Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện lý luận trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Chủ nhật - 20/09/2020 21:43
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề cốt yếu, như: Huấn luyện làm gì? Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện cái gì? Huấn luyện như thế nào? 
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Người viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.1
Trong huấn luyện cán bộ, Người đặc biệt đề cao huấn luyện lý luận, Đây là nội dung huấn luyện mà Người rất quan tâm và thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Người khẳng định: “ Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ thực tiễn là lý luận suông”2. Với quan điểm này, Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập lý luận và vận dụng sáng tạo lý luận đó vào thực tiễn. "Lý luận cốt để áp dụng thực tế".
Đặc biệt khi viết về Huấn luyện lý luận trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã chỉ rõ đối tượng học thêm lý luận, phương pháp huấn luyện lý luận. Theo Bác, “Những cán bộ cao cấp và trung cấp mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn hoá khá, ham nghiên cứu), thì ngoài việc học tập chính trị và nghề nghiệp đều cần học thêm lý luận”3. Về phương pháp huấn luyện, Bác nhấn mạnh: Huấn luyện lý luận có hai cách: “Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích. Một cách là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực , có ích4.
Về học lý luận Bác cũng chỉ rõ: “Học tập thì theo nguyên tắc: Kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”. “Tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp. Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”5. ”. Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, Trường chính trị tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn. Hằng năm nhà trường thực hiện đào tạo, bồi dưỡng từ 50-60 lớp với các loại hình: Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng Chuyên viên, Chuyên viên chính, cán bộ quản lý cấp phòng, các chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Học viện Chính trị quốc gia ban hành, chương trình bồi dưỡng Chuyên viên, Chuyên viên chính và lãnh đạo quản lý cấp phòng do Bộ Nội vụ quy định, gắn với cập nhật tình hình thực tế địa phương. Đối với chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở, Nhà trường chủ động xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo cân đối giữa lý thuyết với thảo luận, thực hành; giữa kiến thức với kỹ năng vận dụng. Phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới, có sự kết hợp giữa thuyết trình hiệu quả với các phương pháp tích cực nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự học tự giác của học viên trong học tập, qua đó góp phần nâng cao cả về quan điểm, lập trường, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng ở Trường về cơ quan, đơn vị, địa phương đều phát huy tốt kiến thức, kỹ năng được học, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Phạm Minh Chuyên, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K53 hệ tập trung
Để tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện lý luận đối với cán bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần tạo nên thương hiệu, uy tín của Trường Chính  trị, Nhà trường xác định:
Một là, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Năng lực của giảng viên được thể hiện ở ba yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Yêu cầu này đòi hỏi người giảng viên vừa phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng giảng dạy vừa phải rèn luyện để giữ gìn đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, Nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện để giảng viên nâng cao năng lực thông qua: tham gia tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; thường xuyên rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng và phương pháp giảng dạy; gắn nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn với giảng dạy.
Hai là, coi trọng công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở xác định nhu cầu học tập của học viên. Hằng năm trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị, địa phương, Nhà trường xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng không bị động và có chất lượng.
Th.S Phạm Minh Chuyên
Phó Hiệu trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay13,305
  • Tháng hiện tại450,588
  • Tổng lượt truy cập21,620,705
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây