Thực chất của hoạt động nghiên cứu thực tế không phải chỉ là xem, để nhìn mà là học tập trong một môi trường mới, giúp học viên có một tâm thế cực kỳ thoải mái, không gò bó trong khuôn khổ quy tắc, chuẩn mực, từ đó kết quả đạt được tốt hơn và năng lực sáng tạo cũng có điều kiện phát huy. Để phát huy tính tích cực của hình thức học tập này cần phải có sự định hướng của giảng viên và học viên cũng phải có những kiến thức nhất định mới có khả năng nắm bắt được những sự kiện từ thực tế.
Hoạt động nghiên cứu thực tế giúp phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian của học viên. Thông qua những hoạt động trong quá trình đi nghiên cứu thực tế giúp học viên cởi mở hơn trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, văn hóa giao tiếp dần hình thành và hoàn thiện. Từ các hoạt động này, học viên giao tiếp, hiểu rõ nhau hơn từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, biết chia sẻ, đoàn kết, nâng cao tinh thần tập thể, kỹ năng làm việc nhóm cũng hiệu quả hơn.
 Bên cạnh đó, hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên còn góp phần tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với các đơn vị, địa phương học viên đến nghiên cứu thực tế; giúp cho giảng viên và học viên bổ sung, cập nhật được những thông tin hữu ích phục vụ có hiệu quả cho giảng dạy và học tập cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của học viên sau khi kết thúc chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên còn bộc lộ những khó khăn, bất cập nhất định như:
Thứ nhất, một số học viên nhận thức chưa đầy đủ vai trò và mục đích của hoạt động đi nghiên cứu thực tế trong chương trình đào tạo nên việc chủ động trao đổi, thu thập thông tin, tài liệu với đơn vị đến nghiên cứu thực tế còn hạn chế dẫn đến nhiều bài thu hoạch đạt chất lượng không cao.
Thứ hai, còn có giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn và tổ chức đưa học viên đi nghiên cứu thực tế.
Thứ ba, nội dung nghiên cứu thực tế của học viên đa dạng nên báo cáo viên ở cơ sở gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nội dung và trao đổi với học viên.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần có sự trao đổi cụ thể giữa nhà trường với báo cáo viên ở cơ sở nhằm chuẩn bị báo cáo sát với nội dung nghiên cứu của đoàn đi thực tế góp phần nâng cao sự hiểu biết cũng như chất lượng bài thu hoạch của học viên.
Hai là, đội ngũ giảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế như: Định hướng ý nghĩa, tầm quan trọng và các góc độ tiếp cận cho học viên trong nghiên cứu thực tế; hướng dẫn học viên cách làm việc nhóm; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; giải đáp những vướng mắc về nội dung nghiên cứu để học viên viết bài thu hoạch đạt chất lượng.
Ba là, mỗi học viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nghiên cứu thực tế. Gắn lý luận đã được nghiên cứu trong chương trình học với thực tiễn ở cơ sở. Viết bài thu hoạch nghiêm túc, trách nhiệm, tránh tình trạng sao chép.
Thực hiện tốt hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập, đảm bảo phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn trong yêu cầu chương trình đào tạo. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nhà trường sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục những khó khăn, bất cập để công tác đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội.
ThS. Lê Chí Trung - ThS. Vũ Thị Nhàn
Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập354
  • Hôm nay61,220
  • Tháng hiện tại310,285
  • Tổng lượt truy cập20,792,678
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây