Đôi điều về án lệ tại Việt Nam

Thứ ba - 31/03/2020 04:50
Án lệ (tiếng Pháp-Jurisprudence) được hiểu là: Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Vận dụng án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.
Thuật ngữ án lệ được sử dụng và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới còn ở Việt Nam án lệ cũng không quá xa lạ nhưng ít được nhắc tới trong đời sống pháp lý cũng như trong công tác giảng dạy tại các trường Đại học, thậm chí nhiều học giả còn phủ nhận hoàn toàn vai trò của án lệ trong pháp luật Việt Nam.
Khi nghiên cứu về lịch sử lập pháp ở Việt Nam, có thể thấy án lệ xuất hiện và được sử dụng khá sớm. Vào khoảng thế kỷ V khi chế độ phong kiến ở Việt Nam tương đối hoàn thiện, án lệ tồn tại dưới dạng các phán quyết, chiếu, sắc dụ, lệnh của nhà vua, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội lúc đó nhưng không được gọi bằng thuật ngữ “án lệ”.
Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, án lệ đã được ghi nhận, điển hình là quy định tại Điều 396* Quốc triều Hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) từ thế kỷ 15. Án lệ đã được áp dụng bởi hệ thống tòa án của Pháp tại Việt Nam. Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931 quy định tại Điều 4: “Khi nào không có điều luật thi hành được, thì quan thẩm phán xử theo tập quán phong tục và nếu không có phong tục thì xử theo lẽ phải và sự công bằng, cùng là châm chước tục riêng, thói quen và tình ý của đương sự. Quan thẩm phán sẽ giải quyết theo luật học và án lệ”.

Trong thời kỳ Pháp thuộc (1858 – 1945) án lệ được coi là nguồn của pháp luật Việt Nam, có vai trò tương đối quan trọng trong việc giải thích, bổ sung pháp luật thời bấy giờ dựa trên những văn bản có tính nguyên tắc của toà hành chính hoặc Toà án Tư pháp, nhưng trước năm 1884 các án lệ này chỉ được nhắc và ghi chép lịch sử mà chưa được biên tập, công bố. Phải mãi đến sau năm 1884 khi thực dân Pháp bắt đầu tiến hành cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam thì các tập án lệ mới xuất hiện do cả nhà nước phong kiến và các tổ chức tư nhân sưu tập công bố điển hình là Tập án lệ Bắc kỳ 1937 và Trung kỳ 1941, ngoài ra án lệ còn được công bố trên các tạp chí pháp lý khác. Án lệ được áp dụng trong giai đoạn này thực chất là để phục vụ cho chế độ phong kiến thực dân nhằm đàn áp nhân dân lao động Việt Nam, nên mang tính giai cấp rõ rệt và hà khắc. Vì vậy sau khi giành được độc lập, với sự ra đời của nhà nuớc Việt Nam dân chủ cộng hoà, cùng với sự sụp đổ của nhà nước phong kiến nửa thuộc địa ở Việt Nam, các tập án lệ cũng mất giá trị pháp lý.
Ở miền Bắc và sau này là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khái niệm “án lệ” thể hiện ở nhiều văn bản như Thông tư số 442/TTg ngày 19-1-1955 của Thủ tướng Chính phủ về trừng trị một số loại tội phạm, Thông tư số 19-VHS ngày 30-6-1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ, Chỉ thị số 772-TATC ngày 10-7-1959 của Tòa án nhân dân Tối cao về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc, phong kiến, Thông tư số 92-TC ngày 11-11-1959 của Bộ Tư pháp-TANDTC. Tuy nhiên, từ năm 1960, khái niệm “án lệ” không được sử dụng, thay vào đó thuật ngữ “luật lệ”. Từ sau năm 1975 đến trước năm 2005 thì khái niệm “án lệ” hầu như không được sử dụng một cách chính thức. Trong các sách, báo pháp lý khái niệm “án lệ” vẫn được bàn luận, nhưng chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật. Khái niệm án lệ được sử dụng chính thức tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 như sau: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Qua nghiên cứu tư liệu cho thấy án lệ đã có một thời gian dài được áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế là hơn 60 năm qua kể từ khi đất nước giành được độc lập, đi lên xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, án lệ không phải là nguồn của pháp luật Việt Nam.
Hiện nay nguồn của pháp luật Việt Nam bao gồm luật và các văn bản dưới luật trong đó hiến pháp là đạo luật gốc và cơ bản của các ngành luật khác. Ngoài ra nguồn của pháp luật Việt Nam còn có tập quán pháp.
Mặc dù án lệ không được thừa nhận là một nguồn chính thức, nhưng thực tế vẫn tồn tại những hướng dẫn xét xử của tòa cấp trên đối với tòa án cấp dưới. Tuy nhiên, những hướng dẫn này không có những lập luận như một án lệ. Năm 2004, lần đầu tiên, Tòa án nhân dân Tối cao đã xuất bản hai tuyển tập Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 – 2004 với mục đích “giúp cho các tòa án áp dụng pháp luật một cách thống nhất trong công tác xét xử và nâng cao chất lượng của việc ra bản án, quyết định của Tòa án”.
Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (khoản 2 Điều 22), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ” (khoản 5 Điều 27). Ngày 28 tháng 10 năm 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Tuy nhiên, ngày 23 tháng 5 năm 2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2019, thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015. Án lệ được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự áp dụng thống nhất pháp luật, tránh việc người dân đi khiếu nại tố cáo khi những vụ án tương tự cùng một tòa án thì người này xử khác người kia xử.
Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 5 năm 2019 thì Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định 220/QĐ-CA công bố 06 án lệ đầu tiên được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối thông qua và có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 6 năm 2016. Ngày 17 tháng 10 năm 2016 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định 698/QĐ-CA năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao, đã công bố thêm 04 (bốn) án lệ. Tại Quyết định 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017 Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua thêm 06 (sáu) án lệ. Tại Quyết định 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố thêm 10 (mười) án lệ. Và tại Quyết định 293/QĐ-CA ngày 09/09/2019, Tòa án nhân nhân tối cao đã công bố thêm 03 (ba) án lệ (03 án lệ này chính thức được áp dụng vào xét xử kể từ ngày 10/10/2019).
Việc quy định, công bố và áp dụng án lệ tại Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc áp dụng pháp luật khi mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng”.
Ngày 25/02/2020, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 50/QĐ-CA về việc công bố án lệ. Theo đó, công bố thêm 08 án lệ mới được áp dụng xét xử từ ngày 15/4/2020, tính đến thời điểm hiện tại đã có toàn bộ 37 án lệ của Việt Nam hiện hành.
Nguyễn Thị Hương Giang
Khoa Nhà nước và pháp luật
—————————————————————————————
*Điều 396 Quốc triều hình luật quy định: Người ông là Phạm Giáp sinh con trai trưởng là Phạm Ất, thứ là Phạm Bính. Ông tổ Phạm Giáp có ruộng đất hương hỏa 2 mẫu đã giao cho con trưởng là Phạm Ất giữ. Phạm Ất đã đem 2 mẫu ấy nhập vào với ruộng đất của mình mà chia cho các con, chỉ còn 5 sào để cho con trai Phạm Ất giữ làm hương hỏa. Con trai Phạm Ất lại sinh toàn con gái, mà con thứ là Phạm Bính có con trai lại có cháu trai, thì số 5 sào hương hỏa hiện tại, phải giao lại cho con trai hay cháu trai Phạm Bính coi giữ. Nhưng không được đòi lấy cho đủ hai mẫu hương hỏa của tổ tiên trước mà sinh ra tranh giành.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay31,640
  • Tháng hiện tại327,545
  • Tổng lượt truy cập20,809,938
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây