Xây dựng đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí MInh trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư - 05/02/2020 01:35
Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những luận điểm rất quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, đặc biệt đối với lĩnh vực xây dựng Đảng về đạo đức.
Hồ Chí Minh là một nhà chính trị đạo đức, là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Sinh thời, Người luôn chú trọng đến vấn đề đạo đức của Đảng, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong thực tế cuộc sống, Người luôn mẫu mực nêu gương thực hiện, chăm lo xây dựng Đảng ta về mặt đạo đức, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tuy Người chưa sử dụng khái niệm xây dựng Đảng về đạo đức, nhưng trên thực tế, tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện rất rõ trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người.
2018 3 6 4 416 17bcaa

Người cho rằng đạo đức cách mạng có vai trò rất quan trọng đối với từng người và với sự nghiệp cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[1]. Đối với người cách mạng, Người nhấn mạnh: “Phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2].
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), tác phẩm chứa đựng những quan điểm hết sức quý giá về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã đặt tên phần III là “Tư cách và đạo đức cách mạng”. Đó trước hết là 12 điều tư cách của một đảng chân chính cách mạng, trong đó chủ yếu là về lĩnh vực đạo đức và tiêu chí đầu tiên đã thể hiện rõ điều này: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[3].
Đồng thời, trong phần III của tác phẩm, Hồ Chí Minh cũng xác định tư cách của một người cán bộ, đảng viên chân chính, Người chỉ rõ: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”[4].
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[5] và Người cho rằng “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[6].
Nói đến cán bộ, đảng viên yêu cầu hàng đầu là tính tiên phong gương mẫu về đạo đức cách mạng “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Trong Di chúc Hồ Chí Minh viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”[7]. Người còn dạy rằng: “Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”[8]. Muốn làm được điều đó, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới. Đây là yêu cầu tự thân của một Đảng cách mạng chân chính và do tính hai mặt của quyền lực trong điều kiện Đảng cầm quyền, theo Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[9]. Người chỉ ra rằng: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[10]. Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự rèn luyện, tổ chức đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn và đổi mới.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều kiểm điểm, đánh giá và đề ra nhiệm vụ cơ bản về xây dựng Đảng trong đó đặc biệt nhấn mạnh xây dựng đạo đức đối với cán bộ và đảng viên như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII (tháng 2/1999) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết số 04-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016) đã nhấn mạnh và bổ sung vào công tác xây dựng Đảng nội dung xây dựng đảng về đạo đức và khẳng định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[11].   Đây là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng đảng về đạo đức được tách riêng thành một nội dung độc lập, được đặt ngang hàng với xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,… Việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết Trung ương có liên quan đến xây dựng Đảng về đạo đức đã tạo được những chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên; Đảng luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh trong nước, khu vực, thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng luôn được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét. Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công việc được giao được nâng lên, góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Niềm tin của cán bộ và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao.
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Thái Nguyên - cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của tỉnh. Trong những năm qua, Đảng bộ Nhà trường luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ủy, chi ủy, chi bộ và cán bộ, đảng viên. Đảng ủy Nhà trường đã tổ chức phổ biến, quán triệt và lãnh đạo đảng viên và học viên Nhà trường thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương tới 100% cán bộ, đảng viên Nhà trường; chỉ đạo các chi bộ quán triệt và tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Đảng bộ Nhà trường không có đảng viên nói, viết trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không có đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì Đảng Cộng sản Việt Nam kiên cường, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tự hào về Đảng quang vinh, kế thừa và tiếp thu những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên nói riêng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đây cũng chính là nội dung chủ đề học tập năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Đảng bộ quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên của Nhà trường./.
Trần Thị Thuý
Khoa Lý luận cơ sở

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292-293.
[2] Sđd, t.11, tr.601.
[3],4 Sđd, t.5, tr.289, 291
 
[5] Sđd, t.11, tr.601
[6] Sđd, t.6, tr.16
[7] Sđd, t.11, tr.622
[8] Sđd, t.5, tr.289
[9] Sđd, t.15, tr.672
[10] Sđd, t.6, tr.127
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập92
  • Hôm nay33,549
  • Tháng hiện tại329,454
  • Tổng lượt truy cập20,811,847
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây