Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 01/07/2020 21:36
Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở (DCCS) là một trong những nội dung quan trọng, cần thiết để xây dựng trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên ngày một vững mạnh, phát triển.
         Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện pháp luật về DCCS trong Nhà trường theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 Chính phủvề  việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Đảng bộ Nhà trườngcũngđã tích cực thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 10/10/2016 củaBan Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, giai đoạn 2016-2019” và các văn bản chỉ đạo khác về thực hiện dân chủ cơ sở. Kết quả của hoạt động đó là mối quan hệ giữa thủ trưởng, người lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức, trong trường ngày càng gần gũi, gắn bó; môi trường làm việc được cải thiện, tạo tâm lý làm việc tích cực; người lao động ngày càng phát huy vai trò, sự sáng tạo trong công việc và khẳng định tốt hơn trong thực hiện vai trò làm chủ tại Nhà trường... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế trong thực hiện pháp luật DCCS trong Nhà trường như: vẫn còn có công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện quyền dân chủ, dẫn tới chưa thể hiện hết vai trò làm chủ cuả mình; Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thực sự trở thành một diễn đàn dân chủ, huy động được sự tham gia ý kiến thẳng thắn, chất lượng của công chức, viên chức…
Quang cảnh Nhà trường
         Để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về DCCS tại Trường trong giai đoạn hiện nay, đầu tiên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt cần chú trọng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật về DCCS tại Nhà trường.
         Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên được thể hiện qua vai trò của Đảng bộ và các chi bộ Nhà trường; được thực hiện hiệu quả khi:
         Một là: Phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt Đảng
         Việc thực hiện pháp luật về DCCS tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên sẽ không thể hiệu quả nếu như chính tổ chức Đảng lãnh đạo, bản thân đảng viên - những hạt nhân của thực hiện DCCS trong cơ quan - lại không dân chủ. Đảng được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ và tập trung gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong thời kỳ mới của cách mạng nước ta hiện nay, đi liền với giữ vững tập trung và kỷ luật, mở rộng dân chủ nội bộ Đảng là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết. 
         Một khi dân chủ nội bộ không được mở rộng, số đông đảng viên có thái độ thụ động, ỷ lại, mất sức chiến đấu. Nhiều khuyết điểm như thiếu tập trung, thiếu kỷ luật, dân chủ cực đoan vô chính phủ có nguồn gốc từ tình trạng quan liêu, mất dân chủ mà ra. Chỉ khắc phục tình trạng thiếu dân chủ thì mới đẩy lùi được tình trạng thiếu tập trung, kỷ cương lỏng lẻo. Mở rộng dân chủ nội bộ đi đôi với dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội là thiết thực đấu tranh chống sự thâm nhập chủ nghĩa quan liêu vào trong Đảng, là phương thuốc hiệu quả nhất chống lại nguy cơ suy thoái chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống của đảng viên, giữ gìn bản chất cách mạng tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta. 
         Hai là: Tăng cường lãnh đạo việc hoàn hiện các thiết chế dân chủ cơ sở tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên
         Đúng theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên thực hiện đến đâu, thực hiện như thế nào, có đúng và đẩy đủ về nội dung, có tuân thủ quy định về trình tự và thủ tục… hay không đều phải nằm trong sự lãnh đạo của Đảng.
         Các cấp ủy Đảng sâu sát trong việc thông qua chủ trương, kế hoạch tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; cân nhắc kỹ càng từng nội dung, chỉ đạo Hội nghị giữ đúng nguyên tắc dân chủ trong triển khai và thông qua các nội dung (từ quy chế chi tiêu nội bộ, các chỉ tiêu, kế hoạch…). Khi các nội dung đó được thông qua, Đảng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các nội dung đó trên thực tế, kịp thời trấn chỉnh nếu có nội dung được thực hiện chưa đúng hoặc chưa đủ, chậm trễ hoặc thiếu sót; đảm bảo quyền dân chủ của  công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan; đảm bảo cá nhân, tổ chức có thẩm quyền phải thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về DCCS.
         Đảng ủy lãnh đạo và chỉ đạo việc tiến hành xây dựng các quy trình, thủ tục của Nhà trường, đảm bảo các bước thực hiện trong quy trình phải có sự tham gia của công chức, viên chức, người lao động hoặc đảm bảo công chức, viên chức, người lao động được biết, được bàn bạc, được thông qua, được tham gia thực hiện hoặc được giám sát, kiểm tra: VD: quy trình đánh giá; quy trình quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý…
         Đảng ủy lãnh đạo hoạt động xây dựng các quy chế trong Nhà trường như Quy chế Dân chủ cơ sở, Quy chế Phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ..., đảm bảo cụ thể hóa các quy định pháp luật về dân chủ, dân chủ cơ sở vào các nội dung hoạt động của Nhà trường, gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Nhà trường.
            Ba là: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên
         Vai trò, vị trí của công chức, viên chức, người lao động là đảng viên trong CQHCNN là  đầu tầu, dẫn dắt phong trào thực hiện DCCS. Chính vì thế, cần nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về DCCS trong Nhà trường. Không có khẩu hiệu về thực hiện pháp luật về DCCS nào thuyết phục hơn chính khẩu hiệu toát ra từ hành động thực tế của cán bộ, đảng viên.
         Cùng với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Nhà trường cũng có đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên về việc thực hiện pháp luật về DCCS. Việc đánh giá cán bộ, đảng viên cần đi vào thực chất, tránh việc qua loa, phiến diện, căn cứ vào vị trí công tác của cán bộ, đảng viên nhiều hơn là kết quả thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn đạo đức, tính gương mẫu, dám chịu trách nhiệm, đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực… trong Đảng.
         Thực hiện pháp luật về DCCS vừa là đường lối, chính sách của Đảng, vừa là pháp luật của nhà nước. Do đó, ngoài việc nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, công chức, viên chức là đảng viên phải nắm vững các quy định của pháp luật về DCCS. Có thể xem đây là nhiệm vụ của đảng viên, cần phải tiến hành học tập và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kiểm tra và đánh giá, có chế tài phù hợp nếu không đáp ứng yêu cầu.
         Bốn là: Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện đường lối, pháp luật tại đảng bộ, chi bộ
         Mục đích của kiểm tra, giám sát là nắm bắt thông tin về việc thực hiện đường lối, pháp luật về DCCS trong Trường để có chỉ đạo tiếp theo; phát hiện được vi phạm để xử lý (nếu có).
         Nội dung kiểm tra, giám sát là việc triển khai đường lối của Đảng trong việc thực hiện DCCS nói chung và thực hiện pháp luật về DCCStại Nhà trường nói riêng (VD: việc kê khai, công khai tài sản; thực hiện trách nhiệm nêu gương, giữ gìn đạo đức, lối sống); trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện đường lối, pháp luật về DCCS; hiệu quả việc thực hiện pháp luật về DCCS thông qua các nội dung công việc cụ thể: công khai thông tin; cải cách hành chính; quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo…
         Việc kiểm tra, giám sát được tiến hành thông qua các hình thức: Thông qua nắm bắt thông tin trong các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất; báo cáo chung hoặc chuyên đề; thông qua thành lập đoàn liên ngành hoặc độc lập để kiểm tra, giám sát thường xuyên theo chương trình, kế hoạch định trước; thông qua kiểm tra, giám sát đột xuất bằng việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát khi thấy có dấu hiệu vi phạm
         Kết quả của kiểm tra, giám sát sẽ được sử dụng để đánh giá về mức độ thực hiện pháp luật về DCCS tại Nhà trường; rút ra các bài học kinh nghiệm; quy trách nhiệm cá nhân, tập thể đối với kết quả thực hiện để từ đó đánh giá năng lực, trình độ, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể; khen thưởng, kỷ luật…
         Năm là: Trong quy hoạch  cán bộ, xem nội dung thực hiện tốt pháp luật nói chung và pháp luật về dân chủ cơ sở trong là một tiêu chí bắt buộc
         Một cán bộ lãnh đạo, quản lý từ khi nắm giữ những chức vụ thấp đã thể hiện thói quen chuyên quyền, độc đoán, phi dân chủ thì thói quen ấy khó có thể thay đổi được khi cán bộ này nắm giữ những chức vụ cao hơn trong bộ máy. Và nếu ở những chức vụ chưa cao, với tầm ảnh hưởng chưa nhiều mà phong cách lãnh đạo của họ đã thể hiện rõ ràng khuynh hướng phi dân chủ, thì cần phải thật sự cân nhắc khi xây dựng, quy hoạch hoặc bổ nhiệm họ ở những vị trí quản lý cao hơn.
         Thông tin về phong cách lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý nằm chính trong có thể thu thập được bằng cách lắng nghe ý kiến, coi trọng, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, của cơ sở trong quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Tránh tình trạng quá coi trọng yếu tố này mà bỏ qua hoặc xem nhẹ yếu tố khác. Ví dụ: bởi vì quá đề cao trình độ, chuyên môn nên bỏ qua việc cán bộ ấy có tác phong chuyên quyền, độc đoán, không lắng nghe người khác.
         Dưới sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng, các hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật về DCCS trong Nhà trường sẽ được Ban Giám hiệu triển khai trên thực tế để cùng với các giải pháp cụ thể khác, góp phần xây dựng môi trường Đảng bộ dân chủ, trường học dân chủ tại trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Th.S Phạm Minh Chuyên
Phó Hiệu trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập252
  • Hôm nay29,553
  • Tháng hiện tại325,458
  • Tổng lượt truy cập20,807,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây