Phát huy vai trò của nữ trí thức tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ hai - 23/03/2020 03:48
Nữ trí thức tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên là một bộ phận của nữ trí thức Việt Nam. Họ là những người lao động trí óc, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có trình độ học vấn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đang trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị cơ sở.
           Nữ trí thức đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên. Vai trò của nữ trí thức được thể hiện trong tất cả những hoạt động của Nhà trường, trong đó tập trung trên ba lĩnh vực cơ bản: Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động lãnh đạo, quản lý.
          Một là, trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
          Nữ trí thức có vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở. Giảng dạy lý luận chính trị là bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng cho học viên, tăng cường niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, vào đường lối đổi mới đất nước của Đảng; đấu tranh chống những tư tưởng sai lệch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của nhân dân. Hoạt động giảng dạy lý luận chính trị của nữ trí thức góp phần trực tiếp trang bị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hiểu, quán triệt sâu sắc và vận dụng hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công việc, cuộc sống. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ nữ trí thức nói riêng tại Nhà trường. Hiện nay, đội ngũ nữ giảng viên là 20 đồng chí, chiếm tỷ lệ 45% tổng số cán bộ, viên chức của Nhà trường. Trong đó 01 đồng chí đang là nghiên cứu sinh, 14 đồng chí có trình độ thạc sỹ, 05 đồng chí đang học cao học; 18 đồng chí có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
          Trung bình mỗi năm, nữ trí thức của Nhà trường tham gia giảng dạy hàng chục lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, nhiều lớp bồi dưỡng theo các chức danh. Theo Điều 13, Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học việc Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về quy định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên: Giờ chuẩn của giảng viên tập sự là 135 giờ; giảng viên là 270 giờ (ít nhất 135 giờ lên lớp giảng bài, thảo luận, hướng dẫn ôn thi); giảng viên chính là 290 giờ (ít nhất 145 giờ lên lớp giảng bài, thảo luận, hướng dẫn ôn thi); giảng viên cao cấp là 310 giờ (ít nhất 155 giờ lên lớp giảng bài, thảo luận, hướng dẫn ôn thi). Giảng viên nữ của Nhà trường (4 giảng viên chính, 16 giảng viên) đã luôn đảm bảo được định mức và vượt mức giờ chuẩn giảng dạy.
Năm 2019, Trường hoàn thành xuất sắc Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt với tổng số 64 lớp, với 4.645 lượt học viên; bao gồm 34 lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 2809 học viên; 27 lớp bồi dưỡng với 1.566 học viên. Trên cơ sở chương trình chung, các giảng viên nữ đã chủ động cập nhật kiến thức, quan điểm mới; kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, quy định mới của Đảng và Nhà nước gắn với tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị, không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
          Hai là, trong hoạt động nghiên cứu khoa học
          Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động rất quan trọng đối với những người làm công tác giảng dạy, nhất là giảng dạy lý luận chính trị. Nghiên cứu khoa học tốt giúp giảng viên tích lũy, nâng cao tri thức, phương pháp…góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Đây cũng là hoạt động bắt buộc trong quy chế giảng viên của các trường chính trị. Theo Quy chế nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 2/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, giảng viên, góp phần đảm bảo yêu cầu lý luận gắn với thực tiễn. Trong đó, thực tiễn không chỉ dừng lại ở những ví dụ rời rạc trong đời sống mà phải đi từ cuộc sống, qua điều tra, nghiên cứu, có kết luận, có đánh giá chính xác thực chất vấn đề trên cơ sở khoa học; tổng kết để khái quát thành lý luận khoa học. Lý luận khoa học chỉ đạo cho thực tiễn, giúp thực tiễn vận động, phát triển đúng hướng. Việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học là một yêu cầu, đồng thời cũng là một nhiệm vụ đối với cán bộ giảng dạy trong các trường chính trị hiện nay.
Vai trò của nữ trí thức Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên trong hoạt động nghiên cứu khoa học được thể hiện rõ nét thông qua việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Họ không chỉ tham gia với tư cách là thành viên mà còn tham gia với tư cách là chủ nhiệm hoặc thư ký khoa học đề tài. Trong giai đoạn từ năm 2015-2019, nữ trí thức của Nhà trường làm chủ nhiệm 13/25 đề tài khoa học cấp cơ sở. Ngoài ra, nữ trí thức còn tích cực tham gia viết sách, giáo trình; biên soạn lịch sử nhà trường, viết bài tham luận tham gia Hội thảo khoa học trên các lĩnh vực chuyên môn như Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay”, Tọa đàm chủ đề “Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); tham gia phản biện cho các đề tài nghiên cứu khoa học; viết bài đăng trên Tạp chí khoa học, Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn và trên trang thông tin điện tử của Nhà trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp nữ trí thức Nhà trường từng bước nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn ở cơ sở, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị.
          Ba là, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý
          Cùng với quá trình trưởng thành và phát triển, Nhà trường quan tâm, tạo điều kiện và đề bạt cán bộ nữ tham gia các cấp ủy, chính quyền từ cấp Khoa, Phòng đến cấp trường. Qua đó, nữ trí thức góp phần vào sự trưởng thành chung của Nhà trường, sự tiến bộ của phụ nữ nói chung. Tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý ở các cương vị khác nhau, các cấp độ khác nhau, nữ trí thức đã và đang phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý góp phần to lớn và trực tiếp vào việc hướng dẫn thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế chuyên môn của Học việc Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
          Những năm qua, vai trò của nữ trí thức trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của Nhà trường được thể hiện rõ nét. Nữ trí thức Nhà trường tham gia cấp ủy Đảng, nắm giữ các chức vụ quan trọng từ Bí thư chi bộ (3/5 Bí thư chi bộ là nữ), cấp ủy viên (4/9 đảng ủy viên là nữ) và Bí thư Đảng ủy Nhà trường. Nhìn chung, họ đều là những người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, biết lắng nghe, có khả năng thuyết phục, tác phong dân chủ và khoa học, hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Trong công tác chính quyền, nữ trí thức được phân công nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, từ phó Khoa/Phòng (4/7 đồng chí là nữ), đến Trưởng Khoa/Phòng (2/5 đồng chí là nữ), kể cả vị trí cao nhất (Hiệu trưởng). Dù ở vị trí nào, nữ trí thức đều nỗ lực, cố gắng vươn lên, phát huy năng lực lãnh đạo, quản lý.
Nữ trí thức của Nhà trường cũng tham gia khá đông đảo vào các tổ chức Công đoàn, Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban nữ công. Họ giữ các chức vụ chủ chốt trong Ban chấp hành Công đoàn (3/5 đồng chí là nữ), Ban chấp hành Chi đoàn Thanh niên (2/3 là nữ), Trưởng ban Nữ công. Với các cương vị được giao, chị em đã và đang góp phần tích cực đưa các tổ chức đoàn thể Nhà trường phát triển, phát huy vai trò của các tổ chức trong công tác bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
          Đội ngũ nữ trí thức hiện nay đã và đang đóng góp vai trò to lớn trên các lĩnh vực cơ bản, trọng yếu của Nhà trường. Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của nữ trí thức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
          Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đội ngũ nữ trí thức nói chung và đội ngũ nữ trí thức tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Đảng và Nhà nước ta cần có những biện pháp, chính sách phù hợp đào tạo nguồn nhân lực trí thức, đặc biệt là nữ trí thức. Nhận thức đúng và tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ, trong đó có đội ngũ trí thức nữ, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt..., tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng..., tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội”[1]; trong công tác cán bộ cần phải “tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy… là cán bộ nữ”[2]. Nhận thức đúng đắn phải được thể hiện ở việc nhìn nhận, đánh giá trí thức nữ một cách khách quan, công  tâm, công bằng, khắc phục tính định kiến, hẹp hòi; mạnh dạn bố trí, sử dụng trí thức nữ, đề bạt trí thức nữ ở những vị trí xứng đáng khi có đủ điều kiện, trình độ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao.
          Thứ hai, nâng cao trình độ, năng lực cho nữ trí thức đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở. Bản thân mỗi nữ trí thức cần xác định rõ tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ về mặt chuyên môn và chính trị, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, giải quyết hài hòa chức năng “kép” của bản thân giữa gia đình và sự nghiệp.
          Thứ ba, làm tốt công tác tuyển dụng, đề bạt và bổ nhiệm trí thức nữ. Cần phê phán, đấu tranh ngăn chặn hiện tượng phân biệt giới tính trong công tác tuyển dụng trí thức trẻ; rà soát lại các quy định pháp luật về hợp đồng lao động để giảm thiểu sự thiệt thòi cho trí thức nữ. Có chính sách ưu tiên đề bạt và bổ nhiệm trí thức nữ tham gia quản lý chuyên môn hoặc tham gia lãnh đạo cấp ủy và đoàn thể, đảm bảo sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới cần phải thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc quy định tối thiểu tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trên tổng số nữ ở các cơ quan, đoàn thể.
          Thứ tư, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực phát huy vai trò của nữ trí thức trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Tổ chức Công đoàn, Ban nữ công Nhà trường cần làm tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng; quan tâm đến đời sống tinh thần, nắm bắt tư tưởng của chị em; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức, vai trò, vị thế của phụ nữ; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chị em. Đồng thời, nữ trí thức cần có sự chia sẻ, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình để giúp họ hoàn thành tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình và sự nghiệp.
 
 Ma Trần Thu Hường
Khoa Xây dựng Đảng
 
*Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016
2. Nguyễn Thị Lan, Luận án tiến sĩ “Nữ trí thức trong các trường chính trị tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2017.
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr. 163.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.206.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập185
  • Hôm nay31,781
  • Tháng hiện tại327,686
  • Tổng lượt truy cập20,810,079
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây