Tìm hiểu chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch

Chủ nhật - 04/08/2019 22:58
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1 năm 1994) của Đảng đã xác định 4 nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đó là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”.
Qua các kỳ Đại hội, Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến các nguy cơ này, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh đến bốn nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền hiện nay: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp,...[1] trong những nguy cơ đó, nguy cơ “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá nước ta là một trong những nguy cơ được Đảng xác định là nguy cơ quan trọng hàng đầu và đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, góp phần bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.
Để ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới vô hiệu chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong đời sống xã hội, cần thiết phải nâng cao nhận thức về chiến lược “Diễn biến hòa bình” cho cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng trận địa tư tưởng vững chắc trong toàn Đảng, kịp thời ứng phó trước những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động. Trong phạm vi bài viết, xin được trao đổi về nội dung và phương thức đấu tranh phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến hòa bình” là diễn biến dần dần, cuối cùng đi đến một chế độ chính trị khác, không qua bạo lực; chiến lược không dùng chiến tranh mà dùng hàng loạt phương thức và thủ đoạn, nhằm tạo ra một quá trình diễn biến hòa bình để lật đổ chế độ chính trị ở nước khác.
Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam: “Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tiến hành… Nội dung chính đó là sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh… kết hợp với răn đe quân sự để ngầm phá từ bên trong, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền; kích động các mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc, chủng tộc; truyền bá mô hình chính trị, kinh tế, tư tưởng và lối sống của chủ nghĩa tư bản; khuyến khích tư nhân hóa về kinh tế và đa nguyên chính trị; triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn, sai sót của Nhà nước hiện hành, làm trầm trọng thêm quá trình khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo nên sức ép ngày càng lớn buộc lãnh đạo Nhà nước phải từng bước chuyển hóa, thay đổi đường lối chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho Nhà nước đối lập, làm cho thể chế chính trị tiến bộ, cách mạng bị thủ tiêu”[2].
Như vậy, sử dụng chiêu bài “Diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch đã tiến hành các nội dung, biện pháp, thủ đoạn linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của tình hình thế giới và tình hình cụ thể của từng nước. Chúng chống phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao. Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, chúng tuyên truyền xuyên tạc nhằm loại bỏ chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thúc đẩy tự diễn biến làm suy yếu hệ thống chính trị, hình thành đa nguyên đa đảng, tiến tới làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch đặc biệt tập trung chống phá về lý luận, quan điểm, đường lối, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tước bỏ cơ sở pháp lý lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong Điều 4 Hiến pháp; khuyến khích những quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội dân chủ.
Thực hiện ý đồ trên, các thế lực thù địch dùng các biện pháp, thủ đoạn như móc nối, kích động để có nhiều người, nhiều đối tượng cùng tham gia viết bài, tuyên truyền bộc lộ quan điểm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, theo phương châm “mỗi người chỉ là một giọt nước” nhưng nhiều giọt nước sẽ ngấm dần, nhằm phân hóa nội bộ, chuyển hóa dần từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Mặt khác, chúng đẩy mạnh tuyên truyền, gieo rắc “chủ nghĩa thực dụng”, văn hóa phương Tây tạo tâm lý hưởng thụ, lối sống tư sản, qua đó từng bước tạo chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ, quan điểm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ theo hướng đối lập với quan điểm, tư tưởng của Đảng.
Từ nhận thức về âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, để phòng chống “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa chúng ta cần:
Một là, tăng cường công tác tư tưởng lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng và chế độ ta. Chú trọng truyền thống yêu nước, niềm tự hào và tinh thần tự cường dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả khuynh hướng tư tưởng tư sản, các luận điệu tuyên truyền vu cáo chủ nghĩa xã hội, bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, phủ nhận lịch sử và các quan điểm đòi “đa nguyên”, “đa đảng” các luận điệu chống phá cách mạng nước ta dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu và nắm vững những nội dung  của Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Hai là, chăm lo xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, trước hết là xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng ở thời kỳ mới. Trong đó, “xây dựng Đảng được xác định là khâu then chốt” vì Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng còn là mục tiêu kẻ thù tập trung chống phá, vì vậy, Đảng vững mạnh sẽ ngăn chặn được nguy cơ chệch hướng, “tự diễn biến” từ bên trong, là điều kiện tiên quyết để làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong công tác xây dựng Đảng cần chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược. Nâng cao hiệu quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, để tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cầm quyền. Các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Quy định số 101-QĐ-TW, ngày 7/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Ba là, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh nhất là ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thường xuyên giáo dục, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia củng cố quốc phòng – an ninh, phòng chống “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ’ của các thế lực thù địch.
Bốn là, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa là tài sản chung của toàn thể dân tộc, là động lực phát triển của xã hội. Âm mưu của các thế lực thù địch là áp đặt văn hóa và lối sống của chúng để tác động làm suy giảm đến chỗ thủ tiêu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải bảo vệ và phát triển nền văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc làm sâu sắc hơn, giàu có hơn cho nền văn hóa nước nhà nhưng phải biết kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi văn hóa độc hại, đồi trụy có nội dung xấu, loại trừ âm mưu, thủ đoạn của địch làm suy yếu văn hóa của ta. Chống lại các quan điểm thương mại hóa văn hóa, quản lý và kiểm soát chặt chẽ công tác tuyên truyền, xuất bản và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng – văn hóa trong tình hình mới.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
  2. Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: Giáo trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh, Hà Nội, 2012.
  3. Phòng chống “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
 
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.74.
[2] Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, HN, 2004, tr.303.
Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay35,372
  • Tháng hiện tại331,277
  • Tổng lượt truy cập20,813,670
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây