Tỉnh Uỷ Thái Nguyên - Trường Chính Trịhttp://truongchinhtrithainguyen.gov.vn/uploads/banners/logo.png
Thứ ba - 08/06/2021 21:44
Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” là một bộ phận cấu thành trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây cũng là một trong những giải pháp lớn, được đề ra nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là một trong những phong trào thi đua thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” những năm qua, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể, nhất là các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chú trọng chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, kết quả đạt được cụ thể như sau: Linh hoạt trong triển khai tổ chức, lồng ghép với các phong trào thi đua mang tính đặc thù riêng của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh, phối hợp, chỉ đạo các cấp công đoàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với các đơn vị, địa phương theo dõi, triển khai phong trào đến 100% công đoàn các cơ sở, đồng thời lồng ghép với các phong trào thi đua mang tính đặc thù riêng của từng cơ quan, đơn vị, như: gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phong trào “Thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục và Đào tạo; ngành Y tế với phong trào “Lương y như từ mẫu”; khối cơ quan hành chính sự nghiệp với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, tận tụy, gương mẫu”, “Trung thành - trách nhiệm - Liên chính - Sáng tạo”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu”...Từ việc linh hoạt trong triển khai tổ chức, đặc biệt là gắn với các phong trào thi đua theo đặc thù của từng ngành, cơ quan, đơn vị khiến việc tham gia các phong trào trở nên gần gũi, thiết thực, tránh hình thức. Liên đoàn lao động tỉnh phát huy vai trò nòng cốt thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBCC, CNVCLĐ
Từ năm 2000 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng 40 phóng sự chuyên đề về đời sống văn hóa trong CB,CC,VC,NLĐ phát trên sóng truyền hình tỉnh; tổ chức trên 5000 cuộc giao lưu, liên hoan văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức được trên 4000 hội nghị tuyên truyền pháp luật về văn hóa cho gần 900.000 lượt CB,CC,VC,NLĐ tham gia; tổ chức trên 1.200 buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình với nhiều nội dung phong phú, đội ngũ báo cáo viên có kiến thức và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực; đăng tải 45.000 tin, bài, phản ánh về hoạt động công đoàn và phong trào CB,CC,VC,NLĐ của tỉnh được đăng tải trên Báo, Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn và phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh. Đến nay, 100% các đơn vị đều đã xây dựng bảng biểu, tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa để treo ở cơ quan, đơn vị. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức của CB,CC,VC,NLĐ về sự cần thiết cũng như lợi ích thiết thực của phong trào, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tác phong lao động và làm việc văn minh
Theo đó, 100% cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai việc quy định CB,CC,VC,NLĐ không uống rượu bia buổi trưa các ngày làm việc, không hút thuốc lá tại nơi làm việc, thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng nội quy, quy chế làm việc, quy chế ứng xử dựng phong cách làm việc, giao tiếp. Hằng năm các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, tu bổ chăm sóc vườn hoa cây cảnh. Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư cho công tác phòng chống cháy nổ, lắp đặt, sửa chữa thiết bị che chắn, an toàn, khắc phục các yếu tố độc hại, ô nhiễm môi trường trong sản xuất để cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều tổ chức cho CB,CC,VC,NLĐ ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Mỗi CB,CC,VC,NLĐ đều có ý thức vận động gia đình, người thân thực hiện nếp sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn, an ninh trật tự; không có người khiếu kiện vượt cấp, trái pháp luật; thực hiện tốt cải cách hành chính; 8 giờ làm việc có hiệu quả, quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí được giao; không để xảy ra lãng phí, tham nhũng. Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm mọi chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp của công nhân theo các quy định của pháp luật. Sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho CB,CC,VC,NLĐ
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong CB,CC,VC,NLĐ diễn ra sôi nổi, liên tục, chất lượng ngày càng được nâng lên. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công đoàn các cấp tổ chức nhiều giải thể thao về cầu lông, bóng đá, hội diễn văn nghệ..., nhằm tăng cường tình đoàn kết và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hoạt động xã hội, từ thiện cũng được thường xuyên tổ chức, được CB,CC,VC,NLĐ hưởng ứng như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Mái ấm công đoàn, ủng hộ nạn nhân chất độc da, giúp đỡ nhân dân các vùng thiên tai, ủng hộ tiền, hiện vật, ngày công tham gia xóa nhà tạm... đã mang lại niềm động viên an ủi lớn lao, tăng thêm sự đoàn kết giữa tổ chức công đoàn với CB,CC,VC,NLĐ và nhân dân trong tỉnh.
Có thể khẳng định phong trào đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần động viên, khích lệ CB,CC,VC,NLĐ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ, nâng cao ý thức làm chủ tập thể, xây dựng môi trường làm việc văn minh lành mạnh. Số lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa ngày một tăng năm 2000, toàn tỉnh có 88 Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 16,3%). Đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.519/1.622 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 93,64%). Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa của tỉnh Thái Nguyên trong 20 năm qua vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục, đó là: Một số lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, còn coi đó là việc của công đoàn. Hệ thống các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động còn nhiều thiếu thốn và bất cập... Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả phong trào cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói chung và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” nói riêng, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thứ hai, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp đối với hiệu quả, chất lượng việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện quy trình bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo khách quan, dân chủ, chính xác theo đúng quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24/9/ 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” và Hướng dẫn 3337/HD-BVHTTDL-TLĐ ngày 10/8/2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành....Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và quan tâm xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện quy chế tuyển dụng CBCC, VC đảm bảo tuyển dụng những người có năng lực thực sự vào công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, ngành; Thực hiện công khai, công bằng trong đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với CBCC, VC; Có kế hoạch giúp đỡ CBCC,VC học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao trình độ tác nghiệp, tiếp cận với những phương pháp xử lý công việc được giao.
ThS. Hồ Sĩ Bách - Đoàn Mạnh Hiếu
* Tài liệu tham khảo:
Báo cáo số 227/BC-BCĐ ngày 27/01/2021 của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thái Nguyên về tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2000-2020.