Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Thứ ba - 06/04/2021 05:07
Trong xã hội dân chủ, bầu cử là hành động cụ thể chứng minh bản chất nền dân chủ nhân dân. Ở nước ta, bầu cử áp dụng đối với việc bầu ra các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Kế thừa quan điểm thực hành quyền bầu cử, ứng cử rộng rãi đã được thể hiện ngay từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”.

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Quyền ứng cử là quy định của pháp luật về việc công dân có đủ điều kiện thể hiện nguyện vọng của mình được được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Công tác tổ chức và quản lý bầu cử là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Quản lý chung về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thuộc trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử, bao gồm: (i) Hội đồng bầu cử quốc gia ở Trung ương; (ii) Ủy ban bầu cử ở các tỉnh, thành phố; (iii) Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử; và (iv) Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu. Hệ thống các cơ quan quản lý bầu cử hoạt động theo cơ chế lâm thời. Cách thức tổ chức các cơ quan phụ trách bầu cử ở Việt Nam rất đặc thù, không hoàn toàn thuộc một mô hình đặc trưng nào trên thế giới. Nhiệm vụ cụ thể được giao cho nhiều cơ quan khác nhau gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) và Ủy ban MTTQ các cấp. Pháp  luật về bầu cử không quy định vai trò, trách nhiệm cụ thể của Đảng trong bầu cử nhưng trên thực tế, các tổ chức Đảng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo bầu cử, nhất là trong công tác dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu và giới thiệu nhân sự ứng cử.
Để thực hiện tốt quyền bầu cử, quyền ứng cử và thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý bầu cử cần thực hiện một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để bảo đảm được các cơ cấu cơ bản, nhất là cơ cấu nữ và cơ cấu người dân tộc thiểu số. Luật Bầu cử quy định phải có ít nhất 35% số người trong danh sách ứng cử chính thức là nữ và tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong cơ quan dân cử ít nhất là 18%. Vì vậy, ngay từ đầu phải coi trọng chất lượng người được giới thiệu ứng cử để tìm người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng nhất trong các dân tộc thiểu số có số dân đông hơn để giới thiệu. Cấp ủy đảng ở từng địa phương phải lãnh đạo sát sao, bám nắm thực tế, chỉ đạo cụ thể để việc giới thiệu đạt được các tỷ lệ hợp lý, vừa bảo đảm yêu cầu chất lượng của đại biểu vừa mang tính đại diện cao giữa các dân tộc trên từng địa bàn.
Hai là, cần đề cao trách nhiệm của cơ quan giới thiệu người ứng cử để chọn được người thật sự tiêu biểu, suất sắc, có uy tín cao để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đưa vào danh sách hiệp thương, việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND phải là những người thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Ba là, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, thông tin, tuyên truyền tập trung một số nội dung như sau: mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; phân tích, làm rõ bối cảnh diễn ra sự kiện chính trị quan trọng này, đó là đất nước ta sau 35 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực đời sống cũng như vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là từ dịch bệnh Covid-19 của năm 2020. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cuộc bầu cử, trong đó tập trung tuyên truyền vị trí, vai trò của Quốc hội, HĐND các cấp; nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; số lượng, cơ cấu đại biểu...
Bốn là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bầu cử, tiến độ, chất lượng thực hiện các công việc tổ chức bầu cử.
Năm là đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động và các hoạt động chào mừng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử các vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo…
Nguyễn Thị Giang
Khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay16,509
  • Tháng hiện tại453,792
  • Tổng lượt truy cập21,623,909
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây