Bàn về vấn đề “Con người là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước”

Chủ nhật - 28/07/2019 05:50
Vào thời điểm khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với cả thế giới rằng con người có những quyền cơ bản là quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc. Khi đất nước còn đnag phải đối mặt với vô vàn khó khăn, Bác cũng đã khẳng định rằng ham muốn tột bậc của Người là “làm sao cho dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện truyền thống nhân văn, nhân đạo và chú trọng yếu tố con người của dân tộc Việt Nam.
          Khi nói đến nhân tố con người là nói tới mặt hoạt động của con người, đó là mặt cơ bản nhất, quyết định mọi thuộc tính, mọi biểu hiện đặc trưng của con người. Sự tác động của nhân tố con người có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử. Qúa trình hình thành tiến bộ xã hội không phải là một quá trình tự động, mà phải thông qua hoạt động của mọi người trong xã hội. Vì vậy, phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất của mỗi quốc gia, là động lực để phát triển xã hội. Con người vừa là chủ nhân sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần, hoàn thiện ngay chính bản thân mình, đồng thời con người còn là chủ thể sử dụng có hiệu quả mọi nguồn tài sản vô giá ấy. Trong lực lượng sản xuất, chỉ có con người có tri thức mới có thể làm thay đổi được công cụ sản xuất, tác động vào đối tượng sản xuất làm cho sản xuất ngày càng phát triển với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Chính con người mới là chủ nhân, là yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội khác, nhằm mục đích ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người và toàn xã hội. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người không ngừng tác động vào tự nhiên, làm biến đổi tự nhiên, qua đó làm biến đổi chính bản thân con người. Chỉ có con người mới có khả năng tạo ra văn hóa và văn minh, cải tạo xã hội và thông qua các hoạt động xã hội, con người lại cải tạo chính bản thân mình. Vì vậy, con người vừa là một bộ phận của tự nhiên, vừa là một bộ phận của xã hội.
          Trong điều kiện hiện nay, con người không những muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng nhiều, đa dạng và được phục vụ chu đáo nhất, mà còn mong muốn bảo vệ được môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường xã hội lành mạnh, có cuộc sống yên vui, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển xã hội nhanh và bền vững. Chỉ có con người có trí tuệ mới là nhân tố quyết định trong quá trình thực hiện các mục tiêu đó. Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ tiên tiến, con người đã tạo ra những sản phẩm mới có hàm lượng trí tuệ ngày càng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống và bổ sung các giá trị văn hóa mới vào kho tàng văn hóa của nhân loại. Con người có trí thức sẽ ngày càng có ý nghĩa quyết định đến quá trình sản xuất tạo ra những sản phẩm tri thức; thúc đẩy sự phát triển của một xã hội hiện đại.
          Khi đề cập đến con người trong lực lượng sản xuất, người ta thường chỉ chú ý đến yếu tố kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm của người lao động. Theo Các Mác, con người trong lực lượng sản xuất phải là con người ngày càng được phát triển cao về trí tuệ, khỏe mạnh về thể chất, giàu có về tinh thần, trong sáng về đạo đức, linh hoạt và văn minh trong ứng xử. Trí tuệ không chỉ là những tri thức trừu tượng nằm ở trong đầu mà còn là những năng lực của con người được thể hiện trong các hoạt động xã hội, trong quá trình sản xuất. Khỏe mạnh về thể chất không chỉ đơn thuần là sự cường tráng về thể lực, mà nó bao hàm trong đó sự phát triển tốt về trí lực, tư chất thông minh, tâm lý, thần kinh và tư duy sáng tạo cao trong lao động. Đạo đức của con người không chỉ là lương tâm, danh dự, trách nhiệm nói chung, mà nó còn được gắn bó với nghề nghiệp của mỗi người, tinh thần trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước. Linh hoạt và văn minh trong ứng xử là thích ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh, luôn giành thế chủ động trong mọi tình huống, xử sự một cách thông minh và lịch sự, đầy lòng nhân ái, vị tha và mang đậm tính nhân văn. Đạo đức là nền tảng định hướng các giá trị cụ thể của con người trong xã hội, mà giáo dục và rèn luyện là con đường duy nhất để tạo ra giá trị con người. Đối với người lao động hiện nay cũng như trong tương lai, không chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất mà phải dựa cả vào tri thức khoa học thì mới có thể tạo ra phương thức sản xuất mới kéo theo xã hội ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Vì vậy, chỉ có con người có tri thức mới thực sự là mục tiêu và là động lực cho mọi sự phát triển.
          Xã hội càng phát triển thì vai trò của con người có trí tuệ càng quan trọng. Tri thức của con người sẽ là nguồn lực, động lực chủ yếu tạo nên sự tăng trưởng trong kinh tế tri thức của các quốc gia. Hàm lượng giá trị về trí tuệ trong sản phẩm sẽ không ngừng chiếm tỷ lệ cao so với giá trị của vốn, thiết bị, nguyên vật liệu và lao động cơ bắp. Khi nền kinh tế tri thức phát triển thì nguồn lực trí tuệ trong xã hội sẽ đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước, chứ không phải là vốn, tài nguyên, lao động cơ bắp. Nhận thức được tầm quan trọng của tri thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quan điểm của Đảng ta là: lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển trí tuệ con người Việt Nam thể hiện trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
          Bước vào thời kỳ mới, định hướng về giá trị của con người Việt Nam cũng được khắc họa rõ nét hơn, đó là: những con người thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp; có tính tổ chức kỷ luật; có sức khỏe, là những người kế thừa các thế hệ đi trước tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội; những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đặc biệt trong thời đại mới, con người phải có khả năng thích nghi nhanh với những biến đổi xã hội, phải có khả năng làm chủ bản thân, gia đình và xã hội. Lúc đó, trí tuệ và đạo đức theo chuẩn giá trị mới sẽ hòa quyện vào nhau để tạo nên nhân cách của con người Việt Nam có đầy đủ những đặc điểm tiến bộ, vững vàng bước vào nền kinh tế tri thức; vào xã hội hiện đại với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong xã hội hiện đại, tri thức sẽ bao hàm đầy đủ cả năng lực tư duy, sáng tạo, dự báo, giải quyết vấn đề, đặc biệt là những kỹ năng ứng xử văn minh, hiện đại. Tri thức ngày càng thể hiện rõ vị trí là nhân tố hàng đầu để tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, là động lực để thúc đẩy việc giải quyết những bất bình đẳng xã hội, tạo sự công bằng và ổn định xã hội. Ngày nay, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ, thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, những kết quả sáng tạo do con người đem lại đã tạo ra làn sóng văn minh mới, kéo theo cuộc cách mạng mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả.
          Trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế thì những định hướng phát triển trí tuệ con người Việt Nam không thể thoát ly quy luật phát triển tri thức chung của thế giới, mà tri thức của nhân loại phải được tiếp thu sáng tạo, phù hợp với văn hóa Việt Nam, làm cho tri thức của con người Việt Nam không thua kém tri thức của những dân tộc tiên tiến nhất. Người lao động trong xã hội hiện đại không chỉ được nhấn mạnh ở những kỹ năng làm việc đơn thuần mà còn nhấn mạnh vào năng lực sáng tạo mới. Muốn vậy, giáo dục ở nước ta phải thực sự đổi mới căn bản và toàn diện, phải làm tròn chức năng lĩnh hội tri thức, truyền bá tri thức và sáng tạo ra tri thức mới, đồng thời ứng dụng tri thức vào cuộc sống. Giáo dục phải áp sát vào yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong kinh tế tri thức, phải nhận được sự quan tâm chu đáo của toàn xã hội. Phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đi trước và thích ứng với chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Ma Trần Thu Hường
Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay16,150
  • Tháng hiện tại280,563
  • Tổng lượt truy cập16,703,369
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây