Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên hiện nay

Thứ năm - 31/10/2019 19:59
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, nằm trong vùng trung du miền núi Đông Bắc, là nơi hội tụ của 46 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có trên 384 nghìn người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh.Các dân tộc thiểu số trên 2000 người gồm Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa, các dân tộc khác có dân số ít, chỉ chiếm 0.3% dân số toàn tỉnh sinh sống chủ yếu ở 05 huyện miền núi, vùng cao gồm: Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ tập trung chủ yếu tại 124 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh) với 1.985 xóm, bản, được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển.
Là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, đã có rất nhiều di sản văn hóa nên việc tôn tạo, giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa ấy đã trở thành ý thức và trách nhiệm của chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong đó có các dân tộc thiểu số. Với một tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng riêng có, chính điều đó đã góp phần tạo cho mảnh đất này có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng.
1
Lễ hội của đồng bào dân tộc người Tày. Ảnh: sưu tầm internet
Nhận thức được tầm quan trọng của việc gữi gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số Tỉnh đã triển khai các văn bản của Đảng và Nhà nước về gữi gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có việc gữi gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm như : Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác văn hóa – thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm chống nguy cơ tụt hậu và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5; Luật Di sản văn hóa; Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam”, chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam từ 2003 đến 2010; … Điều này cho thấy, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, về văn hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được Đảng và nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành các văn bản pháp quy. Với mục đích bảo tồn, phát huy bản, sắc văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Thái Nguyên, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên” được triển khai với 2 giai đoạn với số kinh phí tư gần 45 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và các nguồn vốn khác để thực hiện Đề án. Hội đồng nhân dân tỉnh Thái nguyên Khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã ban hành nghị quyết Số: 39/2014/NQ-HĐND ngày 18 tháng 5 năm 2014 đã thông qua Đề án Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020. Thêm vào đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 26/6/ 2017 về việc phê duyệt chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 với quan điểm phát triển bền vững và bảo tồn được các giá trị văn hóa làng, bản; với mục tiêu tổng quát: hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện, để văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống của xã hội. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa các dân tộc và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở triển khai các văn bản chỉ đạo về văn hóa của Đảng và nhà nước và được cụ thể hóa bằng các Nghị Quyết, Quyết định và Đề án về “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên” đã đạt được những thành tựu đáng chú ý sau:

Thứ nhất, việc lãnh đạo, triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước, về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên kịp thời và hiệu quả.
 Tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành Đề án Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn; tiếp tục triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể Trà Thái Nguyên; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch, gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, phấn đấu sưu tầm mỗi năm từ 400 hiện vật trở lên; 50% số tài liệu, hiện vật quý hiếm trong Bảo tàng tỉnh được số hóa....

Thứ hai, đẩy mạnh việc tuyên truyền về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Công tác thông tin, tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được chú trọng hoàn thiện và nâng cao. Hiện nay, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện phát thanh và được phủ sóng truyền hình bằng tiếng dân tộc hoặc song ngữ tiếng dân tộc, tiếng Việt. 100% xã có mạng điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, 91,4% số xã có bưu điện văn hóa. Duy trì tỷ lệ dân cư được xem truyền hình đạt 100%.

Thứ ba, việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa thiết thực và hiệu quả.
Công tác gìn giữ, bảo tồn và phục dựng các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc được quan tâm thực hiện. Đến nay đã hoàn thành công tác bảo tồn hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ và xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên; phục dựng lễ cấp sắc của người Dao ở huyện Phú Lương; đám cưới người Dao ở xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ; lễ cấp sắc của dân tộc Nùng xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ...Tỉnh Thái Nguyên hiện có 15 di sản tiêu biểu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các di sản tiêu biểu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Tỉnh Thái Nguyên hiện nay gồm: Múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ, nghi lễ Cầu Mùa (người Sán Chay); nghi lễ Cấp Sắc, nghi lễ Tết nhảy (dân tộc Sán Chay); Múa Rối cạn, nghi lễ Then, lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày); hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu)....Đặc biệt, di sản nghi lễ hát Then đang đệ trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thứ tư, việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch, du lịch cộng đồng ở Thái Nguyên đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thái Nguyên đã không ngừng tăng lên. Từ năm 2010 đến nay, tổng số cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể: Từ 135 cơ sở năm 2010 lên tới 425 cơ sở năm 2017, tổng số buồng phòng tăng gần 2,5 lần so với năm 2010, số lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên tăng nhẹ từ 1.450.000 lượt khách vào 2010 lên 1.752.480 lượt khách (theo số liệu thống kê đến tháng 9/2017), các chỉ tiêu về du khách quốc tế, số lượng đơn vị Lữ hành, doanh thu từ hoạt động du lịch và lao động tham gia vào nhóm ngành du lịch cũng có sự tăng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở Tỉnh Thái Nguyên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Việc thực hiện nghị quyết các Đại hội của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý văn hóa có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, một số các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số, việc bảo tồn và phục dựng một số lễ hội truyền thống chưa thực sự hấp dẫn, có nguy cơ bị mai một...

Để tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ Tỉnh đến chính quyền các xã, thôn, bản. Đồng thời cần đề ra và thực hiện tốt các giải pháp một cách thiết thực, hiệu quả. Với nhận thức của bản thân thông qua quá trình nghiên cứu thực trạng giữ gìn và phát  huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, mỗi cấp ủy Đảng, tùy theo điều kiện cụ thể mà có sự chỉ đạo kịp thời, vận dụng cho phù hợp với đặc điểm cơ sở, từ đó phát huy được tinh thần đoàn kết toàn dân, huy động được sự ủng hộ của nhân dân tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và sự thống nhất tư tưởng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về văn hóa, trong quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay, đặc biệt đổi mới tư duy về lănh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ ba, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhất là cán bộ làm công tác văn hóa. Chú ý đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ người thiểu số, xây dựng cán bộ trên từng xã đến huyện có kế hoạch từ khâu đào tạo nguồn, tuyển chọn, đến bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, chú trọng lựa chọn từ các trường nội trú, cán bộ trong trường thiếu sinh quân.

Thứ tư, đẩy mạnh khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa các dân thiểu số theo nguyên tắc: Những giá trị vĩnh cửu thì bảo tồn, tạo mọi điều kiện để phát huy tác dụng; những giá trị cũ nhưng có thể cải biến, chắt lọc, dần loại bỏ những hủ tục.

Thứ năm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ , chương trình 134,135, chương trình xóa đói giảm nghèo của Đảng bộ Tỉnh Thái Nguyên….

Thứ sáu, xây dựng kết cấu hạ tầng tập trung cho giao thông, nước sạch, điện thắp sáng, kích thích sản xuất hàng hóa. Xây dựng và phát triển đường giao thông đến tận thôn, bản để thuận tiện cho việc đi lại và giao thương của người dân.

Thứ bảy, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư, mở các lớp dạy nghề cho con em các dân tộc thiểu số. Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tuyên truyền giáo dục cho nhân dân cách ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày rau xanh, thức ăn tươi như thịt, cá, trứng, v.v.. Xóa bỏ các hủ tục cúng bái để chữa bệnh, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Có kế hoạch đào tạo cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số, xây dựng và trang bị các thiết bị y tế cho các xã để cấp cứu ban đầu các bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tám, tăng nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động văn hóa. Theo đó, cùng với việc tăng nguồn kinh phí, kêu gọi các tổ chức xã hội: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư, hỗ trợ hoạt động văn hoá. Huy động sức dân trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở ở Thái Nguyên. Tiến hành xã hội hóa, huy động cả cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa, khôi phục văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, đồng thời có kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn kinh phí đó.

Từ nhận thức sâu sắc về thành quả đã đạt được cùng những hạn chế trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi tin tưởng dưới sự lãng đạo Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tỉnh, các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiếu số sẽ được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị tích cực trong thời gian tới. Các giá trị bản sắc văn hóa ấy sẽ góp phần quan trọng đưa tỉnh Thái Nguyên sớm trở thành một trung tâm thu hút du lịch của khu vực miền núi và trung du Bắc bộ, góp phần không nhỏ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh Thái Nguyên.
Th.S Nguyễn Thành Chung - Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị
Th.S Nguyễn Phương Thủy - Khoa Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên
Tài liệu tham khảo:
  1. Lịch sử Đảng bộ huyện Tỉnh Thái Nguyên (2003), tập 1.
  2. Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Đề án Bảo tồn phát triển văn hóa các  dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.    
  3.  Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Quyết định số 1750/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh thái nguyên, giai đoạn 2017 – 2020, ngày 26 tháng 6 năm 2017
  4.  Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết số 39/2014/ NQ-HĐND ngày 18 tháng 5 năm 2014 thông qua Đề án Bảo tồn phát triển văn hóa các  dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.
  5.  Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, năm 2019.
  6.  Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo về thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở địa phương giai đoạn hiện nay.
  7.  Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay21,189
  • Tháng hiện tại439,904
  • Tổng lượt truy cập21,610,021
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây