"Thái Nguyên chung sức xây dựng Nông thôn mới" - Sức lan toả của một phong trào

Thứ hai - 16/03/2020 21:26
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 08/6/2011 được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2011 đến 2015 và giai đoạn II từ năm 2016 đến 2020. Ngay sau khi Thủ tướng phát động phong trào, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch, ban hành và tổ chức phát động phong trào. Thông qua việc tổ chức phong trào thi đua nhằm mục đích góp phần xây dựng nông thôn mới Thái Nguyên phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Người dân Thái Nguyên chung sức xây dựng Nông thôn mới

Sau gần 10 năm thực hiện, phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động tích tực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tổng kết giai đoạn 2011-2015 nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhất; nhân dân và cán bộ huyện Đại Từ được Chính phủ tặng Cờ thi đua; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 07 tập thể và 05 cá nhân với tổng số tiền thưởng 47 tỷ đồng; UBND tỉnh khen thưởng và tặng cờ thi đua cho 02 tập thể, tặng bằng khen cho 27 tập thể và 57 cá nhân với tổng số tiền thưởng 6,6, tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh đã khen thưởng 128 tập thể và 129 cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện xây dựng NTM; khen thưởng trên 100 tập thể và cá nhân có đóng góp tiền mặt, hiện vật, hiến đất để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn....Có được những kết quả kể trên là nhờ sự hưởng ứng sâu rộng phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân bằng việc thực hiện những nội dung rất cụ thể như:

Đối với hệ thống chính trị và nhân dân

9/9 huyện, thành phố, thị xã, một số Sở, ngành và 100% các xã đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Các tổ chức đoàn thể cũng phát động những phong trào gắn liền với nhiệm vụ của mình như: MTTQ tỉnh cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với phong trào thi đua: “Tuổi trẻ Thái Nguyên chung tay xây dựng nông thôn mới”, triển khai các tuyến đường thắp sáng làng quê, Hội liên hiệp Phụ nữ với cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân với phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh nêu gương sáng, hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”.... Toàn tỉnh đã tổ chức 345 cuộc phát động thi đua, vận động được 11.211 tỷ đồng, các địa phương đã vận động nhân dân hiến trên 593 ha đất và nhiều cây cối, tài sản trên đất để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Một số địa phương triển khai tốt như: huyện Đại Từ, huyện Phú Bình, huyện Đồng Hỷ; thị xã Phổ Yên,...

Đối với khối doanh nghiệp và các tổ chức khác

Một số doanh nghiệp, tổ chức tham gia đóng góp ủng hộ xây dựng nông thôn mới như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (xây  nhà văn hóa xóm Tân Thành, xã Kha Sơn, Phú Bình và một số công trình khác...); Doanh nghiệp Bê tông Việt Cường (hỗ trợ máy trộn bê tông làm đường giao thông nông thôn tại một số địa phương). Ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ các công trình an sinh xã hội với số tiền trên 120 tỷ đồng (Ủng hộ trên 70 tỷ đồng xây dựng 31 trường học, điểm trường, 4 lớp học; tài trợ trang thiết bị phục vụ dậy học, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó; xây dựng 02 trạm y tế, tài trợ 13 xe cứu thương và các thiết bị y tế trên 30 tỷ đồng; xây dựng trên 200 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết).

Đối với các tổ chức quốc tế

Ngoài việc huy động các nguồn nội lực, tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế bằng việc học hỏi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực, nổi bật như một số dự án: dự án xây dựng mô hình làng mới (Seamaul) của Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc (SGF) tại các xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ; xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa; xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương; dự án áp dụng Triết lý kinh tế vừa đủ (SEP) của Cơ quan hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA) tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Tổng kinh phí hỗ trợ của các dự án trên 33 tỷ đồng, với các nội dung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, đào tạo cho cán bộ và người dân. Các dự án góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở vùng thực hiện dự án tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào cũng còn một số những khó khăn, hạn chế sau: việc phát động phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của các sở, ban, ngành, đoàn thể vẫn chưa thật sự đồng bộ, ở một số ít địa phương còn mang tính hình thức; phát hiện và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua có lúc chưa kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng,…Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đuavà theo tinh thần Kết luận số: 54-KL/TW, ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới để các phong trào thi đua có sức lan tỏa lớn hơn nữa tỉnh Thái Nguyên cùng với cả nước cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới để mọi người hiểu rõXây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong việc tích cực tham gia thực hiện phong trào và tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện phong trào nhằm huy động đông đảo các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách để thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, tiến hành rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để duy trì phong trào; cần chủ động ban hành các cơ chế, chính sách mới, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đồng bộ và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tế.

Thứ tư, đối với các địa phương đạt chuẩn cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới bền vững. Tiếp tục tổ chức tốt Phong trào thi đua tại các địa phương đang phấn đấu về đích nông thôn mới đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Phong trào thi đua, tập trung vào các địa phương còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trung tâm để kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới./.

 Th.S Hồ Sĩ Bách
Khoa Nhà nước và pháp luật

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo số: 218/BC-UBND, ngày 24/9/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay22,128
  • Tháng hiện tại401,299
  • Tổng lượt truy cập16,824,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây