Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Thứ tư - 18/11/2020 03:49
Cách đây 38 năm theo nguyện vọng của các nhà giáo và của toàn dân, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT, chính thức lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Ngay sau khi Quyết định trên có hiệu lực, “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Từ đó đến nay “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đã trở thành ngày kỷ niệm ở nước ta. Đó là dịp để toàn xã hội tri ân những người làm công tác trong ngành giáo dục, khẳng định những cống hiến và đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo. Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy cô giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội - họ là người quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục. Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”[1]. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Các thầy giáo, cô giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang làm người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. 
Người thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao, đặc biệt là đối với đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh. Với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; người giảng viên Trường Chính trị có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhân cách đạo đức, trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của xã hội, tổ chức và đơn vị.
Qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Các thế hệ nhà giáo của trường không ngừng phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam. Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên có 44 viên chức, trong đó có 33 giảng viên (10 giảng viên chính, 23 giảng viên). Đội ngũ giảng viên của Nhà trường vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về phẩm chất đạo đức, giỏi về nghiệp vụ, tận tụy, yêu nghề, luôn có ý chí cầu tiến, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Về trình độ chuyên môn, Trường hiện có 2 giảng viên chính đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 25 thạc sĩ và 12 cử nhân (trong đó 04 giảng viên đang học cao học). Về trình độ lý luận chính trị, Trường có 28 viên chức, giảng viên trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương.
Với tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, những ngày qua Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã phát động phong trào thi đua, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, có tính giáo dục cao và lan tỏa sâu, rộng trong toàn Trường nhằm tôn vinh, tri ân công lao của các thầy giáo, cô giáo nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020).
Nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam và công lao to lớn của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà trường; khơi dậy niềm tự hào, động viên tinh thần lao động sư phạm tích cực, lòng yêu nghề và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên trước yêu cầu mới của sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị hiện nay; tổ chức các hoạt động thi đua nâng cao chất lượng dạy và học, mẫu mực về chấp hành quy chế, nền nếp chính quy, chế độ công tác của Nhà trường,...
Nhà trường tổ chức Hội nghị đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 để phối hợp với các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021 trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu, kế hoạch đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Trong quý III/2020, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng tổng số 32 lớp với 2.320 lượt học viên. Trong đào tạo, thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo quy chế quản lý đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; chú trọng và tăng cường thực hành kỹ năng xử lý công việc trong các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo lý luận để giải quyết, xử lý hiệu quả các tình huống thực tiễn.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên có nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở đã hoàn thành nghiệm thu và đưa vào vận dụng trong thực tiễn, các bài viết nghiên cứu và trao đổi đăng trên Bản tin Lý luận và thực tiễn, trang thông tin điện tử của Trường. Tính đến hết tháng 10/2020, Trường có 06 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu; 15 lượt bài viết đăng trên Bản tin Lý luận và thực tiễn số tháng 5/2020; biên tập và phát hành Bản tin Lý luận và thực tiễn số tháng 11/2020 chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam; 27 lượt bài viết đăng trên mục Nghiên cứu - trao đổi thuộc trang thông tin điện tử của Trường.
Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường. Thường xuyên cử giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, tập huấn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau ở trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở chương trình chung, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các giảng viên chủ động cập nhật kiến thức, quan điểm, quy định mới của Đảng và Nhà nước vào bài giảng, đảm bảo thông tin, định hướng kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Hội đồng khoa học Nhà trường tăng cường dự giờ giảng viên theo Kế hoạch tại các lớp Trung cấp LLCT-HC học tại Trường, đồng thời lấy ý kiến phản hồi từ học viên. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên từng bước được đổi mới, tập trung rèn luyện kỷ cương, nề nếp, công tác quản lý học viên với các lớp tại Trường và các lớp mở tại địa phương được chú trọng.
Với vai trò là Khối trưởng Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh Thái Nguyên năm 2020, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo Công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong Trường và trong Khối thi đua tham gia các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX. Cụ thể: Làm bảng ảnh của Khối chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên lần thứ XV. Khối thi đua các cơ quan Đảng tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đạt các giải: tiết mục múa xuất sắc; giải ba tiết mục múa hát tập thể, giải ba chung cuộc toàn đoàn. Ngoài ra, Trường cử các vận động viên là cán bộ, giảng viên tham gia Giải thể thao truyền thống Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên lần thứ XXII.
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên với vai trò là cụm trưởng Cụm thi đua số 3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động thi đua trọng cụm 7 Trường Chính trị tỉnh gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái: tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng và thực hiện văn hóa công sở ở trường chính trị tỉnh” với nhiều bài tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn; tổ chức giải thể thao giao lưu, thi đấu giữa các Trường. Tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi, Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2020 nhằm suy tôn học viên học giỏi lý luận chính trị, đánh giá thực chất việc giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên, học viên của Trường Chính trị tỉnh; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đồng thời tạo điều kiện cho học viên được giao lưu, học hỏi, tìm ra phương pháp học tập tốt nhất để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị.
Thông qua chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhất là hoạt động gặp mặt, tri ân đội ngũ nhà giáo của Hiệu trưởng Nhà trường và các cơ quan, đơn vị đã thể hiện tình cảm, lòng tri ân sâu sắc tới lực lượng sư phạm trong toàn trường; tạo động lực mới, niềm vui mới; khẳng định quyết tâm chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong tình hình mới.
Ma Trần Thu Hường

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập304
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay25,959
  • Tháng hiện tại321,864
  • Tổng lượt truy cập20,804,257
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây