Nhớ Ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Thứ ba - 20/04/2021 05:40
“Dù ai đi ngược về xuôiNhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng baDù ai buôn bán gần xaNhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mùng mười”Từ bao đời nay, câu ca dao trên đã in sâu vào trong tâm trí mỗi người con Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác, dặn dò mỗi người con đất Việt luôn nhớ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ) – một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc, là dịp để nhắc nhở con cháu nhớ về công lao dựng  nước của các Vua Hùng, nhớ về cội nguồn, tổ tiên với lòng thành kính.
Theo Truyền thuyết kể lại: Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh một người con trai, sau khi nối ngôi vua cha lấy niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con là tổ tiên của người Việt. Một hôm, Vua Lạc Long Quân bảo nàng Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán (An Dương Vương). Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, đời Vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định chính thức chọn ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được chính thức hóa bằng pháp luật.
Theo tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Kế tục truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về viếng thăm Đền Hùng để tỏ lòng biết ơn đối với công lao của các Vua Hùng. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Khu di tích Đền Hùng trở thành nơi quan trọng trong việc thực hiện các nghi lễ Giỗ Tổ. Năm 1963, Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích quốc gia; năm 1967 Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 1969, nhân dân quyên góp xây dựng công quán, Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, đường điện, đường giao thông, hệ thống nước, sửa chữa đền miếu, tổ chức bảo vệ khu di tích và rừng cấm, tổ chức 04 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia. Hằng năm, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng được tổ chức ngày càng quy mô hơn, phong phú hơn.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).
Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ thời điểm này, ngày 10/3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Vào ngày 06/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Phú Thọ là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Hoạt động tổ chức ngày Quốc Giỗ góp phần giáo dục cho mọi người dân Việt Nam về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là sự ghi nhớ, lòng biết ơn sâu sắc tới các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước; là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; củng cố niềm tin cho cộng đồng cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, to đẹp hơn.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì. Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương: Vào năm tròn: Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Tại Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; Chủ tịch nước là Chủ lễ dâng hương; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 3 chức danh: Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện kiều bào và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ dự lễ kỷ niệm. Đối với năm lẻ 5, năm khác: Tại Phú Thọ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di tích, đền thờ Vua Hùng tổ chức dâng hương tưởng niệm.
Ngày nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú xung quanh chân núi Hùng: Các trò diễn dân gian (đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo lửa thổi cơm thi…), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành, các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức quy củ, mang đậm chất văn hóa cội nguồn.
Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng trong cả nước và nước ngoài đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội Đền Hùng trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân.
Năm 2021 là năm lẻ, cho nên Giỗ Tổ năm nay sẽ do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, bên cạnh các nghi lễ truyền thống, phần hội sẽ chỉ có một số hoạt động văn hóa dân gian truyền thống để nhằm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Các nội dung phần lễ bao gồm: Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ vào ngày 17/4 (tức ngày 6/3 âm lịch); Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và lễ dâng hoa tại bức Phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên Phong ngày 21/4 (tức ngày 10/3 âm lịch); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các địa phương trong tỉnh (từ ngày 1 đến 7/3 âm lịch). Về phần hội sẽ chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: đánh trống đồng, đâm đuống (từ ngày 7 đến 9/3 âm lịch), Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ lần thứ 8 (ngày 8/3 âm lịch).
Năm nay cũng là năm đầu tiên Phú Thọ tổ chức tour du lịch đêm Đền Hùng “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ” cùng với chương trình âm nhạc đường phố "Việt Trì live music" nhằm giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ. Ðể Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2021 diễn ra an toàn, trang nghiêm, thành kính, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết, bảo đảm thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch, phòng chống chảy nổ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng không chỉ là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mà còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngô Thị Thùy Giang
Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay21,888
  • Tháng hiện tại317,793
  • Tổng lượt truy cập20,800,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây