Ý nghĩa Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1946)

Thứ hai - 04/01/2021 02:54
Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới và quốc dân đồng bào: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Trên thực tế, nước ta là một nước tự do, độc lập, nhưng về mặt pháp lý chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận, thêm vào đó lại đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” - những hậu quả của chế độ thực dân - phong kiến: Nạn đói, nạn dốt và nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới do nhiều kẻ thù bên ngoài cùng lúc tiến hành, được các thế lực phản động bên trong hậu thuẫn. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ngay sau ngày thành lập là tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, đồng thời bảo vệ, phát triển những thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám vừa mới giành được. Công việc này không chỉ để củng cố và tăng cường chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, mà còn làm cho thế giới nhận thấy tính hợp pháp, hợp hiến của một chính quyền do nhân dân bầu ra.
Chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I tại ngõ Phất Lộc (Hà Nội) năm 1946 - Ảnh: T.L
Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự cấp thiết phải tiến hành càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945: "Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...". Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945: "... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".
Để thực thi công việc hệ trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một loạt sắc lệnh: Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về bầu cử quốc dân đại hội; Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều thứ II, Chương V Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 72 ngày 02/12/1945 bổ khuyết một số đại biểu các tỉnh và thành phố theo Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 76 ngày 18/12/1945 hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06/01/1946.
Với những quy định này cho thấy, cuộc Tổng tuyển cử, tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ là nguyên tắc phổ thông (tự do bầu cử, ứng cử của công dân), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được
Cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trên cả nước, với khoảng 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, cả nước bầu được 333 đại biểu[1] đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Tổng tuyển cử được tiến hành sâu rộng trong cả nước, trở thành một cuộc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân rộng lớn đi bầu cử, không chỉ đề người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, các quy định về tổng tuyển cử, động viên nhân dân đi bầu cử, mà còn để cho các ứng viên được tuyên truyền, vận động, cổ động cho mình. Vì lẽ đó, Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng vào công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp như việc xác định 4 nguyên tắc bầu cử được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đó là: Nguyên tắc phổ thông, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc trực tiếp và nguyên tắc bỏ phiếu kín; việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả được chú trọng.
Vũ Thị Nhàn
Khoa Lý luận cơ sở
 
[1] https://quochoi.vn/70qhvn/lichsuQHVN/Pages/quoc-dan-dai-hoi-tan-trao.aspx?itemID=30510

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay18,434
  • Tháng hiện tại377,291
  • Tổng lượt truy cập16,800,097
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây