Văn hóa gia đình truyền thống, hạt nhân của sức mạnh Việt Nam

Thứ ba - 02/03/2021 02:42
Dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và đồng hóa dân tộc của kẻ thù. Trong cuộc chiến ấy chúng ta có thể mất nước, có thể chịu cảnh kiếp người nô lệ nhưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của gia đình luôn trường tồn với thời gian, tạo ra sức mạnh, bản sắc riêng có của dân tộc Việt Nam. Văn hoá gia đình truyền thống có vai trò quan trọng, quan hệ mật thiết đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước, đó là nhân tố cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.
1. Văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam
Văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử, giá trị văn hóa ấy gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Văn hóa gia đình hòa quyện với văn hóa dân tộc, trở thành sức mạnh nội sinh, nền tảng cho sự phát triển bền vững,  là nhân tố tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình giữa các cá nhân và xã hội, giữa gia đình và đất nước.
Hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau về văn hóa gia đình truyền thống, nhưng tựu chung đều thống nhất hiểu văn hóa gia đình truyền thống là toàn bộ những giá trị, chuẩn mực truyền thống của gia đình Việt Nam trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với xã hội được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là những giá trị văn hóa gắn với nền văn hoá nông nghiệp lúa nước và cốt lõi quan hệ văn hoá gia đình Nho giáo. Nét nổi bật của văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam là loại hình gia đình nhiều thế hệ cộng sinh trong một gia đình. Do có bề dày lịch sử nên các giá trị văn hoá kết tinh đã trở thành giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.  

Giá trị văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam thể hiện ở đạo đức của gia đình, trong các giá trị chuẩn mực đạo đức cụ thể sau:
Thứ nhất, “Gia đạo”: Gia đạo được hiểu là đạo đức gia đình, tức là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được gia đình coi trọng. Cụ thể như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh chị em đoàn kết trên thuận dưới nhường. Trong đó, “đạo hiếu” là giá trị được đề cao nhất, là vốn quý của dân tộc được hun đúc bởi gia đình Việt qua nghìn năm lịch sử. Điều đó thể hiện bản sắc của một dân tộc trân trọng cội nguồn, gốc rễ của mình.
Thứ hai, “Gia phong”: Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong một gia tộc. Trong một gia tộc, gia phong được hình thành từ ông bà, cha mẹ và giáo dục cho thế hệ con cháu. Đó là việc xây dựng gia đình và tái tạo cho các con cháu sau này những chuẩn mực văn hóa đạo đức tốt đẹp. Gốc rễ của gia phong nằm ở đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện qua lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, thờ cúng tổ tiên…
Thứ ba, “Gia lễ”: Gia lễ được hiểu là những nghi lễ, tập tục trong một gia đình, được thể hiện qua cung cách ăn nói, đi đứng, cách ứng xử trở thành truyền thống gia đình mà ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu.
2. Văn hóa gia đình truyền thống là hạt nhân cho sức mạnh dân tộc
Các giá trị truyền thống được coi trọng trong gia đình truyền thống đều xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, văn hóa dân tộc. Từ nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống hướng đến những hành động, ứng xử tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Nhờ những giá trị văn hoá đó mà gia đình truyền thống Việt Nam trở thành hạt nhân quan trọng bậc nhất của sức mạnh dân tộc Việt Nam. Trục quan hệ dọc Gia đình - Làng xã - Tổ quốc, với gia đình là nền tảng luôn là một liên kết bền vững của văn hoá Việt Nam, tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc qua hàng ngàn năm văn hiến.
Cả thế giới biết đến Việt Nam như một biểu tượng của tinh thần đấu tranh bảo vệ hoà bình, độc lập. Từ buổi hồng hoang, cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ chia bọc trứng trăm con lên rừng xuống biển khai hoang lập địa đến thời các vua Hùng đi mở mang bờ cõi, dựng nước và giữ nước. Bước vào thời kì phong kiến độc lập tự chủ, những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam được viết tiếp bởi các triều đại phong kiến huy hoàng: “Đinh, Lý, Trần, Lê cùng Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”!
Sang thế kỉ 20, với sự xuất hiện của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cùng sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nhân dân cả nước thực hiện thành công Cách Mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng thực dân Pháp, đến quốc Mỹ xâm lược. Thắng lợi ấy trở thành nguồn cổ vũ lớn lao cho các dân tộc bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra thời đại của hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển.
 Những năm qua, Đảng cùng nhân dân cả nước bước vào công cuộc kiết thiết và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với truyền thống gia đình, cùng tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, đất nước ta đã nhanh chóng thoát khoải tình trạng nước nghèo kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đươc cải thiện cả về lượng về chất, vị thế kinh tế, chính trị của đất nước ngày càng được đánh giá cao trong cộng đồng quốc tế. Bước sang thế kỷ 21, thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng xấu, nhưng Việt Nam vẫn luôn là nước có mức tăng trưởng kinh tế cao, luôn xếp vào những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, các vấn đề an ninh, chính trị, đươc giữ vững và ổn định.
 Chúng ta làm được điều đó, trước hết, vì chúng ta có truyền thống yêu nước, yêu gia đình, với tinh thần chiến đấu cứu nước là cứu nhà.. Lòng yêu nước, truyền thống văn hoá gia đình là vũ khi tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay trong đấu tranh, xây đựng và bảo vệ tổ quốc. Truyền thống văn hoá gia đình luôn gắt kết với truyền thống yêu nước vì truyền thống yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm bình dị và gần gũi nhất đối với con người như yêu cha mẹ, yêu người thân, yêu nơi mình sinh ra và lớn lên, yêu gốc lúa, bờ đê, cây đa, mái đình... Chính những tình cảm rất giản dị ấy được hun đúc dần theo thời gian và nâng lên thành lòng yêu nước. Lòng yêu nước ở mỗi con người chỉ có thể nảy nở và phát triển trải qua những biến cố, thử thách. Cho nên, truyền thống yêu nước là cội nguồn sức mạnh nội sinh giúp đất nước ta vượt qua bao khó khăn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù và viết lên những trang sử vàng chói lọi, làm nên bản sắc văn hóa đời đời của một dân tộc anh hùng. Có thể thấy, “lòng yêu nước” đã ăn sâu vào trong tư tưởng, ý thức, trở thành bản năng của mỗi người dân Việt Nam ta.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh văn hoá gia đình cùng văn hóa làng xã là nền tảng cho văn hoá dân tộc Việt Nam. Văn hoá gia đình xuất phát từ mối quan hệ huyết thống nên giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, nếp sống hòa thuận có văn hoá, theo trật tự, có kỷ cương, hun đúc tâm hồn, góp phần quan trọng vào xây dựng bản lĩnh dân tộc. Mỗi ngưới sinh ra bước đầu đều được giáo dục, trưởng thành từ gia đình. Chính vì vậy, văn hoá cá nhân, văn hoá gia đình và văn hoá xã hội có mối quan hệ biện chứng, khăng khít, chặt chẽ với nhau và thường xuyên có mối quan hệ tác động qua lại. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.
Thực tiễn xã hội cho thấy, văn hóa gia đình có vai trò quan trọng, là hạt nhân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và phát huy sức mạnh dân tộc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa gia đình, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ThS. Nguyễn Thành Chung - Vũ Văn Tấn
* Tài liệu tham khảo
1. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Đại học tổng hợp Tp HCM, 1997.
2. Lê Văn Liêm, Văn hoá làng và xây dựng văn hoá làng ở tinh Quảng Nam hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, 2001.
3. Trương Hữu Quýnh, Đại cương lịch sử Việt Nam, T1, NXB Giáo dục, 2003.
4. Lê Duy Dũng - Cao Thị Hồng Hạnh, Văn hóa gia đình truyền thống là nền tảng của sức mạnh nội sinh trong doanh nghiệp quân đội, Tạp chí Gia đình & Xã hội, t6/2017.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập324
  • Hôm nay25,998
  • Tháng hiện tại321,903
  • Tổng lượt truy cập20,804,296
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây